NLĐ muốn được tăng lương từ đầu năm 2024
Kết quả sát về đời sống, thu nhập của người lao động (NLĐ) cuối năm 2022 do Viện Công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN) thực hiện với hơn 6.200 công nhân tham gia, cho thấy sự sụt giảm đáng kể số giờ làm việc của NLĐ trong khu công nghiệp. Theo đó, thời gian làm việc bình thường của NLĐ giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn 7,25 giờ/ngày và không làm thêm giờ. Số giờ làm việc giảm đồng nghĩa với mức thu nhập cũng giảm, chỉ còn 5,9 triệu đồng/người/tháng.
Công nhân Công ty Changshing Việt Nam tại Đồng Nai
Tổng thu nhập gồm lương và phụ cấp lương khoảng 8,74 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu cho cuộc sống là 10,3 triệu đồng/tháng. Tức là mức thu nhập chỉ bằng 84% của mức chi tiêu, không đủ sống. Khó khăn về việc làm, thu nhập khiến 18% NLĐ đã từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần.
Khảo sát cũng cho thấy có 42% NLĐ không có nhà; 54% không có đất ở; đặc biệt có đến 59% NLĐ không có tích lũy một đồng nào; 11,7% có tích lũy nhưng chỉ duy trì được dưới 1 tháng; 16,7% có tích lũy, duy trì từ 1 - 3 tháng; chỉ 12,7% có tích lũy, có thể cầm cự trên 3 tháng. Điều này phản ánh rằng đời sống của NLĐ cực kỳ khó khăn.
Để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2024, thời gian qua, Tổng LĐLĐ VN cũng đã khảo sát về đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết: "Đại đa số NLĐ muốn được tăng LTT vào đầu năm sau vì đời sống thực tế đang có rất nhiều khó khăn".
Về mức tăng LTT vùng, lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN nêu cụ thể là bao nhiêu sẽ thông qua thương lượng, trao đổi trong phiên họp hội đồng tiền lương tới đây. Các bên sẽ bàn thảo trên tinh thần thiện chí. "Công đoàn chia sẻ với doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh thiếu đơn hàng, nhưng cuộc sống của NLĐ cũng rất bí bách khi việc làm bị cắt giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao. Chúng tôi tin rằng DN cũng sẽ chia sẻ, thấu hiểu NLĐ, để có tiếng nói chung", ông Hiểu nói.
Công nhân mong muốn tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2024, trong khi doanh nghiệp lại muốn trì hoãn.Trong ảnh: Công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) tan ca mua thực phẩm chiều 7.8
Doanh nghiệp muốn hoãn tăng lương
Mặc dù phía công đoàn mong muốn tăng LTT cho NLĐ, song nhiều DN, đặc biệt là DN trong các ngành thâm dụng lao động bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, đơn hàng cắt giảm lại bày tỏ nguyện vọng Chính phủ nên giữ nguyên mức lương như hiện tại.
Ông Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP May Hà Nam, chia sẻ: "Hiện chúng tôi duy trì việc làm 8 tiếng cho NLĐ đã là cố gắng lắm rồi và không có làm thêm giờ. Mong muốn tăng lương của NLĐ là chính đáng, chúng tôi hiểu điều đó, nhưng tăng từ 1.1.2024 là không thể. DN khó khăn, không có đơn hàng, không có tiền lấy gì mà tăng".
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may, năm nay, DN nào giảm thu nhập của NLĐ dưới 2 triệu đã là thành công. Theo dự đoán từ giờ đến cuối năm, DN sẽ khó khăn hơn do đơn hàng mới chưa có. "Để giảm bớt gánh nặng cho các DN nên lùi thời gian tăng LTT vùng lại sau", Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may kiến nghị.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cũng đã có văn bản gửi Chính phủ và các bộ liên quan về việc tháo gỡ khó khăn cho DN thủy sản. VASEP cho biết xuất khẩu thủy sản VN 5 tháng đầu năm tiếp tục sụt giảm 2 con số so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 3,379 tỉ USD, giảm 27,9%. Các DN trong ngành đều đánh giá sự sụt giảm và đứt gãy hiện trầm trọng hơn cả giai đoạn đỉnh dịch Covid-19. Các đơn hàng xuất khẩu của DN đã giảm từ 20 - 50%, dẫn đến lượng tồn kho tăng cao. Thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng các loại chi phí và lãi suất ngân hàng tăng cao.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, cho hay: "Tinh thần chung của DN thủy sản là rất khó khăn, cuộc họp Hội đồng tiền lương quốc gia tới đây, chúng tôi muốn được lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, sau đó sẽ đưa ra kiến nghị cụ thể về việc tăng hay không tăng LTT vùng năm 2024".
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng việc DN duy trì được mức lương hiện tại đã là nỗ lực rất lớn. "Sắp tới, hội đồng sẽ trao đổi chi tiết và có khuyến nghị cụ thể để có quyết sách phù hợp để giảm bớt khó khăn cho DN. Trước mắt, duy trì được hoạt động cho DN tức là NLĐ có việc làm. NLĐ có việc làm dù thu nhập ở mức tối thiểu còn hơn là không có việc làm", ông Phòng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, Hội đồng tiền lương quốc gia cùng với các cơ quan liên quan sẽ xem xét, đánh giá thực trạng, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của DN, tốc độ tăng trưởng, thu nhập của NLĐ… Qua đó, để tính toán có điều chỉnh mức LTT vùng vào năm 2024 hay không; nếu điều chỉnh tăng thì ở mức nào? |
Khó có phương án hài lòng cho tất cả
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng bối cảnh năm 2022 khi xem xét tăng LTT mức 6% thì tình hình kinh tế sáng sủa hơn rất nhiều. Còn năm nay, tình hình tương đối khó khăn khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột Nga - Ukraine kéo dài.
Ông Nghĩa phân tích: "Từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều DN xuất khẩu thiếu đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm cũng sụt giảm, tăng trưởng GDP chỉ ở mức 3,72%, trong khi lạm phát ở mức 3,2%. Do vậy, tăng LTT phải cân nhắc đến hình KT-XH. Xét về tổng quan, nếu không tính toán tăng lên sẽ khó đảm bảo điều kiện sống cho NLĐ".
Về mức tăng cụ thể, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra quan điểm: "Mức tăng không thể 6% như năm 2022 nhưng cũng nên ở mức từ 4 - 5% từ 1.1.2024 để bù đắp cho NLĐ có thể sống tốt hơn. LTT của NLĐ hiện ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Về lâu dài, không nên cạnh tranh bằng lao động giá rẻ mà cần tính đến thu hút đầu tư vào các ngành có trình độ kỹ thuật cao nâng mức LTT cho NLĐ".
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện KH-LĐ-XH (Bộ LĐ-TB-XH), chưa nên tăng LTT trong năm tới bởi 6 tháng đầu năm, số lượng DN rời khỏi thị trường rất lớn, nền kinh tế cũng chưa phục hồi. Bà Hương nhìn nhận: "Hiện đa phần các DN đã trả lương cao hơn mức LTT vùng nên không nhất thiết năm nào cũng phải tăng lương. Đúng là NLĐ đang rất khó khăn, nhưng bên cạnh đó rất nhiều người đã mất việc và chính họ còn thiệt thòi hơn nữa. Nếu tăng lương quá cao thì DN không chịu được dẫn đến có thể phải cắt giảm thêm lao động, như vậy số lao động mất việc sẽ tiếp tục tăng lên".
Chuyên gia lao động này cũng cho rằng thay vì tăng lương hằng năm, nhà nước và các DN cần có chính sách để tăng năng suất lao động, tăng đơn hàng, cải tiến công nghệ, có thêm nhiều việc làm cho NLĐ, khi đó thu nhập của NLĐ sẽ tăng.
Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, khả năng chi trả của DN cũng gặp rất nhiều khó khăn nên việc xem xét điều chỉnh LTT vùng như thế nào, áp dụng vào thời điểm nào cần phải tính toán. "Rất khó có phương án tăng lương mà làm hài lòng cho tất cả các bên. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tăng lương thì DN khó có thể chịu đựng được. Ở vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Chủ tịch Hội đồng tiền lương phải lắng nghe và thuyết phục hai bên để tìm được một phương án hài hòa, chấp nhận được", ông Huân nêu ý kiến.
Cần khảo sát và công khai mức sống tối thiểu của công nhân
Khi nghe tin sắp tới sẽ đề xuất tăng LTT vùng năm 2024, chị Trần Anh Đào (công nhân của một công ty may ở Q.12, TP.HCM) khấp khởi chờ đợi. Hơn 17 năm làm việc ở nhà máy, lương của chị Đào từ lúc mới vào làm là 800.000 đồng/tháng, đến nay được 9 triệu đồng/tháng. Chị Đào nói: "Đó là do tôi đã có thâm niên làm việc. Còn mức lương mà công nhân may hiện nay mới vào làm chỉ hơn mức LTT của vùng I (4,68 triệu đồng) vài trăm ngàn đồng. Tiền thuê một căn phòng trọ thấp nhất cũng đã 1,5 triệu đồng/tháng; sinh hoạt, ăn uống 3 triệu đồng/tháng; chưa kể chi phí thuốc men, bệnh tật, đi lại, gửi về quê cho ba mẹ già… thì tiền LTT hiện không thấm là bao".
"Trong khi đó, chủ trọ nghe lương tăng là muốn tăng giá phòng; các chi phí như điện, gas đều tăng. Tôi bây giờ ra chợ cũng phải đắn đo mua món gì", chị Đào chia sẻ và mong có một cuộc khảo sát cụ thể mức sống tối thiểu của NLĐ hiện giờ và công khai mức này để các bên đều thấy được và từ đó làm cơ sở cho những điều chỉnh về tiền lương.
Chị T.T.A (công nhân trong khu chế xuất Linh Trung II, TP.Thủ Đức) cũng cho rằng mức LTT hiện không đủ sống. Dù 20 năm làm việc trong nhà máy, lương chị đến nay cũng chỉ 9 triệu đồng/tháng. "Nếu sống một mình thì mỗi tháng có thể dư dả chừng 1 - 2 triệu đồng, nhưng với những gia đình công nhân có con nhỏ học hành thì tháng nào cũng thiếu trước hụt sau", chị A. nói.
Phạm Thu Ngân
|
Theo Thanh niên