Tiếng Việt | English

19/10/2022 - 08:17

Siết chặt quản lý nguồn gốc nông sản

Nhằm bảo đảm cung ứng nguồn nông sản an toàn cho người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp Long An đã và đang đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn gắn với phát triển chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc nông sản.

Xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn

Long An có thế mạnh về nông nghiệp với đa dạng các loại nông sản có thể cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, rau, thanh long, bò thịt và con tôm; đồng thời, xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ trên 1.950ha.

Đoàn công tác của Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát chất lượng gạo tại Hợp tác xã Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang (huyện  Mộc Hóa)

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng nông sản hàng năm của tỉnh hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Cụ thể, sản lượng lúa gạo đạt khoảng 2,74 triệu tấn, rau các loại đạt khoảng 237.600 tấn, sản lượng thủy sản đạt 55.330 tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có trên 109.150 con heo, 117.900 con bò, hơn 6.000 con trâu, 7920 con dê và hơn 7,6 triệu con gia cầm.

Thời gian qua, tỉnh xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp ƯDCNC mang lại hiệu quả như trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, tưới tiết kiệm, trồng rau thủy canh; trồng thanh long tưới nhỏ giọt, phun mưa tự động; trồng lúa công nghệ cao; nuôi bò công nghệ cao,... góp phần nâng giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp - Trần Thanh Minh chia sẻ: “Thành lập năm 2007, với mục đích là chuyên sản xuất rau sạch, ngay từ đầu, HTX đã thu hút 110 thành viên và trên 60 hộ tham gia liên kết sản xuất với tổng diện tích canh tác gần 100ha. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của địa phương, ngành chức năng mà HTX tiếp cận thị trường để sản phẩm nông nghiệp của HTX có đầu ra ổn định, bảo đảm được mục tiêu cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ. Đến nay, những sản phẩm của HTX ngày càng khẳng định được chất lượng cũng như thương hiệu của mình với khách hàng”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp - Trần Thanh Minh (bìa phải) giới thiệu sản phẩm phân hữu cơ, vi sinh tại cửa hàng của hợp tác xã cho các thành viên

Bên cạnh đó, nhiều nông dân sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh cũng an tâm hơn khi có đầu ra ổn định nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ông Nguyễn Văn Bé (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) phấn khởi khi vườn thanh long ruột đỏ hơn 1,2ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của ông vẫn được tiêu thụ ổn định trong khi nhiều người trồng thanh long theo kiểu truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Ông Bé cho biết: “Hiện tôi liên kết với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ nên bảo đảm về đầu ra. Hàng tháng, công ty đều cho nhân viên đến vườn lấy mẫu về kiểm tra để bảo đảm thanh long được sản xuất đúng quy trình sạch và không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết, thời gian qua, việc xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn thu hút được nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng, qua đó, cung cấp hàng ngàn tấn nông sản sạch cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn gốc các mặt hàng nông sản trên thị trường vẫn còn khó khăn, đặc biệt tại các chợ dân sinh.

Công nhân sơ chế thanh long tại một kho thu mua trên địa bàn huyện Châu Thành

Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục phối hợp các ngành chức năng kiểm tra 114 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Qua kiểm tra, đã xử phạt 4 trường hợp vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là cống rãnh thoát nước thải bị ứ đọng; không được chen kín; buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (ATTP) không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật tương ứng; người bán tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định.

“Nhìn chung, nông sản bán tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh là hàng tự sản xuất hoặc do tiểu thương thu mua tại chợ đầu mối, sau đó mang ra chợ tiêu thụ. Qua kiểm tra nguồn gốc tại các hộ kinh doanh, hầu hết các hộ có sổ theo dõi xuất, nhập hàng hóa nhưng việc ghi chép không đầy đủ và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, điều này đã gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc” - ông Cường cho biết thêm.

Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân

Theo ghi nhận, nguồn nông sản bán tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh phần lớn được các tiểu thương, người kinh doanh, buôn bán lấy từ các chợ đầu mối ở TP.HCM và tỉnh Tiền Giang về bán. Bên cạnh đó, một số nông sản được các tiểu thương lấy trực tiếp tại các vùng trồng, cơ sở giết mổ, sơ chế,... trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc kiểm soát nguồn gốc cũng như bảo đảm ATTP các sản phẩm nông sản gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều thay đổi nhưng còn một bộ phận người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận, có hành vi gây mất ATTP. Chất lượng sản phẩm từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc chưa cao, tiêu thụ dưới hình thức thô, không tem nhãn mác, không tiêu chuẩn chất lượng và giá thành cũng không ổn định. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết, để nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản theo hướng an toàn, thời gian qua, ngành tập trung tuyên truyền, hướng dẫn Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; Tiêu chuẩn cơ sở 774:2020/BVTV Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, Tiêu chuẩn cơ sở 775:2020/BVTV Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói cho các đối tượng là cơ sở đóng gói, trồng thanh long và cán bộ quản lý các địa phương có trồng thanh long.

Nông sản tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh hầu hết đều khó truy xuất nguồn gốc

Song song đó, Sở phối hợp Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh triển khai, thực hiện Chương trình tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững năm 2022. Cụ thể, đã cử báo cáo viên tham gia tổ chức 8 lớp tập huấn, 7 cuộc tọa đàm tại các huyện: Đức Hòa, Tân Thạnh, Tân Trụ, Châu Thành, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và TP.Tân An, với 968 lượt người dự.

Thời gian tới, ngành tập trung phát triển nông sản chủ lực như lúa gạo, thanh long, rau màu, chanh không hạt,... nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên nguồn lực phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản phẩm nông nghiệp nổi bật của tỉnh như vùng lúa, trái cây và thủy sản nước ngọt ở Đồng Tháp Mười; thanh long ở Châu Thành; thủy sản nước lợ ở các huyện vùng hạ; chanh không hạt ở các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và con bò thịt ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm ATTP. Tiếp tục phối hợp các tỉnh, thành phố lân cận tổ chức các chương trình kết nối đưa nông sản, đặc sản của tỉnh bán tại hội chợ, siêu thị,...

"Ngoài ra, để kiểm soát được nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các địa phương mở rộng sản xuất tập trung gắn với ƯDCNC, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đồng thời, ngành phối hợp các tỉnh, thành phố phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, lấy mẫu giám sát thực phẩm nông sản trên diện rộng; thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, ATTP trên thị trường” - ông Nguyễn Chí Thiện thông tin./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết