Tiếng Việt | English

26/09/2024 - 09:40

Sống với sông: Niềm vui nơi những bờ kè (Bài 3)

Long An có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Xưa, những bậc tiền hiền, hậu hiền khai hoang mở cõi, dấu tích của họ còn lưu lại nơi đình, chùa, miếu ven sông. Sông kết nối giao thương, chở nặng phù sa bồi đắp ruộng đồng, tưới tiêu cho những mùa vàng bội thu và chở nặng những phận người gắn bó theo từng con nước. Theo dòng chảy của cuộc sống, nhiều người từ giã kiếp thương hồ lên bờ tìm kế sinh nhai. Nay, trên những dòng sông vắng dần cảnh tấp nập ngược xuôi, trên bến dưới thuyền nhưng ven sông lại nhộn nhịp với những bờ kè lung linh ánh điện, những dự án du lịch sinh thái nhen nhóm. Sự phát triển đó là tất yếu nhưng cần hài hòa trong sự hiểu sông, hiểu nước.

Bài 3: Niềm vui nơi những bờ kè

Sông đôi khi cũng dữ dằn bặm trợn, cuốn trôi không biết bao nhiêu là đất, là nhà. tuy nhiên, những bờ kè mọc lên làm mọi thứ thay đổi theo chiều hướng tích cực. người dân vui vẻ, phấn khởi, an tâm sinh sống, sản xuất, không còn lo sạt lở, ngập lụt.

Nếu nhìn khách quan thì hiện tượng sạt lở đất, cuốn trôi nhà một phần do lỗi của con người. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra hơn 10 vụ sạt lở, sụt lún nghiêm trọng ở nhiều huyện với tổng chiều dài hơn 2km, gây thiệt hại nhà cửa, tài sản, đất đai, công trình giao thông. Tỉnh đã và đang triển khai thi công nhiều dự án kè để giải quyết tình trạng trên. Những nơi có kè hoàn thành, diện mạo địa phương thay đổi rõ rệt, đời sống người dân nâng cao trông thấy.

Các em nhỏ vui chơi tại bờ kè thị trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ)

Chúng tôi đến thị trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ) gặp ông Phạm Bảy Hai. Nhà ông Hai ở sát bờ kè, nhìn ra kênh Rạch Gốc. Theo lời ông, ngày xưa, dân vùng này rất khổ sở vì nước lụt. Những năm 1978, 1996, 2000, lụt lớn, nhìn đâu cũng một màu trắng xóa, đường sá, nhà cửa, ruộng vườn ngập hết, ghe trở thành phương tiện di chuyển chính.

Gần nhà ông có một gốc trâm cổ thụ, một ngày nọ, cây đang yên lành, xanh tốt thì đột nhiên trôi thẳng ra sông. Khi ông quan sát thì thấy đất chỗ ấy bị nước khoét vào một lỗ sâu, nếu không nhờ gốc trâm chắc đã sạt lở nặng. Trên đoạn kênh này lúc đó có nhiều chỗ như vậy khiến người dân bất an. Bởi vậy, khi dự án kè thị trấn Đông Thành được triển khai, ông Hai rất phấn khởi, vừa thoát khỏi cảnh ngập lụt, vừa không còn nơm nớp nỗi lo đất lở.

Ông Hai chia sẻ: “Bờ kè đã tạo nên diện mạo mới cho địa phương. Tôi rất vui và ủng hộ chủ trương hết mình, sẵn sàng bàn giao mặt bằng để công trình sớm hoàn thành”.

Khu dân cư thị trấn Đông Thành được người dân trong vùng gọi là khu vượt lũ. Thành phần cư dân tại đây là những hộ bị ảnh hưởng ngập lụt, hộ nghèo, hộ chính sách,... Khu này nằm sát bờ kè. Ông Tống Văn Lèo cho biết: “Tôi sống tại đây từ nhỏ tới lớn. Hồi đó làm ruộng cực vì nước lụt. Nay có khu dân cư này, lại có thêm bờ kè nên không còn lo như trước nữa. Sáng sớm, người ta ra đó tập thể dục vui lắm”.

Theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Đông Thành - Huỳnh Thị Phương Quyên, bờ kè thị trấn Đông Thành có ý nghĩa thiết thực với địa phương. Kè đã ngăn chặn được lũ và sạt lở, nhất là các hộ giáp sông, cải thiện đời sống người dân. Sắp tới, thị trấn sẽ đề xuất huyện tiếp tục thực hiện những đoạn chưa hoàn thành cũng như làm đường kết nối bờ kè với các trục đường chính.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án Kè thị trấn Đông Thành sau khi hoàn thành sẽ chống sạt lở bờ sông, bảo vệ an toàn cho hơn 2.000 hộ dân và hơn 250ha đất khu vực thị trấn, cải thiện đời sống người dân, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng khu vực thị trấn không bị thủy triều xâm nhập, chỉnh trang đô thị, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội.

Một đoạn bờ sông sạt lở thuộc địa bàn huyện Cần Giuộc

Ngoài kè thị trấn Đông Thành, trên địa bàn tỉnh còn nhiều dự án kè khác, đem lại thay đổi tích cực cho đời sống người dân. Ông Bùi Hữu Phương (quản lý bến khách ngang sông Tân Bình - Long Cang) trước đây từng kinh doanh bến khách tại kênh Nước Mặn (huyện Cần Đước), đến khi cầu Kinh Nước Mặn hoàn thành, ông mới nghỉ.

Theo lời ông, con nước nơi này rất dữ, thêm phần đây là đoạn sông nhiều tàu lớn, sà lan đi qua làm sóng dập vào bờ gây sạt lở. Nhiều người dân không ở được phải dọn nhà đi. Nay có kè, dân tập trung về đông, cất nhà khang trang, sạch đẹp. Vùng đất sạt lở ngày xưa đang bừng lên sức sống mới.

Một đoạn kè trên sông Vàm Cỏ Tây, thuộc địa bàn TP.Tân An vào buổi tối

Anh Dương Huỳnh Bảo Huy (phường 6, TP.Tân An) cho biết, khi tiếp bạn bè, anh thường hẹn ra khu bờ kè, gần công viên phường 2. Nơi đây không khí thoáng mát, nhìn ra sông Vàm Cỏ Tây thơ mộng. Bờ kè khu vực này trở thành nơi hò hẹn, giao lưu, trao đổi, góp phần làm diện mạo thành phố tươi mới, đẹp đẽ. Bờ kè dọc đường cặp sông Bảo Định, cặp đường Huỳnh Văn Nhứt cũng là chỗ anh hay lui tới để tập thể dục. Khu này lúc trước còn ngổn ngang, nhiều chỗ tạm bợ nhưng nay rộng rãi, sạch đẹp, thoáng mát. “Ra đây cảm giác rất thư thái, nó như một góc riêng dành cho thành phố vậy” - anh Huy nói.

Có thể thấy, những bờ kè ven sông có ý nghĩa thiết thực khi bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều bờ kè còn vướng giải phóng mặt bằng khiến quá trình thi công gặp nhiều khó khăn. Mong rằng các cơ quan có thẩm quyền sớm khắc phục tình trạng này, giải quyết hợp lý, hợp tình để niềm vui được trọn vẹn./.

Sống với sông: Bài 2 Sướng, khổ cùng dòng sông

Sống với sông: Bài 2 Sướng, khổ cùng dòng sông 

Long An có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Xưa, những bậc tiền hiền, hậu hiền khai hoang mở cõi, dấu tích của họ còn lưu lại nơi đình, chùa, miếu ven sông.

(còn tiếp)

Châu Thanh

Bài cuối: Hòa hợp với sông trong thời đại hiện nay

Chia sẻ bài viết