Phong trào văn nghệ quần chúng vừa là sân chơi lành mạnh, bổ ích, vừa là kênh thông tin, tuyên truyền gắn với sự kiện của địa phương và các ngày lễ lớn
Sân chơi lành mạnh, bổ ích
Hiện nay, huyện Tân Thạnh có gần 60 Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ cấp xã, 1 đội văn nghệ thanh, thiếu niên cấp huyện và 3 CLB văn nghệ cấp huyện, trong đó 1 CLB đờn ca tài tử và 2 CLB tuyên truyền ca khúc cách mạng. Thành viên trong các CLB hội tụ rất nhiều thành phần như nông dân, học sinh, công nhân, viên chức, giáo viên,... Thông qua các CLB trên góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân.
Nét đặc sắc trong phong trào VNQC của huyện Tân Thạnh nói riêng và tỉnh nói chung là thu hút không chỉ những người đam mê ca hát mà còn cả những người thích nghe hát. Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh - thành viên CLB Đờn ca tài tử xã Nhơn Hòa, cho biết: “Khi thành lập CLB, có nhiều thành viên không biết hát nhưng rất thích nghe hát. Sau đó, CLB hướng dẫn họ hát và đờn. Dù gặp khó khăn về điều kiện hoạt động hay cơ sở vật chất, CLB vẫn sinh hoạt đều đặn, từ đó tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các thành viên sau những giờ làm việc mệt nhọc”.
Đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành được xem là “chìa khóa” nâng cao chất lượng phong trào VNQC. Đến nay, toàn huyện có 74/74 ấp, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao, góp phần tạo điều kiện cho các CLB văn nghệ tổ chức giao lưu, sinh hoạt. Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thạnh - Nguyễn Hoài Phong chia sẻ: “Phong trào VNQC được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mọi tầng lớp nhân dân. Do đó, thị trấn tạo điều kiện cho các CLB văn nghệ tham gia sinh hoạt, giao lưu văn nghệ tại các nhà văn hóa - khu thể thao khu phố, đồng thời phối hợp huyện tổ chức nhiều hội thi, liên hoan,... thu hút rất nhiều đối tượng tham gia.
Qua đó, vừa tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, vừa xây dựng tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt, nhất là hạn chế được các tệ nạn xã hội”.
Kênh thông tin, tuyên truyền
Ngoài tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân, phong trào VNQC còn là kênh thông tin, tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Cụ thể, trong quá trình giáo dục chính trị, đổi mới và đấu tranh với những hủ tục lạc hậu, phong trào VNQC là vũ khí sắc bén xóa dần các hủ tục này. Thông qua các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng, người dân được học hỏi, trao đổi thêm nhiều kiến thức về phát triển kinh tế, giảm nghèo, biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội,... Hơn hết, người dân còn tích cực tham gia các phong trào xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới,...
Em Lương Ngọc Trang - thành viên CLB Tuyên truyền ca khúc cách mạng, cho biết: “Thông qua các bài hát về cách mạng, em hiểu về lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc nên càng tự hào và ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Tân Thạnh - Lê Thị Bích Ca nói: “Mỗi khi địa phương tổ chức sự kiện, các CLB văn nghệ đều tiến hành tập luyện và mang đến cho chương trình những tiết mục đặc sắc gắn với sự kiện lớn của địa phương và các ngày lễ lớn của dân tộc. Bên cạnh những kết quả đã đạt, phong trào VNQC gặp nhiều khó khăn như kinh phí hạn chế; cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn nên nhiều địa phương không tổ chức được các hội thi, liên quan; một số CLB sinh hoạt mang tính chất hình thức, chưa đi vào chiều sâu,... Vì vậy, để phong trào VNQC hoạt động hiệu quả, đòi hỏi mỗi địa phương phải nỗ lực trong công tác tổ chức và xã hội hóa, đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan”.
Xã hội phát triển, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể lựa chọn các phương tiện giải trí khác nhau. Song, phong trào VNQC vẫn có sức hút riêng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và là kênh thông tin, tuyên truyền đáng tin cậy cho người dân./.
Lê Ngọc