Tiếng Việt | English

08/12/2017 - 02:15

Mùa kéo côn, bắt cá lóc đồng

Mỗi năm, khi nước lũ tràn đồng, người dân vùng Đồng Tháp Mười lại tất bật chuẩn bị dàn côn, nơm ra đồng bắt cá lóc.

1. Tờ mờ sáng, anh Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An ăn vội chén cơm rồi ra sau hè lấy cái nơm, đồ rọng cá, mang theo cà mên cơm, xuống xuồng ra ruộng. Đang giữa mùa lũ nhưng năm nay nước nhỏ nên nước dưới ruộng chỉ cao ngang thắt lưng. Trước mũi chiếc vỏ lãi, dàn côn nặng trĩu giương ra hai bên như cái gọng kìm đang rẽ nước êm ru. Côn là loại ngư cụ đánh cá của người dân vùng sông nước. Anh Tuấn chia sẻ, để làm côn, người ta chỉ cần ra bụi tre chọn 2 cây già, thẳng nhất, dài khoảng 5-7m rồi hạ xuống, đem ngâm nước, phơi khô cho cây chắc. Sau đó, họ dùng những que sắt dài, to cỡ chiếc đũa ăn buộc một hàng dài phía dưới thanh tre. Côn sau đó được gắn chắc chắn vào mũi xuồng, điều chỉnh sao cho phần dưới thanh sắt phải chạm đến đáy ruộng.

Mùa lũ, người dân kéo côn, bắt cá đồng

Chiếc vỏ lãi lượn đi, lượn lại mấy vòng trên mặt ruộng hơn 10 phút nhưng vẫn chưa có dấu cá. Anh Tuấn lắc đầu, nói vì khu vực ruộng này có nhiều dớn (một loại ngư cụ bắt cá phổ biến ở miền Tây), lưới, nên lái sang đám ruộng kế bên. Lái vỏ lãi bằng một chân, anh Tuấn vừa phải liên tục đảo mắt theo dấu cá. Chúng tôi chưa hiểu, bằng cách nào anh có thể phân biệt được dấu cá với những cái bong bóng trồi từ đáy nước, vì những thanh sắt chạm vào đáy ruộng tạo nên thì bỗng chiếc máy xăng đang nổ giòn tan tắt vội.

Anh Tuấn với tay lấy cái nơm, rồi bằng một cú nhảy nhanh như cắt, anh phóng xuống ruộng, nước bắn tung tóe. Đợi chừng 30 giây cho mặt nước lặng, anh xác định lại lần nữa chỗ cá chúi, rồi úp cái nơm được hàn bằng những que sắt xuống, vài giây sau, trên tay anh là một con cá lóc đồng.

“Năm nay nước nhỏ nhưng cao hơn năm ngoái nên cá nhiều hơn. Có hôm, tui úp nơm gặp con cá lóc to, nặng 700-800 gram, cá lớn cầm mà không chắc là sẩy như chơi!” - anh Tuấn tươi cười nói. Chiếc vỏ lãi tiếp tục nổ máy, lướt đi trên đồng, xa xa, 5-6 chiếc xuồng gắn dàn côn khác cũng đang hì hục dàn trận, gọi nhau í ới. Cứ cách khoảng 5-10 phút, anh lại tắt máy, nhảy đùng xuống ruộng, khi bắt được con cá lóc, khi cá rô đồng, rô phi to bằng bàn tay; cũng có lúc, anh để sẩy mất con cá.

2. Giữa trưa, nhóm thợ bắt cá tụ tập lại, lái xuồng vào một bờ cây tránh nắng, tranh thủ nhổ mấy cọng bông súng đồng, giũ sạch bùn rồi dở cà mên cơm ăn với cá kho. Mấy cái thùng rọng cá trên xuồng, mỗi người bắt được hơn 2kg cá.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn tươi cười khoe “chiến tích” thu được

Côn cá xuất hiện tại vùng Đồng Tháp Mười khoảng 10 năm trở lại đây. Trước đó, vùng lũ Tân Thạnh chưa ai biết xài côn bắt cá, một nhóm thợ kéo côn miệt Đồng Tháp, An Giang đến, quần thảo các cánh đồng. Mỗi ngày, có khi họ kiếm vài chục kilôgam cá. Những cánh ruộng bị côn đi qua, khi bơm sạ lúc lũ rút sẽ rất ít cá. Người dân địa phương nghi ngờ, tìm hiểu loại ngư cụ mới này, sau đó tức giận khi biết họ dùng kích điện câu vào dàn côn. Con cá nào may mắn thoát khỏi côn điện sẽ bơi dạt khỏi đám ruộng, nên sau bơm sạ, ít cá là điều dễ hiểu. Vì thế, những mùa tới, thợ kéo côn điện bị đuổi khỏi vùng này. Thời gian sau, những dàn côn tái xuất hiện trên đồng, nhưng là côn kéo không có điện của những người dân địa phương như anh Tuấn. Anh Lê Văn Phước - một thợ kéo côn khác, chia sẻ, so với nghề bắt cá khác, nghề kéo côn nhẹ nhàng hơn. Nói nhẹ nhàng chứ mùa lạnh này, sau mỗi cú nhảy, thợ côn trèo lên xuồng lạnh đánh bò cạp, môi thâm tím, phải liên tục đốt thuốc hút. “Đó là chưa kể, có khi sau mỗi cú nhảy gấp, chân thợ kéo côn vấp phải miểng ốc, miểng chai, cây nhọn là tươm máu như chơi!”. Chạng vạng, nhóm thợ côn cố gắng lướt thêm mấy vòng nữa trước khi nắng tắt hẳn, trên xuồng mỗi người lúc này có 4-5kg cá.

Anh Tuấn, anh Phước cùng nhóm thợ kéo côn tập hợp lại lần nữa, cắm sào neo xuồng giữa ruộng để khoe “chiến tích”, ai cũng tươi cười vì năm nay trúng cá. “Mỗi dàn côn vốn khoảng vài trăm ngàn đồng, có thể xài đến 4-5 năm. Bình quân, một ngày, thợ côn kiếm 4-5kg cá, giá cá khoảng 50.000 đồng/kg, trừ tiền xăng, thợ côn kiếm khoảng 200.000 đồng. Dù không nhiều nhưng cũng đủ trang trải chi phí lúc nông nhàn mùa lũ” - anh Phước thông tin./.

Nguyệt Nhi-Thường Sơn

Chia sẻ bài viết


Hồ cá mini thuỷ sinh để bàn hồ cá mini thuỷ sinh