Tổng diện tích thả tôm nuôi trong tỉnh Long An hiện khoảng 4.353,9ha, đạt 72,6% so với kế hoạch, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2016. Các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ có diện tích tập trung nhiều nhất. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú 588,7ha, tôm thẻ chân trắng 3.765,2ha. Diện tích thu hoạch 2.884,3ha, năng suất bình quân ước 1,9 tấn/ha, sản lượng 5.472,1 tấn.
Nông dân thường xuyên theo dõi, kiểm tra ao nuôi tôm trong mùa mưa
Theo dõi để xử lý kịp thời
Thời gian này, do ảnh hưởng bão nên mưa nhiều và liên tục hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến người nuôi tôm. Lượng nước lớn, kèm theo là nhiệt độ không khí thấp làm cho nhiệt độ, độ mặn, pH và oxy hòa tan trong ao nuôi tôm giảm đột ngột,... dẫn đến tôm bị sốc môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh. Do đó, người nuôi cần theo dõi và biết cách xử lý trong giai đoạn này.
Theo anh Trần Thanh Việt, ngụ xã Tân Ân, huyện Cần Đước, nuôi tôm trong mùa mưa, các ao nuôi thường gặp tình trạng khi mưa kéo dài, nước mưa thường kéo phèn và bùn đất từ bờ bao xuống ao. Do đó, người nuôi phải đắp mô nếp bờ ao, thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi để kịp thời rải vôi và vi sinh xử lý chất thải trong ao, tăng cường các chất kháng sinh trong thức ăn để giữ sức khỏe cho tôm.
“Hiện, tôi có 0,5ha đang nuôi tôm thẻ chân trắng, trong những ngày mưa nhiều, đo độ pH trong ao 2 lần/ngày, thường xuyên rải vôi quanh bờ ao và sử dụng chất vi sinh để xử lý các chất thải do nước mưa làm tràn bờ và bồi lắng dưới đáy ao. Kiểm tra sức khỏe tôm để tăng - giảm lượng thức ăn phù hợp, không để thức ăn dư thừa trong ao nhiều quá” - anh Việt chia sẻ.
Nông dân Lê Văn Sự, ngụ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành cho biết: “Tôi nuôi tôm hơn 10 năm. Tôi thấy, thường vào mùa mưa, người nuôi gặp rất nhiều khó khăn: Nhiệt độ nước, oxy, pH, độ kiềm và độ mặn giảm đột ngột; dễ sập tảo và nồng độ khí độc sau đó được tạo ra nhiều, các nhóm vi khuẩn bất lợi gây bệnh trên tôm; tôm lột xác nhiều bởi pH, nhiệt độ, độ mặn và tảo tàn đột ngột làm thay đổi hàng loạt yếu tố môi trường”.
Cần lưu ý
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - Phạm Phú Hùng cho biết: Hiện nay, đang vào mùa mưa, thường xuất hiện những cơn mưa lớn và kéo dài làm cho môi trường nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng thay đổi bất thường, khiến dịch bệnh dễ phát sinh. Khi tôm bị bệnh, hiệu quả điều trị không cao.
Nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng, người nuôi cần lưu ý: Thường xuyên kiểm tra hình dạng bên ngoài, màu sắc, phản xạ, đường ruột của tôm,... Nếu có dấu hiệu bất thường, cần xử lý ngay nhằm hạn chế những bất lợi cho tôm; luôn giữ mực nước trong ao ở mức tối ưu là 1,2-1,5m. Khi mực nước ao tăng cao do mưa, cần xả bớt lượng nước tầng mặt để duy trì mực nước, đồng thời, tránh làm giảm độ mặn đột ngột, tràn bờ, vỡ cống bọng; khi xuất hiện những cơn mưa lớn, ngoài việc xả bỏ nước tầng mặt thì phải tăng cường chạy quạt nước để tránh sự phân tầng nhiệt độ, cung cấp thêm oxy và tăng nhiệt độ nước; kiểm tra và duy trì độ trong của nước ao từ 30-45cm.
Khi nước ao bị đục, cần sử dụng Yucca Zeo với liều lượng 10kg/3.000m3 nước ao/ngày, liên tục 2 ngày. Sau khi nước giảm đục thì cần tiến hành gây màu nước để tạo môi trường ổn định cho tôm; độ pH của nước thích hợp cho tôm thẻ chân trắng là từ 7,5-8,5. Nếu độ pH thấp thì cần rải thêm vôi; nếu pH cao thì thay nước ao và bón vi sinh để điều chỉnh pH cho phù hợp; độ kiềm thích hợp cho ao tôm là 80-120mg/l. Khi độ kiềm nước ao nuôi tôm giảm thấp, cần dùng Dolomite bón cho ao với liều lượng 25kg/1.000m3 nước; định kỳ 5-7 ngày nên sử dụng men vi sinh để xử lý môi trường, giảm khí độc trong ao: H2S, NH3, NO2,...
Nếu thời tiết sắp mưa, cần giảm lượng thức ăn hoặc ngưng cho ăn nếu mưa bắt đầu xuất hiện. Sau khi mưa dứt mới bắt đầu cho tôm ăn trở lại nhưng phải giảm từ 30-50% lượng thức ăn so với bình thường./.
Huỳnh Phong