Tiếng Việt | English

22/07/2020 - 07:46

Sau Covid-19, nhà đầu tư FDI sẽ “nhắm” đến Việt Nam nhiều hơn

Với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Việt Nam được xem là điểm đến thu hút nhiều hơn nguồn vốn FDI sau đại dịch.

Nhiều cơ hội để “đón sóng” FDI

Đến thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 và được cộng đồng Quốc tế đánh giá cao, nhờ đó, Việt Nam đã khởi động lại các hoạt động của nền kinh tế nhanh hơn nhiều nước trên thế giới. Đây là yếu tố để khẳng định, Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi kinh tế nhanh hơn và có nhiều cơ hội để đón nhận luồng vốn đầu tư đang dịch chuyển hiện nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với tình hình kiểm soát dịch bệnh đang rất khả quan như hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ “nhắm” đến Việt Nam nhiều hơn và giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc. 

Theo thống kê, trong 67% doanh nghiệp có ý định dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, 42% muốn chuyển sang Việt Nam với kế hoạch đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như: y tế, trí tuệ nhân tạo, robot, big data, fintech…


Việt Nam đang có nhiều cơ hội để "hút" vốn ngoại. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) đã công bố danh sách 30 doanh nghiệp nước này được Chính phủ hỗ trợ chi phí để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào. Một nửa danh sách này là các công ty đăng ký dịch chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). 

Phần lớn số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hoà hay module điện... Trong danh sách này, Tập đoàn Hoya sản xuất linh kiện ổ cứng dự kiến di dời hoạt động sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam và Lào…  

Bên cạnh đó, có nhiều thông tin, các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam như LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng.

Còn Nikkei thì cho hay, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan vào đầu tháng 9 tới.

Làm thế nào để “hút” nhiều hơn nguồn vốn ngoại?

Cơ hội để thu hút vốn FDI đã hiện hữu, tuy nhiên, làm sao để các doanh nghiệp Việt đón “làn sóng” này một cách hiệu quả thì không hề dễ, nhất là từ các ông lớn như Mỹ, châu Âu.

Theo ông Vũ Tú Thành – Phó Gám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại sau đại dịch Covid-19, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ cho thấy, các nhà đầu tư đang đa dạng hoá thị trường đầu tư. Tức đưa việc sản xuất ra các thị trường ngoài Trung Quốc. Xu hướng này đã bắt đầu 6 năm trước, khi thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ xu hướng này trở lên mạnh mẽ hơn và càng mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát.

Ông Thành cho biết, chi phí là yếu tố mà doanh nghiệp quan tâm nhất khi xem xét một thị trường mới cho đầu tư. Sau thương chiến Mỹ - Trung, yếu tố rủi ro được đưa vào là yếu tố xem xét bên cạnh chi phí. Còn sau Covid-19, thêm một yếu tố được xem xét đó là khả năng chống chịu với các cú sốc. 


Cơ hội nhiều, nhưng để đón được làn sóng đầu tư ngoại thực sự hiệu quả thì vẫn là bài toán khó. (Ảnh minh họa)

Theo ông Thành, nếu đặt tất cả các yếu tố chi phí, rủi ro, khả năng chống chịu vào Trung Quốc thì không đáp ứng được, Việt Nam theo đó trở thành mảnh đất màu mỡ, tiềm năng cho các nhà đầu tư Mỹ. 

“Trong năm 2019, kim ngạch hàng hoá Mỹ nhập khẩu từ các nước châu Á đạt giá trị 31 tỷ USD, trong đó, Việt Nam chiếm 46%. Điều này cho thấy, Việt Nam đang hưởng lợi từ dòng dịch chuyển, mở rộng đầu tư, đa dạng hoá ngoài Trung Quốc. “Việt Nam luôn đứng đầu trong 13 nước châu Á đón nhận dòng đầu tư từ Mỹ. Đây là một tin vui cho Việt Nam”, ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.

Với những cơ hội đó, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, Việt Nam đang lo lắng vì có quá nhiều người quan tâm. Yêu cầu đặt ra là làm sao đáp ứng được đòi hỏi của các nhà đầu tư.

“Bởi lẽ, hiện, các doanh nghiệp Mỹ lo lắng về môi trường kinh doanh của Việt Nam, nhất là vấn đề ổn định chính sách, đặc biệt là chính sách về thuế, kinh tế số... còn sơ khai và chưa nhất quán, hay vấn đề điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Mỹ cũng lo ngại vấn đề hạ tầng bao gồm cả hạ tầng cứng và mềm”. Do đó, Việt Nam cần khắc phục những điểm nghẽn này để thực sự thu hút được dòng đầu tư chất lượng, ông Vũ Tú Thành chia sẻ.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần giữ được 3 mục tiêu nhất quán và lâu dài. Thứ nhất là việc phát triển kinh tế xã hội đất nước hùng mạnh. Thứ hai là xây dựng nền kinh tế tự cường. Thứ ba là đảm bảo an ninh, xã hội, quốc phòng của đất nước và văn hóa dân tộc./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết