Tiếng Việt | English

24/05/2016 - 10:39

Tân Thạnh: Phát huy phong trào Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi

Phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi (NDSX-KDG) ở huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An ngày càng phát triển sâu rộng và thu hút nhiều tầng lớp tham gia, góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

1.Ông Nguyễn Văn Lô, ngụ ấp Thận Cần, xã Bắc Hòa là một điển hình tiêu biểu trong phong trào NDSX- KDG cấp tỉnh và Trung ương nhiều năm liền. Hằng năm, gia đình ông thu nhập trên 750 triệu đồng, trong đó, lãi từ trồng trọt là 400 triệu đồng/năm; lãi chăn nuôi 200 triệu đồng/năm và dịch vụ nông nghiệp là 150 triệu đồng/năm.


Nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, việc chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Nguyễn Văn Lô

Ban đầu, vợ chồng ông chỉ có 2 công ruộng, nhưng có đến 7 nhân khẩu, trong đó 5 người con đang còn nhỏ. Không cam chịu nghèo khó, vợ chồng ông Lô kiên trì khai hoang và phục hóa đất đai. Một thời gian sau, gia đình đã sở hữu 12ha đất nông nghiệp.

Ngoài sản xuất lúa, ông Lô còn chăn nuôi heo nái và heo thịt. Nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, việc chăn nuôi mang lại hiệu quả cao và đàn heo phát triển tốt. Gia đình ông đang có 10 con heo nái, mỗi năm đẻ 2 lứa từ 200-220 heo con. Số heo con đẻ ra, ông đều để lại nuôi.

Năm 2007, ông Lô mạnh dạn đứng ra thành lập tổ kinh tế hợp tác gồm 4 máy gặt đặp liên hợp, trong đó, 3 máy gia đình đầu tư mua và 1 máy được vay mua từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Thông qua tổ hợp tác đã giải quyết được tình hình thiếu lao động ở địa phương, đồng thời còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và giúp được 2 hộ thoát nghèo.

Năm 2013-2014, ông Lô đạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh lần thứ III với tác phẩm sáng tạo chiếc máy cày có chức năng “4 trong 1” (trang mặt bằng, gạt đường nước, xịt thuốc và sạ hàng) giúp giảm chi phí sản xuất.

Năm 2010, ông Lô vinh dự được chọn tham dự Đại hội Đại biểu Nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen, vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2005-2010.

2.Ông Đoàn Văn Bốn, ngụ ấp Hai Vụ, xã Kiến Bình, xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, quê ở huyện Tân Trụ. Năm 1992, ông theo người thân lên Tân Thạnh lập nghiệp, với mong muốn kinh tế ổn định hơn.

Ông Bốn nhớ lại: “Lúc mới lên đây, đất nhiễm phèn, cây cối cằn cỗi. Từ đó, nhiều người đã trở về xứ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của bản thân và được chính quyền hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, đào kênh khai hoang,… nên tôi mạnh dạn bám trụ. Đến nay, gia đình tôi đã sở hữu 7ha đất nông nghiệp và căn nhà tường khang trang”.

Ông Đoàn Văn Bốn, ngụ ấp 2 Vũ, xã Kiến Bình hướng dẫn kỹ thuật may gia công túi xách cho lao động nông thôn

Không chỉ dựa vào sản xuất lúa, ông Bốn liên hệ với các công ty, xí nghiệp nhận may túi xách gia công, nhằm tạo việc làm cho gia đình và lao động ở địa phương. Tại đây, ông góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động nữ, hằng tháng, mỗi lao động thu nhập trên 2 triệu đồng.

“Phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả mới có cuộc sống như ngày nay nên tôi rất hiểu giá trị của lao động. Vì vậy, tôi hy vọng những gia đình có kinh tế khó khăn hãy cố gắng lao động, họ sẽ sớm ổn định cuộc sống” - ông Bốn chia sẻ.

Phong trào NDSX-KDG của huyện Tân Thạnh đã góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng, nâng cao thu nhập và mức sống cho nhân dân trong huyện. Qua đó, giúp cho nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo và áp dụng vào trong sản xuất. Tân Thạnh thật sự khoác lên mình chiếc áo mới, bởi đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt”./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích