Tiếng Việt | English

13/02/2023 - 10:14

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong mùa khô

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, thời tiết chuyển sang mùa khô, nắng nóng; nhiều nơi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, một số nông dân đốt đồng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy. Trên địa bàn tỉnh Long An đan xen nhiều khu, cụm công nghiệp, kho bãi, công ty, khu dân cư, rừng, cánh đồng lúa,… đòi hỏi công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa phương, tổ chức, đơn vị. Trong đó, ý thức, kiến thức PCCC đóng vai trò rất quan trọng.

Thời quan qua, do tình trạng nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh đã gây ra nhiều vụ cháy làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, trong đó có các vụ cháy cỏ, rác, thực bì và phế liệu. Theo thống kê, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy cỏ, rác, thực bì và phế liệu đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và cuộc sống của người dân. Một trong những nguyên nhân chủ quan gây cháy là việc không cử người trông coi khi đốt cỏ, rác, thực bì và đốt đồng.

Trước tình hình trên, để thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn PCCC, nhất là trong điều kiện thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài; đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 3624/KH-UBND, ngày 02/12/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) mùa khô và rừng năm 2023, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh có kế hoạch, văn bản chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung quy định của pháp luật về PCCC tại địa bàn, cơ sở phụ trách.

Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức cơ bản về PCCC cũng như khuyến cáo, cảnh báo các điều kiện có nguy cơ xảy ra cháy ảnh hưởng đến các điều kiện thoát nạn, cứu nạn và triển khai công tác chữa cháy.

Trong đó, tỉnh nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngành Công an về tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; tổ chức thanh, kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc đốt cỏ, rác, thực bì, đốt đồng không cử người trông coi dẫn đến cháy, cháy lan, cháy lớn; trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, ngành Công an phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí và chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu, rộng cho các đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước, khu dân cư, tổ dân phố, hộ gia đình. Nâng cao ý thức của người dân bảo đảm an toàn PCCC trong việc dọn dẹp, đốt cỏ, rác, thực bì và đốt đồng.

Tăng cường công tác thường trực, sẵn sàng chữa cháy và CNCH, kịp thời xử lý hiệu quả các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng yêu cầu các công ty đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp chú ý dọn dẹp, phát quang những khu đất trống chưa có nhà đầu tư; củng cố lực lượng và trang bị bảo đảm đầy đủ các phương tiện chữa cháy cơ giới; hướng dẫn các nhà đầu tư thứ cấp tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC; phối hợp tham gia chữa cháy và CNCH khi có cháy, nổ xảy ra.

Để không xảy ra các vụ cháy cỏ, rác, thực bì, đốt đồng, tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các chủ rừng thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp về PCCC rừng; cảnh báo người dân không đốt đồng gần khu vực có rừng. Tiến hành kiểm tra, rà soát các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác PCCC để kịp thời đề xuất, xem xét, hỗ trợ. Duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24 giờ vào mùa cao điểm và sẵn sàng tham gia chữa cháy cùng các địa phương khi xảy ra cháy rừng.

Riêng chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra, canh gác rừng vào thời điểm có nguy cơ cháy cao hoặc khi có người dân đốt cỏ, rác, thực bì, đốt đồng gần khu vực có rừng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần sẵn sàng hỗ trợ địa phương, cơ sở chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”,...

Cháy, nổ gây những thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người và tài sản. Nếu cả hệ thống chính trị, cộng đồng cùng tham gia PCCC sẽ hạn chế thấp nhất hậu quả do "bà hỏa" gây ra. Trong "cuộc chiến" chống cháy, nổ thì mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác. Bảo đảm an toàn PCCC là tích cực tham gia phát triển KT-XH. PCCC là việc làm nhỏ với mỗi người nhưng hiệu quả xã hội hết sức to lớn./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết