Tiếng Việt | English

19/07/2018 - 19:21

Sử dụng túi nylon, ly nhựa: Tiện thì có tiện nhưng không có lợi

Túi nylon đang được người tiêu dùng sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, thói quen này vô tình gây hại đến sức khỏe người dùng và môi trường sống.

Túi giấy không khó làm nhưng khá đắt, người tiêu dùng chưa quan tâm

Túi giấy không khó làm nhưng khá đắt, người tiêu dùng chưa quan tâm

Nếu như trước đây, người đi chợ thường xách theo giỏ để đựng thực phẩm thì hiện nay, hầu hết đều sử dụng túi nylon. Bà Huỳnh Thị Ngọc, ngụ phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An chia sẻ: “Mỗi lần đi chợ về, sau khi soạn thực phẩm để sơ chế, tôi bỏ khoảng 20 túi nylon đủ kích cỡ, mỗi loại thực phẩm đều đựng trong túi nylon riêng. Thậm chí, khi mua cá, người bán thường bỏ vào 2 túi nylon”. Chị Nguyễn Thị Quy, tiểu thương chợ phường 1, TP.Tân An, cho biết: “Người tiêu dùng thường sử dụng túi nylon vì rất tiện. Có người, chỉ mua vài trái ớt cũng yêu cầu người bán bỏ vào túi nylon”. Là người chuyên cung cấp túi nylon cho tiểu thương tại chợ phường 1, TP.Tân An, anh T. cho biết, bình quân mỗi ngày anh bán ra vài chục kilôgam túi nylon. Khi được hỏi, các loại túi anh cung cấp có loại nào tự phân hủy không, anh T. nói: “Do giá thành của loại túi tự phân hủy khá cao (trên 200.000 đồng/kg) nên tiểu thương không chọn mà chủ yếu sử dụng loại túi có giá bình quân từ 35.000-50.000 đồng/kg”.

Bên cạnh túi nylon, ly nhựa cũng được sử dụng để đựng thực phẩm ăn liền, nước giải khát do người tiêu dùng chưa thấy được những tác hại của sản phẩm này đến môi trường cũng như sức khỏe người dùng.

Nhận thức rõ về những tác hại tiêu cực của túi nylon, chị Huỳnh Thị Ngọc Trân - chủ shop chuyên bán dụng cụ làm sản phẩm handmade trên địa bàn phường 1, TP.Tân An, thường làm các túi giấy để đựng sản phẩm cho khách hàng. Chị Trân cho biết: “Túi giấy làm không khó nhưng mất thời gian, nguyên liệu khá đắt, bình quân 1 chiếc giá từ 500-5.000 đồng. Để khuyến khích khách hàng sử dụng túi giấy, tôi thường giảm giá cho khách khi tái sử dụng túi. Nhưng hầu như ít khách hàng tái sử dụng”.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày, toàn tỉnh thải ra từ 480-500 tấn rác. Rác thải sinh hoạt có chứa túi nylon, ly nhựa chưa được thống kê. Trong khi đó, loại rác thải này khó xử lý và thời gian phân hủy tự nhiên của túi nylon phải mất từ 500-1.000 năm. Do đó, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của con người, bởi túi nylon có chứa các chất hóa dẻo, phẩm màu, kim loại nặng.

Ly nhựa được bày bán khá nhiều từ chợ đến siêu thị

Ly nhựa được bày bán khá nhiều từ chợ đến siêu thị

Hiện tại, TP.Tân An xây dựng mô hình điểm: Câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 6, Thu gom rác thải từ nhựa của Đoàn Thanh niên phường 2, Vận động người dân hạn chế sử dụng túi nylon, thay bằng túi giấy của Ban Thường trực UBMTTQ xã Hướng Thọ Phú,... Các mô hình này góp phần tác động đến nhận thức và thói quen sử dụng túi nylon của đoàn viên, hội viên và cộng đồng dân cư.

 Để giảm tác hại của rác thải chưa qua phân loại, TP.Tân An đang có kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Theo Bí thư Thành ủy - Trần Kim Lân: “Thành phố lập kế hoạch và tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để thực hiện phân loại rác tại nguồn, trong đó có túi nylon nhằm giảm tác hại đến môi trường. Nếu phân loại rác tại nguồn, rác thải không phân hủy có thể tái chế để sử dụng và giảm nguồn kinh phí cho xử lý. Việc thay đổi thói quen sử dụng túi nylon của người dân không thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai mà cần phải có thời gian. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ngay bây giờ, chúng ta cần thay đổi thói quen, tiến tới loại bỏ thói quen sử dụng túi nylon nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần bảo vệ môi trường sống”./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích