Chưa bao giờ căn bệnh “sợ trách nhiệm” lại được nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Vì cán bộ (CB) sợ trách nhiệm mà nhiều dự án và cả “những việc cần làm ngay” cũng bị đùn đẩy, né tránh. Hệ lụy rõ nhất là sau đại dịch Covid-19, thuốc, trang thiết bị y tế có lúc thiếu trầm trọng nhưng nhiều bệnh viện không dám tổ chức đấu thầu; nhiều công trình, dự án nằm bất động dù tiền không thiếu nhưng không giải ngân được;... Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, không ít người cho rằng, do đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt, CB bị xử lý nhiều nên một bộ phận CB không dám làm, không dám quyết, kể cả những việc thuộc thẩm quyền của mình,...
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/ND8-CP, ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ CB năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định tạo cơ sở pháp lý khuyến khích, động viên CB dám nghĩ, dám làm, tuy nhiên còn nhiều vấn đề đặt ra để có thể thúc đẩy thành một xu hướng.
Nghị định ra đời trong bối cảnh đã, đang tồn tại “điểm nghẽn” trong hoạt động quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh. Tình trạng “nằm yên nghe ngóng”, sợ làm, sợ trách nhiệm, sợ liên lụy nên né tránh, đùn đẩy, không tham mưu, đề xuất hoặc làm chiếu lệ, đóng khung,... đang lan ra nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Một số ý kiến tìm cách quy lỗi cho “công cuộc đốt lò”, cho rằng vì chúng ta bắt nhiều, xử lý nhiều CB, đảng viên nên gây tâm lý lo lắng, hoang mang, không dám làm, sợ trách nhiệm trong một số CB. Từ đó, số ý kiến này cho rằng, để CB dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gạt bỏ tâm lý lo lắng thì cần hạn chế việc xử lý “củi khô, củi tươi”.
Dẫn ra như thế để thấy, sợ trách nhiệm là căn bệnh kinh niên trong CB do yếu kém chuyên môn, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác mà làm việc cầm chừng, bảo thủ vì sợ sai, ỷ vào tập thể vì sợ liên lụy cá nhân; trong sinh hoạt Đảng thì né tránh phê bình vì sợ mất lòng nhau,... Triệu chứng căn bệnh ấy ngày càng lộ rõ hơn, thực chất đó là cái tôi của CB, chỉ chăm chăm lo cho mình. Nhận thức và thái độ nêu trên không đúng với tinh thần phòng, chống tham nhũng mà chúng ta đang quyết tâm thực hiện. Khẳng định những kết quả đạt được về phòng, chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua là rất quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng lưu ý cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh mẽ sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm cầm chừng, “phòng thủ, che chắn”, giữ an toàn, né tránh, đùng đẩy trách nhiệm trong một bộ phận CB, đảng viên, công chức nào đó, nhất là CB lãnh đạo, quản lý các cấp. “Tôi đã nói nhiều lần rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì đứng sang một bên để cho người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức CB phải có ý chí, quyết tâm cao, có tâm, có lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng “nhìn gà hóa cuốc”; “đừng thấy đỏ tưởng là chín”” - Tổng Bí thư nêu rõ.
Thực tế thời gian qua, với sự quyết tâm, quyết liệt chống tham nhũng, xử lý nghiêm CB sai phạm đã có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa chung. Do đó, cùng với việc làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực thì việc khuyến khích CB dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung rất quan trọng, tạo cơ sở để tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tư tưởng cầm chừng hiện nay.
Công cuộc đổi mới không cho phép CB chùn bước trước mọi khó khăn. Bởi muốn đất nước phát triển, nhất là khi thực hiện các đột phá chiến lược càng phải đối mặt với thách thức. Nhằm khuyến khích, bảo vệ CB năng động, sáng tạo, tháo gỡ những “điểm nghẽn, nút thắt” trong cơ chế, chính sách, ngày 22-9-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14, để tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 73 quy định những đề xuất sáng tạo mang lại hiệu quả được khen thưởng; được lấy làm căn cứ đánh giá khi xếp loại bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển;... Đối với CB năng động, sáng tạo, song không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra nhưng thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng thì có thể không xử lý trách nhiệm, được loại trừ, được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Mặt khác, xử lý nghiêm CB lợi dụng chủ trương, chính sách này để thực hiện hoặc bao che cho hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước,...
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không thiếu nhưng để sớm loại bỏ căn bệnh sợ trách nhiệm, thiết nghĩ, cần có chế tài cụ thể. Đối với mỗi chương trình, nhiệm vụ trọng tâm cần phân công người phụ trách, tiến độ hoàn thành từng phần việc cụ thể và thời gian “về đích” mỗi nhiệm vụ. Trường hợp nào thực hiện không đúng phải chịu trách nhiệm, tùy mức độ có thể bố trí công tác khác. Nếu làm cản trở, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, tiến độ công việc có thể xử lý hành chính, hoặc hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. CB nào 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ dứt khoát phải chuyển công tác, CB lãnh đạo thì bố trí cương vị thấp hơn.
Nhìn lại các giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, có nhiều CB, đảng viên tâm huyết, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, kiên định đổi mới và sáng tạo nhằm đạt được mục tiêu vì lợi ích chung. Tổng Bí thư Trường Chinh, với tư duy đổi mới kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Thủ tướng Võ Văn Kiệt mạnh dạn vượt qua tư duy cũ với nhiều ý tưởng đề xuất đã được đưa vào văn kiện đại hội, góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, các thành phần kinh tế để thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối với “những việc cần làm ngay”. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Kim Ngọc, người đề ra nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, sáng tạo, “phá rào” trong sản xuất nông nghiệp để về sau tên tuổi luôn được nhắc đến,... Những tấm gương tiêu biểu ấy đã được tôn vinh, là động lực mà CB hôm nay nhìn vào để có thể vượt lên những rào cản, biết dấn thân vì lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và xã hội.
CB là công bộc của dân, là người “đứng mũi chịu sào”, phải có gan dám chịu trách nhiệm trước những việc mình làm. Nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, ai thấy nhụt chí thì đứng sang một bên để cho người khác làm, chúng ta không thiếu CB. Nhân dân luôn mong muốn như vậy. Sợ trách nhiệm thì đừng làm CB!
Huyền Linh