Tiếng Việt | English

28/01/2018 - 19:37

Tháng chạp ân tình...

Không biết tự bao giờ, người ta trìu mến gọi cái tháng cuối cùng của năm là tháng Chạp. Một cách gọi rất đỗi bình dị, thân thương mà vô cùng ấm áp. Để rồi, dẫu ta đều đặn gặp lại mỗi năm, vẫn hãy còn đó vẹn nguyên những xúc cảm dịu nhẹ, những xốn xang rối bời thật khó gọi tên...

Vẫn là những lớp mưa phùn bay lất phất, những ngọn gió đông rít khẽ rồi luồn qua khe cửa; những nhành cây, ngọn cỏ co ro trong tiết rét lộc rét đài. Tháng Chạp trở mình bằng một tiếng thở dài vừa như tiếc nuối giọt thời gian quạnh quẽ, vắng xa lại vừa như đang rượt đuổi, hối thúc những bước chân người rẽ lối vào giêng hai ấm nắng. Tháng Chạp bộn bề suy tư, nhiều lo toan, bận rộn. Tháng Chạp ân cần, nồng đượm, tựa như một nốt lặng gieo giữa đất trời, lắng xuống lòng người.

Tháng Chạp như cách ví von của ai đó, là một đoản khúc thời gian, là giai điệu cuối cùng của một bài hát còn nghe dở. Bài hát về một hành trình buồn - vui - sướng - khổ vừa khép lại. Ngồi lại cùng tháng Chạp, ta nâng niu những khoảnh khắc trải lòng hoài niệm, thu dọn chỉn chu được mất bại thành trong những tháng ngày xa. Ta mỉm cười mãn nguyện để tha thứ cho người, tha thứ cho cả chính bản thân ta trước những nông nổi, lỗi lầm của chuỗi ngày ngược xuôi bụi bặm. Chợt thấy lòng nhẹ nhõm, như không còn mắc nợ điều gì.

Tháng Chạp, mẹ chộn rộn bấm đốt ngón tay đếm ngược từng ngày mong ngóng đứa con xa quay về điền viên. Vẫn là một câu hỏi rất quen, rất cũ mà sao hôm nay ta chợt thấy mủi lòng: “Con đặt vé xe chưa, ngày nào con về?”. Mẹ lúc nào cũng giản đơn như thế, ngắn gọn như thế mà gói ghém đầy đặn cả niềm mong mỏi lớn lao. Về với mẹ, với tết là để gột rửa hết ưu phiền, để được chở che, vỗ về sau mỗi dặm dài long đong đất khách.

Tháng Chạp, giờ này hẳn cha đang bàn bạc với các chú, các bác chọn ngày và chuẩn bị tươm tất cho việc sửa sang mộ phần của ông bà, tiên tổ. Lựa ngày nắng ráo, kiếm cát trắng mịn, rửa sạch, phơi khô để thay lư hương trên bàn thờ. Cũng nhờ những khoảnh khắc hiếm hoi ấy ngày cuối năm mà nhiều người, nhất là lớp trẻ có dịp thành kính hướng về nguồn cội, nhận mặt họ hàng, hiểu được trọn vẹn hơn những giá trị của văn hóa tâm linh, truyền thống.

Tháng Chạp, năm nào cũng thế, mẹ cũng như nhiều phụ nữ khác, chọn mua những thứ củ, quả ngon nhất để chuẩn bị một hũ dưa món đậm đà cho gia đình dùng trong dịp tết. Những thực phẩm xa xỉ, đắt tiền có thể không có điều kiện để mua nhiều nhưng dĩa dưa món thì không bao giờ thiếu trong mâm cơm tất niên, trong những ngày tết. Cái hương vị ngọt ngon của món ăn bình dị ấy cũng mặn nồng như tâm huyết của mẹ gửi vào.

Ngoài kia, ta còn bắt gặp một tháng Chạp hằn rõ bao nỗi lo toan trên vầng trán của những người lao động nghèo xa xứ. Họ gấp rút tăng ca để cố gắng tích lũy những đồng tiền ít ỏi cuối cùng cho chuyến hồi hương. Ta thương cảm những hoàn cảnh khó khăn, chấp nhận nuốt nước mắt vào trong để lặn lội mưu sinh mà dở dang lời hẹn sum họp. Ta lại càng xót xa hơn cho những mảnh đời cơ nhỡ, những số phận hẩm hiu quanh năm suốt tháng trú ngụ nơi góc chợ, vỉa hè, không có nơi chốn để quay về đoàn tụ,...

Tháng Chạp, về lại quê nhà, ta để ý thấy mái đầu của mẹ cha dày thêm nhiều sợi bạc, da mọc lên cơ man những chấm đồi mồi, khóe mắt chằng chịt vết rạn chân chim. Để rồi, cứ muốn níu giữ thời gian ở lại, mong sao tấm lưng của mẹ cha thôi còng xuống mỗi ngày.

Tháng Chạp yêu thương. Tháng Chạp ân tình. Ghé về tháng Chạp là mỗi lần ta thấy mình lớn lên, vững vàng hơn để chiêm nghiệm về cuộc đời nhiều biến động và gửi vào giêng hai bao ước vọng đong đầy./.

Ngô Thế Lâm

Chia sẻ bài viết