Tiếng Việt | English

19/12/2022 - 08:44

Quan tâm công tác phòng cháy, chữa cháy trong mùa khô

Hiện nay, thời tiết phương Nam đang chuyển từ mùa mưa sang mùa khô, nắng nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Gần đây, vào sáng ngày 10/12/2022, tại Khu công nghiệp Hải Sơn (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) xảy ra vụ cháy lớn ở nhà xưởng của Công ty TNHH Công nghệ Silicon Vĩnh Phú và Công ty TNHH Sambu La - Long An (chuyên sản xuất vali, túi xách). Vụ cháy tiếp tục gióng lên hồi chuông nhắc nhở về hiểm họa cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2021 và 10 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 3.624 vụ cháy, làm chết 183 người, bị thương 209 người, tài sản thiệt hại ước tính trên 942 tỉ đồng và 3.859ha rừng. Trên địa bàn tỉnh, xảy ra 11 vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh; làm chết 1 người, bị thương 1 người, thiệt hại tài sản 13,63 tỉ đồng.

Trong các loại hình xảy ra cháy, phổ biến là cháy nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh và các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Vụ cháy thương tâm xảy ra vào ngày 06/9/2022 tại quán karaoke An Phú, phường An Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 32 người chết, 17 người bị thương.

Mặc dù công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến tình hình ANTT; hoạt động sản xuất, kinh doanh; môi trường đầu tư và cuộc sống của người dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy như một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ và duy trì tốt các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC; một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là đối với công tác PCCC; kết cấu hạ tầng, phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu; lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động chưa hiệu quả;…

Để hạn chế thấp nhất nguy cơ và thiệt hại do cháy gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 3626/CT-UBND, ngày 02/12/2022 về tăng cường công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về công tác PCCC. Tăng cường sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đề cao ý thức, kỹ năng của người dân trong an toàn phòng, chống cháy, nổ. Xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đủ điều kiện về an toàn PCCC và CNCH theo quy định. Tổ chức công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC và CNCH trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân giám sát.

Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh triển khai các chủ trương, giải pháp tăng cường công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và CNCH. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao như khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư, nhà nhiều tầng, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất,...; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm các điều kiện về an toàn PCCC và CNCH.

Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với các dự án công trình xây dựng. Kiên quyết không cấp văn bản nghiệm thu đối với các dự án, công trình không bảo đảm các yêu cầu về an toàn.

Các sở, ngành chức năng phối hợp Công an tỉnh trong công tác quy hoạch, hoạt động đầu tư; các dự án, công trình trước khi đưa vào hoạt động phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Củng cố, thành lập lực lượng PCCC chuyên ngành và trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy cơ giới; đôn đốc các doanh nghiệp duy trì việc đầu tư kinh phí hoạt động và trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ cho lực lượng PCCC tại cơ sở.

Nhiều vụ việc cháy, nổ xảy ra là do thiếu kiến thức, kỹ năng PCCC. Do vậy, cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn vệ sinh lao động; chú ý công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ sơ, cấp cứu ban đầu đối với nạn nhân trong các vụ cháy, nổ.

Riêng ngành Điện lực cần tăng cường kiểm tra, bảo trì hệ thống, thiết bị điện thuộc tuyến quản lý, đặc biệt là tại các khu dân cư, chung cư để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn PCCC từ hệ thống, thiết bị điện; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn khi sử dụng điện tại các hộ gia đình và cơ sở trọng điểm;...

Cháy, nổ gây hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản. Quan tâm công tác PCCC là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân./.

Tân An

Chia sẻ bài viết