Tiếng Việt | English

04/05/2019 - 08:47

Tháng Tư, Tôi nhớ một người

Năm nào cũng vậy, hễ đến ngày 30 tháng 4, tôi lại nhớ về một người và một vùng đất miền Đông, nơi tôi từng trải nghiệm suốt 3 tháng. Đó là năm 1977, Hội Văn nghệ Giải phóng (nay là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật) TP.HCM mở trại sáng tác văn học đầu tiên và tôi may mắn được dự. Tôi xin đi thực tế ở một Liên đoàn Thanh niên xung phong (TNXP) đóng tại tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước). Đơn vị đóng quân giữa ngút ngàn rừng le đầy cỏ dại. Khu lán trại tre lá bao quanh bãi đất trống của đơn vị có 4 đại đội (C) - 3 C nam và 1 C nữ - với nhiệm vụ dọn rừng hoang thành đất bằng để đón người dân thành phố về xây dựng làng kinh tế mới, sinh cơ lập nghiệp lâu dài.

Tôi được chỉ huy trưởng đơn vị bố trí cho căn lán có cái sạp tre trải chiếu ngủ. Tôi đến nhằm lúc đơn vị chuẩn bị đón mừng kỷ niệm Ngày miền Nam giải phóng 30/4/1975. Ban ngày, các C dồn sức cho công việc dọn rừng mở đất. Đêm xuống, trên sân đơn vị nổi lên từng đống lửa trại tưng bừng. Các chàng trai, cô gái trong màu áo TNXP cùng nhảy múa, hát ca, cùng bày các trò chơi vui nhộn. Ai cũng ngời nét tươi trẻ đầy năng lượng sau một ngày đẫm mồ hôi cay nước mắt lao động.

Tôi ấn tượng nhất là ở C nữ toàn những cô gái đôi mươi tươi đẹp tạo thành một vòng tròn quanh thủ lĩnh của họ là cô gái có dáng cao thanh mảnh với cây đàn guitar vừa đàn, vừa hát bên đống lửa trại bập bùng. Tiếng hát C trưởng rất đỗi trong trẻo vút lên lảnh lót như chim vành khuyên hót: Từ biển khơi đến miền rừng núi cao/ Cờ Đoàn ta mang ảnh Bác với tên Người vĩ đại/ Hồ Chí Minh công ơn của Bác như biển trời/ Tình Người ấm trong tim ta trên đường tranh đấu/ Vì đất nước ta ra đi xây đời hạnh phúc cho mai sau/ Thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong/… Là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh/ Vì ngày mai ta xây đắp những công trình vĩ đại/ Đồng lúa trĩu bông quê ta nhà máy khói ngút trời/ Cả Tổ quốc trong tương lai ánh điện tỏa sáng/ Là công sức ta ra đi xây đời hạnh phúc cho mai sau/ Thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong…

Cô hát đi rồi hát lại từng điệp khúc bài ca Tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh của Triều Dâng để tập cho cả C cùng hát. Dưới ánh lửa trại, tôi thấy khuôn mặt các cô gái đều tươi nét an nhiên tự tại để rồi sáng hôm sau, các cô lại quây quần ríu rít trong lán ăn của C. Bữa ăn TNXP lúc này chỉ là cơm độn khoai mì và rau rừng chấm nước tương mà ai nấy ăn ngon lành. Xong, cả C người vác cuốc xẻng, người vác dao rựa vừa đi, vừa hát những bản nhạc TNXP hùng tráng xao động cả khu rừng. Tiếng hát cơ hồ đánh thức từng thớ đất còn ngủ vùi dưới lớp cỏ gai hoang tàn dấu đạn bom sau chiến tranh. Tiếng hát tợ mạch nguồn khơi dậy tiềm lực đất đai, hứa hẹn một quê hương tươi mới trên mặt đất cỗi cằn. 

Đêm sinh hoạt lửa trại thanh niên xung phong (Ảnh đặc san Hoa nở tuyến đầu của Thành đoàn TP.HCM - 1977)

Đêm sinh hoạt lửa trại thanh niên xung phong (Ảnh đặc san Hoa nở tuyến đầu của Thành đoàn TP.HCM - 1977)

Và tôi nhớ mãi ngày 30 tháng 4 năm ấy, Liên đoàn TNXP tổ chức hội diễn văn nghệ giữa các C. Trong không khí như ngày hội, ngày tết ấy cho tôi cơ hội làm quen với cô C trưởng C nữ duy nhất ở đây. 

“Em tên Ngọc Hoa” - cô tự bạch. “Năm em đang theo học Đại học Văn khoa Sài Gòn thì Sài Gòn giải phóng. Hồi đó, cả nhà em đều ngơ ngác trước biến cố lịch sử. Cả nhà đóng kín cửa tự cô lập mình. Em chỉ dám lên lầu hé cửa nhìn xuống đường, dõi theo bóng cờ Giải phóng tung bay trên đường phố. Trong nhà rủ rỉ bao nhiêu tin đồn rằng nghe nói Việt cộng thế này, nghe nói Giải phóng thế kia… - toàn những cái “nghe nói - nghe đồn” lại có sức gây hoang mang, sợ hãi suốt mấy ngày thúc thủ bên trong khung cửa nhà em cho đến khi các bạn ở Văn khoa tới nhà cho biết tin thời sự, xin gia đình để em đến trường sinh hoạt, học tập; cả nhà vẫn cứ “đón trước rào sau”. Cuối cùng, em cũng đến được giảng đường Đại học Văn khoa. Sinh viên lúc này lập từng nhóm học tập, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ và công tác xã hội đường phố, khu phố,... Em tiếp xúc ngày càng nhiều các chú, các anh chị cán bộ, bộ đội,... thấy sao mà họ dễ hòa đồng, dễ thân thiện... Tới khi có đợt vận động đi TNXP là em tự nguyện đi liền, để rồi em nhanh chóng được đứng dưới cờ Đoàn, nhanh chóng được trưởng thành trong môi trường TNXP...”.

Từ sau bữa đó, tôi theo chân C trưởng Ngọc Hoa điền dã qua các tên đất, tên người ở những cánh rừng Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Nơ, Sóc Xiêm, Chơn Thành, Tân Lập, Nha Bích, Đồng Xoài,... Chân tôi đã giẫm lên từng hòn đất hoang sơ trong rừng le với cỏ tranh, cỏ mắc cỡ níu chân như muốn mách bảo rằng tiềm lực đất đai còn ngủ yên từ bao đời nay ở đây. Để rồi, qua bàn tay khai mở đất đai dẫn lối cho người dân nghèo thành phố về đây dồn sức để “sỏi đá cũng thành cơm” như câu thơ Tố Hữu.

Và tôi đã viết ngay trên đất ấy: Anh thanh niên xung phong/ Bắt rừng hoang cười lên thành ruộng rẫy/ Rường cột là anh/anh cất nhà dựng trại/ Cơ hội nở hoa mỗi tâm hồn/Anh biến hoang vu thành làng thôn/ Kéo vầng trăng về gối lên mái lá/ Xua bóng lầm than/chim vờn bóng cá/ Ân tình chan từng giọt thắm môi nồng/ Mai kia cành chen quả lá chen bông/ Những quày cau xanh vầy duyên chồng vợ/ Rừng hoang xưa mọc lên bao xóm thợ/ Tươi tắn đường về tiếng hát lưng trâu/ Bốn phương trời đỏ thắm một lòng nôi/ Ru giấc mơ/tình xanh lấp lánh/ Rộn rực tim rừng chim non vỗ cánh/ Chào nông lâm trường/mừng gặp lúa ngô khoai/Đã hết thời đạn đám bom bầy/ Thỏ đủng đỉnh đi, nai ung dung bước/ Anh dọn sạch dấu vết thù xâm lược/ Làm nên cuộc sống hào hùng/ Đem sỏi đá thêu hoa dệt gấm/ Khắp nẻo chồi xanh lợp mái vui chung/ Anh đi dẫn nước về đồng/ Dòng kênh dưới chân anh ca hát/ Rau thêm màu và lúa thêm bông/ Lòng anh cũng tỏa xanh bát ngát/ Nơi anh đến là nơi nhiều tiếng hát/ Nơi mọi người làm hạnh phúc cho nhau/ Xóa dần đi từng vết thương đau/ Bàn tay anh thắm màu thời đại/ Đời mới vươn vai trẻ lại/ Ngày già nua sụp dưới ánh trời mai/ Anh thanh niên xung phong ơi!/ Đời có gì vui hơn lao động/ Mỗi phút giây làm nên bao ý sống/ Tang tình tiếng hát tương lai…

Thấm thoát đã hơn 40 năm trôi qua. Tôi về thăm lại dấu xưa trên những lối mòn đất đỏ giờ đã là đường nhựa thênh thang băng qua từng thị trấn, thị xã, từng khu phố bán sơn địa vươn tầm hiện đại. Không biết cô C trưởng TNXP ngày ấy bây giờ ở đâu. Nghe nói khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, cô cùng đồng đội đã xung phong đi phục vụ hỏa tuyến. Dứt chiến tranh, cô trở về với giảng đường đại học để trở thành cô giáo dạy học như ước mơ đầu đời mà cô từng ấp ủ. Mong cô hạnh phúc và toại nguyện lắm thay!

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết