Tiếng Việt | English

04/05/2018 - 19:34

Soạn giả Ngô Hồng Khanh - Tằm mãi vương tơ

Soạn giả (SG) Ngô Hồng Khanh là một trong những SG cải luơng có phong cách sáng tác riêng, đó là những đặc điểm ngôn ngữ trong ca từ của vọng cổ hay còn gọi là phong cách nghệ thuật ngôn từ.

Tay súng - Tay viết

Ngô Hồng Khanh tham gia phong trào thanh niên học sinh, sinh viên ở quê nhà huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang từ đầu thập niên 60. Đến năm 1964, anh thoát ly lên “R” làm diễn viên Đoàn Văn công Quân giải phóng. Năm 1969, anh bắt đầu sáng tác, vở đầu tay là Ngọn mù u, nói về bác nông dân đang gài lựu đạn để giết giặc. Ông mới vừa gài thì bị giặc phát hiện và dũng cảm rút chốt giết giặc và hy sinh. Tác phẩm đầu tiên của Ngô Hồng Khanh dựa trên một câu chuyện có thật ở xã anh lúc bấy giờ. Sau đó là vở Chuyện xóm tôi và hàng chục bài vọng cổ, trong đó, nhiều bài được Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng. Đến bây giờ, công chúng vẫn còn nhớ đến: Bông súng trắng, Vui bước chân ta, Tiếng hát với cung đàn, Cung đàn mới, Quyết giữ màu xanh quê mẹ,...

Khi đất nước thống nhất, những người lính như anh tập trung "vững tay bút" ca ngợi nét đẹp quê hương, khắc phục hậu quả chiến tranh,...Rồi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Ngô Hồng Khanh một lần nữa tiếp tục cầm súng, cầm viết theo Sư đoàn 330 đi thực tế ở Campuchia. Anh trực tiếp chiến đấu và viết vở Mưa nguồn trên đất bạn Campuchia để ca ngợi tinh thần nhân ái cao đẹp của hai dân tộc. Vở Hai dòng nước sau đó cũng thế, soạn giả Ngô Hồng Khanh khắc họa hình tượng anh bộ đội dũng cảm hy sinh để bảo vệ biên giới Tây Nam (vở này đoạt Huy chương Bạc Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 1985).

Khi tằm mãi vương tơ

Năm 1989, Ngô Hồng Khanh làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Cần Thơ đến năm 1998. Giai đoạn này, anh sáng tác kịch bản rất đều tay và góp phần lớn vào sự phát triển sân khấu tỉnh nhà, lúc đó là Đoàn Cải lương Sông Hậu I và II, sau thành Đoàn Cải lương Tây Đô.

Năm 1998, Ngô Hồng Khanh rời đất Tây Đô về làm Vụ trưởng - Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (phụ trách phía Nam). Năm 1999, anh viết 4 vở, trong đó có 3 vở được dàn dựng ở các đoàn cải lương để dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 2000. Đó là các vở: Ai đưa con sáo sang sông, Bến xưa, Dòng sông đỏ.

Sự nghiệp sáng tác của SG Ngô Hồng Khanh đến nay, có vài chục kịch bản cải lương và vài trăm bài vọng cổ, trong đó, những bài vọng cổ nổi tiếng trong nhiều năm qua: Lời người hát rong, Lá bàng rơi, Chiều sông Lô, Ga buồn, Đêm quan họ,...Ngoài văn phong gọt giũa của Ngô Hồng Khanh, ca từ vọng cổ được anh xây dựng chuẩn xác về nhịp nhàng, thanh điệu trùng khớp với chữ nhạc nên người ca rất dễ biểu đạt cảm xúc qua ca từ. Nổi bật của anh là sử dụng phương thức chuyển nghĩa trong ngôn ngữ học về từ đồng âm khác nghĩa, rồi nhân hóa, ẩn dụ và hoán dụ, các phương thức liên kết, phép lặp,... Ca từ trong tác phẩm vọng cổ của anh giàu nhạc điệu và hình ảnh làm cho tính hình tượng thêm sống động. Những tác phẩm vọng cổ sau này, anh thường khai thác ở đề tài tâm lý xã hội từ góc nhìn triết lý sâu xa hơn và anh sử dụng khá nhiều điển cố, điển tích.

Theo anh, công việc sáng tác là cái nợ phải trả cho đời, còn ca hát là cái duyên khi gặp gỡ bạn tri kỷ, tri âm. Hai nghệ thuật này là cái nghiệp, và có lẽ anh vương mang cho đến trọn đời./.

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết