Tiếng Việt | English

26/06/2020 - 10:38

Tân Thạnh: Nông dân nuôi cá lóc gặp khó

Hiện nay, người nuôi cá lóc trên địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An “đang đứng ngồi không yên” bởi cá đã đến lứa xuất bán nhưng giá đang giảm mạnh, thương lái thu mua cầm chừng nên người nuôi đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Cá đến thời kỳ thu hoạch nhưng thương lái không mua

Ao cá lóc 1.100m2, với sản lượng khoảng 40 tấn của ông Nguyễn Ngọc Sơn, ngụ xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh đang trong giai đoạn xuất bán. Ông  cho biết, đến nay, chi phí đầu tư cho chăn nuôi trên 1 tỉ đồng. Trước đó, thương lái ngã giá mua cá của ông là 32.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do giá cá liên tục sụt giảm nên tiến độ xuất bán cá chậm hơn so với nửa tháng trước, khiến chi phí chăn nuôi tăng hơn 500 triệu đồng nên vụ cá này ông Sơn xem như huề vốn.

Ông Sơn cho biết: “Ao cá lóc của tôi hợp đồng bán cho thương lái là 32.000 đồng/kg nên mới giữ được đúng giá. Hiện, thị trường bên ngoài giá 30.000 đồng/kg mà không có người mua nên người nuôi cá lóc gặp nhiều khó khăn. Giá cá lóc trên địa bàn huyện Tân Thạnh đang “lao dốc”, trước đây giá cá lóc khoảng 40.000 đến 45.000 đồng/kg, giảm xuống còn 30.000 đồng/kg nhưng thương lái thu mua cầm chừng.”

Nhiều ao cá lóc đến kỳ xuất bán nhưng vẫn khó tiêu thụ khiến chi phí chăn nuôi tăng lên, đồng thời cá lớn quá lứa khiến giá sụt giảm mạnh và càng khó tiêu thụ. Trong khi giá thức ăn tăng cao, chi phí nuôi 1kg cá lóc thương phẩm khoảng 32.000 đồng, với giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ khoảng 2.000 đồng/kg, chưa kể tiền thuê ao nuôi.

Nhiều nông dân bị thua lỗ hoặc huề vốn

Người nuôi cá lóc cho biết, họ chưa bao giờ phải chịu cảnh thấp thỏm, lo lắng như lúc này. Nguyên nhân giá cá lóc giảm mạnh có thể do cung vượt cầu. Bởi, thực tế thị trường xuất bán chính trong huyện vẫn là các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, thông qua thương lái ở địa phương, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Trong khi đó, hơn một năm nay, tình trạng người dân ồ ạt đào ao nuôi cá lóc bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng đã khiến sản lượng cá thương phẩm tăng lên đáng kể, gây ra tình trạng cung vượt cầu. Mặt khác, do chăn nuôi tự phát, ngoài quy hoạch, người nuôi chưa nắm được các kỹ thuật chăn nuôi, cá bị bệnh, hao hụt nhiều cũng khiến việc chăn nuôi gặp nhiều rủi ro./.

Kim Nhạn

Chia sẻ bài viết