Tiếng Việt | English

29/06/2023 - 10:22

Sạt lở nguy hiểm tại xã Tân Hòa

Đầu năm 2023 đến nay, bờ Đông kênh Cà Nhíp và bờ Bắc kênh Tân Hòa (thuộc xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) xảy ra 2 lần sạt lở nghiêm trọng làm 21 hộ dân phải di dời nhà ở. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi các cấp, các ngành cần có giải pháp căn cơ, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

Sạt lở tại bờ Đông kênh Cà Nhíp và bờ Bắc kênh Tân Hòa

Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Tân Thạnh xảy ra 1 vụ sạt lở nguy hiểm. Vị trí sạt lở nằm tại ngã tư bờ Đông kênh Cà Nhíp và bờ Bắc kênh Tân Hòa (thuộc xã Tân Hòa), chiều dài sạt lở trên 200m, lấn sâu vào phía mái taluy của tuyến đường bờ Đông kênh Cà Nhíp và đường bờ Bắc kênh Tân Hòa từ 3-5m, chiều sâu từ mặt đất đến đáy kênh trên 7m. Trước tình hình này, xã vận động xã hội hóa gia cố tạm thời bằng cừ dừa để chống sạt lở sâu vào phần lưu thông của tuyến đường.

Chủ tịch UBND xã Tân Hòa - Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Vị trí sạt lở nằm ngay tuyến đường huyết mạch của xã. Tuyến đường này nối đến trung tâm huyện và tiếp giáp các huyện Cái Bè, Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Xác định được tình hình trên, ngay khi xảy ra sạt lở, xã vận động chủ thi công cầu Tân Hòa xuất kinh phí gia cố bằng cừ dừa. Tuy nhiên, các đơn vị vừa gia cố xong, sạt lở tiếp tục xảy ra và ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng”.

 Tình trạng sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường

Theo quan sát, điểm sạt lở đang ăn sâu vào mép chân cầu; đồng thời, xung quanh điểm sạt lở xuất hiện nhiều vết nứt. Nhận thấy tình trạng sạt lở sẽ làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, UBND xã vận động 21 hộ dân trong điểm sạt lở di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Văn Thành (SN 1960, ngụ xã Tân Hòa) cho biết: “Tôi vừa di dời căn nhà trong điểm sạt lở. Trước đây, con sông này rộng dưới 10m, phần đất xây nhà là đất liền, cách bờ sông 10m.

Tình trạng sạt lở ngày càng lấn sâu vào đất liền, tôi chủ động gia cố bằng cừ tràm xung quanh nhà để bảo vệ tài sản, tính mạng của các thành viên trong gia đình. Từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng và không có chiều hướng dừng lại; đồng thời, xã cũng vận động di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn, tôi mạnh dạn chấp hành”.

Anh Nguyễn Thanh Triều (xã Tân Hòa) bộc bạch: "Tôi vừa di dời cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp đến nơi an toàn. Thấy tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, người dân ai cũng lo lắng. Hy vọng các cấp, các ngành sớm có giải pháp khắc phục trước khi mùa lũ về”.

Nguyên nhân sạt lở tại ngã tư bờ Đông kênh Cà Nhíp và bờ Bắc kênh Tân Hòa (thuộc xã Tân Hòa) do chịu ảnh hưởng bởi tác động của dòng chảy; lượng tàu, thuyền, xà lan tải trọng lớn lưu thông qua lại ngày, đêm với vận tốc lớn làm cho đất dưới lòng kênh bị xói mòn cuốn trôi. Từ đó, tạo thành hố sâu, hở hàm ếch gây sạt lở nghiêm trọng và ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: “Hiện xã chủ động di dời 21 hộ dân tại điểm sạt lở đến nơi an toàn. Tuy nhiên, xã đề nghị các cấp, các ngành liên quan cần bố trí kinh phí đầu tư xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp, bởi tình trạng sạt lở vẫn còn diễn ra”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh xảy ra 5 điểm sạt lở nghiêm trọng tại các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc. Do đó, việc bố trí kinh phí khắc phục các điểm sạt lở nguy hiểm, trong đó có điểm sạt lở bờ Đông kênh Cà Nhíp và bờ Bắc kênh Tân Hòa rất cần thiết, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết