Tiếng Việt | English

10/06/2022 - 09:50

Thảm án Lệ Chi Viên đã lên sân khấu cải lương

Báo Thanh Niên (số ra ngày 25/5/2022) có giới thiệu vở cải lương Bên ánh sao Khuê - xoay quanh cái chết của Vua Lê Thái Tông và giải oan cho bà Nguyễn Thị Lộ - do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, Nhà hát Cải lương Trung ương trình diễn tại Hà Nội.

Bên ánh sao Khuê là Nguyễn Thị Lộ ở bên sao Khuê Nguyễn Trãi - “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Lòng Ức Trai sáng như sao Khuê) - Vua Lê Thánh Tông đã ban chiếu chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi như vậy! Trước đó, Vua Lê Nhân Tông (1442 - 1459) cũng đã nói (chưa phải văn bản chính thức): “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp loạn tặc, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng, không may bị người đàn bà gây biến, để cho người lương thiện mắc tội rất là đáng thương”. Vở cải lương nhằm giải oan cho Nguyễn Thị Lộ, theo đạo diễn.

Đền thờ Nguyễn Thị Lộ ở Thái Bình. Ảnh: Internet

1. Vở diễn mở màn với các cô gánh chiếu rảo qua sân khấu. Rồi lời đối đáp bằng thơ giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Nguyễn Trãi: Ả ở đâu ta bán chiếu gon/ Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn/ Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi?/ Đã có chồng chưa, được mấy con?.

Nguyễn Thị Lộ: Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon/ Can chi ông hỏi hết hay còn?/ Xuân thu phỏng độ trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có, có chi con!.

Theo tài liệu này, Nguyễn Thị Lộ quê ở Hải Hồ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Làng cô có nghề dệt chiếu gon (từ cỏ lác/cói) nổi tiếng ở thế kỷ X-XI. Chiếu được đưa lên bán tận kinh đô Thăng Long. Cơ duyên đưa đẩy, quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi sau buổi chầu vua về, thấy cô bán chiếu quá đẹp, bèn dừng gót, ứng khẩu thơ chơi, dè đâu cô bán chiếu chẳng vừa, đối đáp ngay, cho biết mình ở Hải Hồ, ngoài 20 tuổi (chứ không phải tuổi trăng tròn lẻ như kịch bản trên). Và rồi vị quan đầu triều đã phải lòng cô gái bán chiếu gon!

2. Ức Trai tiên sinh để lại cho đời ngoài áng kim cổ hùng văn Bình Ngô Đại Cáo bất hủ, còn có một khối lượng lớn thơ Nôm và thơ chữ Hán nặng về thế sự, quốc sự, đạo đức, giao hòa với thiên nhiên…; duy nhất có một bài thơ tình được coi là bài thơ tình đầu tiên của văn học Việt Nam, theo Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Mai Quốc Liên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc học, luận giải. Đó là bài thơ ông viết ở Côn Sơn gởi cho vợ là Nguyễn Thị Lộ ở cung Vua Lê Thái Tông. Là bậc anh hùng Bình Ngô khai quốc, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa lỗi lạc bậc nhất thiên hạ, nhưng thơ cho vợ ở kinh đô, ông dùng toàn lời lẽ rất khiêm cung, len một chút hờn ghen kín đáo.

Thơ rằng: Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng/ Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng/ Ngoài ấy dầu còn áo lẻ/ Cả lòng mượn lấy đắp cho cùng.

GS.Mai Quốc Liên giải nghĩa các từ cổ: Loàn đan: Mạo muội, dám xin. Cả lòng: Rộng lòng, mở lượng (Ức Trai chỉ dám hỏi vợ đang ở trong cung đầm ấm có thương kẻ ở ngoài nội cô đơn, lạnh lùng này không? Có còn chiếc “áo lẻ” nào cho mượn để đắp đỡ lạnh lùng không?).

Nhân vật Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ trên sân khấu của Nhà hát Cải lương Trung ương (Cảnh chia tay của Nguyễn Trãi phải về quê Côn Sơn ẩn dật, còn Nguyễn Thị Lộ phải chấp nhận ở lại cung vua). Ảnh: Báo Thanh Niên online

3. Theo GS.TS Kiều Thu Hoạch, các bản chép giai thoại đều lý giải Nguyễn Thị Lộ xuất thân là con nhà gia thế, sau vì cửa nhà sa sút nên phải đi bán chiếu gon nhưng văn chương, chữ nghĩa không xoàng. GS đưa ra bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi và bài thơ chữ Hán của Nguyễn Thị Lộ mà GS đã dịch như sau: Thơ Nguyễn Trãi: Trời cao đất rộng bốn mùa thành/ Đáng trách ai kia đạo chẳng minh/ Mặt kính gương trong nhơ đã vấy/ Đức cao dù đẹp dục còn tranh/ Chu vương từng học lòng nhân đức/ Hán đế còn đam chuyện ái tình/ May được trời người cùng hiệp trợ/ Nước nhà ắt hẳn lại hồi sinh.

