Tiếng Việt | English

25/08/2021 - 12:50

Tạo điều kiện cho công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển

Những năm qua, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An luôn khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Qua đó, từng bước đưa công nghiệp, thương mại, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tân Thạnh là cửa ngõ đi vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh miền Tây nên có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ

Khai mở tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ

Là cửa ngõ đi vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh miền Tây, huyện Tân Thạnh có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Hiện nay, huyện có 7 chợ truyền thống (thị trấn Tân Thạnh, Tân Lập, Hậu Thạnh Đông, Bắc Hòa, Nhơn Ninh, Tân Ninh và Tân Thành); 5 cửa hàng tiện lợi (3 Thế Giới Di Động, 1 Điện Máy Xanh, 1 Bách Hóa Xanh); 6 ngân hàng (Agribank, Vietinbank, BIDV, Sacombank, LienVietPostbank, Ngân hàng Chính sách xã hội) và 1 Quỹ Tín dụng nhân dân Hậu Thạnh Đông.

Ngoài ra, cửa hàng tiện lợi Con Cưng đang trong quá trình xây dựng tại thị trấn Tân Thạnh; các chuỗi hệ thống khác đang liên hệ tìm mặt bằng để mở các cửa hàng như SanHa, Co.opfood,...

Song song với phát triển hệ thống các cửa hàng tiện lợi, huyện còn có nhiều dự án lớn đang được triển khai, thực hiện, hứa hẹn khai mở phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đưa địa phương bứt phá đi lên theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nổi bật là Dự án Cụm công nghiệp (CCN) Vinh Khang, tọa lạc ấp Xóm Than, xã Tân Bình.

Hiện CCN Vinh Khang có diện tích trên 17ha, tiếp tục được mở rộng thêm trên 55ha. CCN Vinh Khang do Công ty TNHH Bất động sản Vinh Khang làm chủ đầu tư. Công ty đang hoàn thành các hạng mục hạ tầng để có thể kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Nơi đây sẽ là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với các nhóm ngành như chế biến thực phẩm, dệt, may mặc, sản xuất gạch, ngói, chế biến gỗ, sản xuất thủy tinh, tái chế các sản phẩm từ nhựa, sản xuất phân bón vi sinh,...

Một trong những dự án quan trọng khác của huyện là thành lập khu du lịch sinh thái miệt vườn, với 375ha tại khu vực trạm bơm xã Tân Lập. Theo đó, hiện nay, UBND huyện tiến hành giải phóng mặt bằng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; khuyến khích người dân chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn trái mang giá trị kinh tế cao nhằm từng bước hình thành vùng chuyên cây ăn trái.

Khi dự án khu du lịch sinh thái miệt vườn tại xã Tân Lập chính thức đi vào hoạt động sẽ là điểm tham quan, vui chơi lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần tạo đột phá cho thương mại, dịch vụ địa phương ngày càng phát triển.

Với những kết quả đã đạt cùng những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tin rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Thạnh sẽ từng bước xây dựng địa phương trở thành điểm sáng trong khu vực Đồng Tháp Mười về phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ”.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Võ Văn Điền chia sẻ: “Khi được quy hoạch khu du lịch sinh thái miệt vườn, người dân rất đồng tình hưởng ứng. Qua khảo sát, vùng đất Tân Lập thích hợp trồng các loại cây ăn trái khác nhau. Hiện nay, một số diện tích trồng cây ăn trái bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao như sầu riêng, nhãn, chôm chôm,… Trước khi có dịch Covid-19, một số đoàn khách du lịch từ TP.HCM thường ghé tham quan các vườn cây ăn trái. Khi khu du lịch sinh thái miệt vườn ở địa phương được hình thành, đời sống người dân sẽ không ngừng nâng lên”.

Nỗ lực khơi thông “mạch máu” giao thông

Để tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển được các dự án, huyện Tân Thạnh luôn xác định phải khơi thông “mạch máu” giao thông. Theo đó, huyện đang quy hoạch các tuyến đường: Tuyến tránh phía Tây thị trấn Tân Thạnh, dự kiến 6km; tuyến tránh phía Đông thị trấn Tân Thạnh, dự kiến 6km; tổ chức điều chỉnh chung quy hoạch thị trấn Tân Thạnh để từng bước tiến tới đô thị loại IV;...

Thời gian tới, nhất là trong giai đoạn 2021-2026, Trung ương, tỉnh sẽ mở rộng đầu tư Quốc lộ (QL) 62, N2. Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải đang đề xuất xây dựng tuyến QL song song QL62, trong đó dự kiến giai đoạn 1 của tuyến đường này sẽ được đầu tư từ huyện Thủ Thừa đến huyện Tân Thạnh, phần thuộc về huyện Tân Thạnh khoảng 5km. Những tuyến QL này đều đi ngang qua địa bàn huyện và sau khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Ngoài được đầu tư các tuyến đường “huyết mạch”, huyện còn tranh thủ các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa đầu tư cầu, đường giao thông nông thôn theo chuẩn nông thôn mới. Qua đó, giúp huyện hoàn thành các tiêu chí giao thông nông thôn, vừa tạo điều kiện cho giao thông phát triển đồng bộ từ nông thôn đến thành thị.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết: “Những năm qua, tình hình kinh tế, văn hóa và xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 7,34%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản đúng hướng, khu vực I (công nghiệp - xây dựng), khu vực II (thương mại - dịch vụ) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Nhiều công trình, dự án quan trọng đã và đang được triển khai, từng bước tạo bộ mặt khang trang và động lực phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.

Một số kết quả nổi bật trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội

Đến ngày 10/6/2021, huyện thu ngân sách được 56 tỉ đồng, đạt 65,9% dự toán huyện và 72,8% dự toán tỉnh giao.

Hiện huyện có 32/39 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt trên 82%.

6 tháng đầu năm 2021, huyện giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động; xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 8 triệu đồng, đạt 18% kế hoạch.

Thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục xác định chỉ có phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ mới tạo bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Để đạt được mục tiêu đề ra, Huyện ủy, UBND huyện đưa ra một số giải pháp: Tiếp tục tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông - đường số 3 kết nối trung tâm thị trấn ra QLN2,  nhựa các tuyến đường giáp ranh Tiền Giang, Đồng Tháp như Cà Nhíp, Bùi Mới, Phụng Thớt; kêu gọi phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi,…tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng và thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, phát huy và sử dụng hợp lý các nguồn lực để chi cho các hoạt động đầu tư phát triển, cải thiện kết cấu hạ tầng của huyện, nhằm thu hút đầu tư; tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án đầu tư; xây dựng nhãn hiệu của huyện, phát huy lợi thế địa lý và tài nguyên đất”.

Với những kết quả đã đạt cùng những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tin rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Thạnh sẽ từng bước xây dựng địa phương trở thành điểm sáng trong khu vực Đồng Tháp Mười về phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích