Lịch sử hào hùng
Ngay từ khi thực dân Pháp mới xâm lược, đất Tân An - Chợ Lớn đã hội tụ bốn phong trào đấu tranh võ trang lớn nhất Nam Kỳ: Khởi nghĩa của Trương Định (1860 - 1864), Nguyễn Trung Trực (1859 - 1868), Thủ Khoa Huân (1864 - 1875), Thiên Hộ Dương (1860 - 1866). Lòng dân ở đây từng dựng nên một Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định - chống giặc đến cùng, không theo lệnh triệt thoái của Triều đình bạc nhược.
Đặc biệt có người anh hùng làng chài Nguyễn Trung Trực lập chiến công vang dội cả nước bằng “Hỏa hồng Nhựt Tảo” và “Kiếm bạt Kiên Giang”; có Thiên hộ Dương bền bỉ dựa vào thế trận lòng dân, lập căn cứ Đồng Tháp Mười hiểm yếu chống chọi với giặc nhiều năm trời; lại có những nhà thơ, trí thức đánh giặc bằng ngọn bút như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông,...
Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Ảnh: Thanh Hiểu
Từ năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, nhân dân hai tỉnh Tân An - Chợ Lớn đã tiến hành cuộc biểu tình chống thực dân Pháp lớn nhất Nam Kỳ vào ngày 04/6/1930 nêu gương hy sinh oanh liệt của Châu Văn Liêm, một trong những đồng chí tham gia sáng lập Đảng. Trong khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, Tân An - Chợ Lớn là 2 trong 9 tỉnh khởi nghĩa mạnh mẽ nhất. Trong Cách mạng Tháng Tám, nếu Chợ Lớn là nơi tiếp ứng Sài Gòn và là nơi Xứ ủy 3 lần chọn họp để quyết định ngày giờ khởi nghĩa, thì Tân An là tỉnh đi tiên phong giành chính quyền ở Nam bộ.
9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian lao và anh dũng, nhân dân Tân An - Chợ Lớn thực hiện xuất sắc đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của Đảng, đánh giặc cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa; tập trung xây dựng, củng cố các căn cứ địa Đức Hòa, Vườn Thơm, Rừng Sác, Đông Thành, Đồng Tháp Mười,… bẻ gãy hàng trăm cuộc càn lớn, nhỏ của giặc Pháp, bảo vệ vững chắc Xứ ủy và các cơ quan đầu não kháng chiến, phối hợp nhịp nhàng cùng với chiến trường cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Với vị trí chiến lược tiếp giáp trung tâm đô thị lớn nhất của miền Nam (lúc đất nước chia cắt làm 2 miền) - Sài Gòn, cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long, có biên giới giáp Campuchia và nhiều tuyến đường huyết mạch, Long An thật sự là một trong những địa bàn “đầu sóng, ngọn gió”. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, mặc dù phải đối mặt với kẻ thù thực dân mới có phương tiện chiến tranh hiện đại, Đảng bộ, dân và quân Long An vẫn đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh, giành quyền chủ động đánh địch bằng thế trận chiến tranh nhân dân, tiến công địch bằng cả “hai chân, ba mũi” (đánh địch cả ở thành thị và nông thôn, kết hợp ba mũi đấu tranh: Chính trị - quân sự - binh vận).
55 năm qua, Long An vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất,…; hàng trăm tập thể, cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. |
Toàn dân đánh giặc
Ngày 06/01/1960, Tỉnh ủy họp ở giồng Ông Tường, nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 và Nghị quyết của Khu ủy Khu 8. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy quyết định phát động phong trào quần chúng, tiến lên cao trào khởi nghĩa vũ trang trên khắp các địa bàn nông thôn, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ ở xã, ấp bằng cách dùng lực lượng vũ trang làm đòn xeo cho cuộc nổi dậy của quần chúng.
Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, chi 12 tỉ USD và đưa 200.000 quân viễn chinh ồ ạt vào miền Nam, kết hợp với 400.000 quân chủ lực ngụy được trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại. Trước đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Dù Mỹ trực tiếp đưa vào miền Nam bao nhiêu vạn quân, dù phải chiến đấu 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn!”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người và phong trào thi đua “Quyết thắng giặc Mỹ” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đảng bộ tỉnh phát động phong trào toàn dân đánh giặc, biến chiến trường Long An trở thành “thiên la địa võng” với thế trận chiến tranh nhân dân.
Mô hình tái hiện lại những trận đánh trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Long An tại Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”
Phong trào toàn dân đánh Mỹ được Đảng bộ nhân rộng và phát triển lên đỉnh cao với khẩu hiệu “nắm thắt lưng địch mà đánh”, “tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”. Ở nhiều nơi, phong trào sôi nổi đến mức bộ đội, du kích và nhân dân đã “vay mượn” nhau vũ khí, nhường nhau thành tích để nhiều người đạt được danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”.
Bằng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng các vành đai diệt Mỹ, tiến công địch bằng nhiều mũi giáp công, linh hoạt và biến hóa, trong mùa khô 1965 - 1966, quân dân Long An đã diệt gần 2.000 tên Mỹ, bắn cháy 25 máy bay, phá hủy hàng chục xe M113. Từ ngày 5/6 đến 20/7/1967, quân dân huyện Cần Giuộc - Cần Đước đánh trên 50 trận, diệt gần 1.400 tên Mỹ, bắn rơi 21 máy bay, nhấn chìm 12 tàu chiến. Quân dân Long An đã đẩy lùi lữ đoàn 2, sư đoàn 9 về Mỹ Tho, sư đoàn 25 ngụy về Đồng Dù - Củ Chi.
Với truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất và thành tích đặc biệt xuất sắc trong cao trào toàn dân đánh Mỹ, ngày 17/9/1967, tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã quyết định phong tặng cho Long An danh hiệu và lá cờ ghi 8 chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đây là một trong những điểm son tô thắm cho truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân tỉnh Long An trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Xây dựng quê hương
Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” trong kháng chiến, từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, với ý chí tự lực, tự cường, năng động và sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Long An ra sức khắc phục mọi khó khăn, thách thức, tập trung xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Trong 36 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Long An không ngừng vươn lên trong quá trình đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế, thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hạch toán trong sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung sức người, sức của xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phân bổ lại lao động, đất đai, thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm cải tạo nông nghiệp và xây dựng các khu, cụm công nghiệp.
Qua các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiều chủ trương lớn có tính đột phá, thể hiện sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất (1976 - 1980), Long An vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, sản xuất ổn định đời sống, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, vừa chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Campuchia. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ hai (1980 - 1983), Long An thực hiện cơ chế “một giá”, xóa bao cấp trên lĩnh vực phân phối lưu thông, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới kinh tế của Đảng. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (1983 - 1986), Long An thực hiện chương trình khai mở vùng Đồng Tháp Mười, biến Đồng Tháp Mười từ một vùng hoang hóa, kém phát triển thành vùng trọng điểm lương thực của tỉnh.
Từ một tỉnh thuần nông, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Trong các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh tiếp theo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh luôn xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, chương trình đột phá về KT - XH phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh. Những công trình, chương trình này đã tạo động lực mạnh mẽ đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,11%/năm. 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 5,11% - đây là mức tăng trưởng tương đối khá trong bối cảnh vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Nhờ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có, biến các thách thức thành cơ hội mới cho địa phương phát triển, tỉnh đã vươn lên top đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đúng theo định hướng chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế với việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công cao. Đến nay, toàn tỉnh có 112/161 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 1,3% hộ nghèo.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ, dân, quân Long An luôn đoàn kết một lòng, kề vai sát cánh chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Trong thời bình, tinh thần đoàn kết ấy tiếp tục được phát huy, giúp Long An đạt nhiều thành tựu mới, làm rạng rỡ thêm truyền thống Trung dũng, kiên cường của quê hương./.
Danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” thực sự là niềm vinh dự và tự hào lớn lao của dân, quân Long An. Trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, các thế hệ cha ông đã đổ biết bao máu, xương để chúng ta được hưởng tự do, độc lập. Là người con của vùng đất anh hùng này, tôi và gia đình luôn tích cực đóng góp, tham gia xây dựng quê hương, để luôn xứng đáng với những người đi trước”.
Bà Lê Thị Hương, ngụ ấp Tân Quang 2, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc
Những năm đầu khi tôi đến lập nghiệp, vùng đất này còn hoang hóa và nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với truyền thống Trung dũng, kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã từng bước xây dựng lại tất cả, xóa dần dấu vết chiến tranh. Giờ đây, trẻ em được học tập trong những ngôi trường khang trang. Sức khỏe của người dân được chăm sóc tốt hơn. Đường sá đi lại, vận chuyển hàng hóa đều thuận tiện. Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt”.
Ông Trần Thanh Quí, ngụ ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng
Danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” là sự biểu dương, ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn của quân và dân Long An trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, chúng tôi – những người sinh ra trong thời bình sẽ luôn khắc ghi và ra sức lao động, chung tay xây dựng quê hương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất”.
Chị Trần Thị Diệu Hiền, ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa
|
Kỳ Nam