Nguyễn Thị Lộ đọc thơ, biết Nguyễn Trãi có ý nghi ngờ mối quan hệ giữa nàng và nhà vua, nhất là câu Kính diện tuy thanh trần dĩ nhiễm (Mặt kính gương trong nhơ đã vấy), khiến nàng vô cùng đau khổ. Thơ Nguyễn Thị Lộ: Lòng son khăn khắn việc mong thành/ Ai bảo cương thường đạo chẳng minh/ Ngày nắng sao lo mây chút gợn/ Cây cao há ngại sắn leo tranh/ Anh hùng gắng giữ anh hùng chí/ Phận gái đừng theo phận gái tình/ Phúc luyến duyên trời cầm sắt hợp/ Nghiệm xem con cháu thánh hiền sinh. Nàng đã khéo giãi bày lòng mình một cách mềm dịu, rằng vì lo công việc trong cung nên ít về nhà, chứ chẳng có ý gì mờ ám; xin chồng đã “anh hùng gắng giữ anh hùng chí”, mong cùng hòa hợp sắc cầm để hưởng hồng phúc con hiền cháu thánh…

4. Ức Trai tiên sinh từng viết: Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc/ Cho hay đường lợi cực quanh co; và: Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết/ Bui một lòng người cực hiểm thay!... Đời cụ đã nếm trải nhiều bề như vậy. Có nghi án: Kẻ chủ mưu giết Vua Lê Thái Tông chính là vợ vua: Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh. Bà này mang hoang thai trước khi tiến cung nhưng vua lại phong làm Hoàng hậu. Chỉ 6 tháng sau, bà đã sinh Bang Cơ và lập ngay đứa trẻ sơ sinh ấy lên làm Hoàng thái tử.

Do vợ chồng Nguyễn Trãi biết chuyện thâm cung bí sử ấy nên Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh âm mưu trừ khử để bịt đầu mối. Dã tâm của bà là giết vua (chồng), đưa con trai lên thay. Bà sẽ buông màn làm nhiếp chính, thâu tóm quyền lực, cai trị đất nước. Sau khi cho tay chân thân tín bí mật đầu độc Vua Lê Thái Tông, bà mở ngay phiên tòa và làm chủ tọa, tuyên án: Nguyễn Thị Lộ giết vua, Nguyễn Trãi đồng mưu; cả 2 phải tội chết và tru di tam tộc! Thi hành xong vụ án Lệ Chi Viên, Nguyễn Thị Anh đưa con trai chưa đầy 2 tuổi lên ngôi vua, bà trở thành hoàng thái hậu nhiếp chính. Vẫn chưa an tâm, bà ra lệnh hạ ngục và giết hàng loạt người của tiên vương đều là bậc khai quốc công thần, như Thái sư Đinh Liệt, Thái úy Trịnh Khả, Thái phó Lê Liệt,... Phải đợi tới khi Vua sáng Lê Thánh Tông xuất hiện mới xóa án qua tuyên cáo chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”.

Hơn 500 năm sau, tháng 9/2006, tại Thủ đô Hà Nội, một cuộc hội thảo khoa học nhằm minh oan cho Nguyễn Thị Lộ đã nhất trí kết luận: Vụ án Lệ Chi Viên là âm mưu của một thế lực trong triều Lê muốn trừ khử một tài năng quá lỗi lạc, một nhân cách quá cao thượng là Nguyễn Trãi. Còn Nguyễn Thị Lộ cũng đã được ánh sáng công lý soi rọi, đặt bà bên cạnh sao Khuê Nguyễn Trãi - anh hùng Bình Ngô khai quốc... Ngày nay, Nguyễn Trãi còn được UNESCO vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới. Ngoài đền thờ và khu di tích Nguyễn Trãi rất xứng tầm ở Côn Sơn (Hải Dương), trên đất Thăng Long và tỉnh Thái Bình đều đã có đền thờ Đức bà nữ sĩ tài hoa Nguyễn Thị Lộ./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết