Tiếng Việt | English

24/03/2020 - 13:44

Tân Phước Tây: Hiệu quả từ mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi

Nông dân cho tôm ăn

Nông dân cho tôm ăn
Hiện nay, khu vực vùng hạ của tỉnh Long An bị xâm nhập mặn. Tuy nhiên, lấy thách thức là cơ hội, nhiều hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 5, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An - Trần Văn Niêm chia sẻ: “Ấp 5 thuộc vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn xâm nhập rất cao, nhiều hộ ở gần sông đã mạnh dạn chuyển sang nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với vùng đất bị nhiễm mặn”.

Trên địa bàn ấp có trên 10 hộ chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trong đó có hộ ông Trần Văn Đê với nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm sú và tôm thẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc nuôi tôm gặp khó khăn do thường xuyên bị dịch bệnh, ông cùng một số người dân trong ấp mạnh dạn học tập kinh nghiệm ở các tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Thuận và nhanh chóng áp dụng khoa học - công nghệ vào việc ươm giống và nuôi tôm. Ông Đê cho biết: “Hiện tôi có 4 ao nuôi tôm, khoảng 1ha. Phương pháp canh tác cũ cho năng suất thấp nên tôi mạnh dạn đầu tư ao ươm giống công nghệ cao, trên 120m2, trang bị đầy đủ bình oxy, quạt sục khí, đặc biệt là ao nổi làm bằng bạt nên rất dễ quản lý dịch bệnh. Ao ươm này cung cấp từ 200.000-300.000 tôm giống mỗi đợt”.

Từ ao ươm, ông Đê cung cấp tôm khỏe cho các ao nuôi (ao đất). Với chế độ cho ăn và chăm sóc hợp lý, năng suất tôm sẽ tăng cao ít nhất là gấp đôi so với trước đây. Ông Đê cho biết: “Cứ một đợt, tôi có thể thu hoạch từ 4-5 tấn tôm (đa số loại từ 30-35 con/kg). Mỗi năm ươm 3-4 đợt, với giá thị trường ổn định thì người nông dân có thể thu về tiền tỉ”.

Cũng theo ông Trần Văn Niêm, mô hình sản xuất của ông Đê có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương. Ông Đê là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và đang được xem xét để đề xuất là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Nhiều hộ nông dân xung quanh cũng đã áp dụng mô hình của ông Đê, như ông Trần Văn Hồng (cùng ngụ ấp 5) nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ông Hồng chia sẻ: “Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân công, đặc biệt là năng suất cao, đem lại hiệu quả và niềm tin cho nông dân”.

Trường hợp của ông Đê là vừa có kinh nghiệm lại vừa có vốn để đầu tư. Còn đối với những hộ ít vốn thì áp dụng điều kiện tự nhiên để nuôi thủy sản.Như ông Võ Văn Phê (ngụ ấp 5) tận dụng ao sau nhà với diện tích 1.200m2 để nuôi thủy sản.Thời điểm hạn, mặn, ao ở xa sông nên ít bị ảnh hưởng mặn xâm nhập. Với ao thủy sản này, mỗi năm ông Phê có thêm thu nhập gần 50 triệu đồng.

Ngành nông nghiệp khuyến khích ứng dụng những giống vật nuôi, cây trồng đa dạng, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng địa phương. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, biến đổi khí hậu và mặn xâm nhập dự kiến sẽ kéo dài, Sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời làm việc với một số địa phương để quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản, cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu./.

Lâm Đỗ

 

Chia sẻ bài viết