Tiếng Việt | English

04/10/2022 - 11:10

Thạnh Hóa ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một trong những Chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. Thời gian qua, việc triển khai, thực hiện chương trình này được sự đồng tình hưởng ứng cao của người dân và mang lại những kết quả tích cực.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất góp phần giảm chi phí, tăng năng suất cũng như nâng cao thu nhập cho người dân

Giảm chi phí, tăng thu nhập

Việc xác định địa bàn để từng bước xây dựng, phát triển các vùng sản xuất ƯDCNC được huyện quan tâm nhằm bảo đảm chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Xã Tân Tây, Thủy Đông và Thạnh An là 3 xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển sản xuất ƯDCNC của tỉnh. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng mô hình ƯDCNC tại các xã còn lại trên địa bàn.

Tại các vùng quy hoạch phát triển sản xuất ƯDCNC, huyện quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như nạo vét kênh, mương thủy lợi, nội đồng, làm đê bao kết hợp đường giao thông, xây dựng trạm bơm điện. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất.

Ông Châu Thành Rạng (ấp 3, xã Tân Đông), có đất sản xuất nằm trong Hợp tác xã (HTX) ấp 1, xã Tân Tây, cho biết: “Cánh đồng sản xuất lúa ƯDCNC nơi đây có hệ thống đê bao, trạm bơm điện được Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, giúp người dân chủ động trong sản xuất. Hệ thống đường giao thông bảo đảm tốt cho việc đi lại và giao thương, vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp của người dân”.

Bên cạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến để nông dân thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất. Điển hình như tại HTX Nông nghiệp ấp Nước Trong (xã Thủy Đông) có 26ha đất trong vùng sản xuất lúa ƯDCNC. Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, từ nguồn vốn hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất của tỉnh, HTX đầu tư mua 1 máy cấy lúa, hệ thống gieo mạ khay và khay mạ, với tổng trị giá 430 triệu đồng.

HTX Nông nghiệp ấp 1, xã Thủy Tây cũng là HTX sản xuất lúa ƯDCNC được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí để mua 10 máy phun xịt thuốc đeo vai; 10 máy phun giống và phun phân đeo vai. Nhiều HTX khác tại các vùng sản xuất lúa ƯDCNC của huyện cũng được hỗ trợ mua máy làm đất, máy cấy lúa, máy gặt đập liên hợp,... giúp đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân trên địa bàn huyện cũng được thực hiện bằng nhiều mô hình tại đồng ruộng. Tại một số vùng sản xuất ƯDCNC trên địa bàn đã liên kết với doanh nghiệp để vừa cung ứng vật tư đầu vào, vừa bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Ông Tạ Tấn Phú (ấp 1, xã Thủy Tây) phấn khởi nói: “Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nông dân có điều kiện mua máy móc thực hiện cơ giới hóa và áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Từ đó, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Hướng đi tất yếu

Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 25.800ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích trồng lúa trên 19.600ha, chanh gần 600ha. Đến nay, huyện xây dựng được hơn 50 mô hình sản xuất lúa ƯDCNC với tổng diện tích trên 3.160ha. Nông dân tham gia các mô hình sản xuất lúa ƯDCNC áp dụng các hình thức sạ thưa bằng máy hoặc cấy bằng máy. Ngành chuyên môn khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay cho các loại phân hóa học và hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa các khâu trong sản xuất.

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Hóa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, toàn huyện xây dựng 6.000ha vùng sản xuất ƯDCNC, trong đó gồm 5.700ha lúa tại tất cả các xã trong huyện và 300ha chanh chủ yếu tập trung ở xã Thuận Bình và Tân Hiệp.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Để chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC đạt kết quả tốt, chúng tôi tiếp tục phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là ở các vùng quy hoạch phát triển sản xuất ƯDCNC để người dân thấy được lợi ích và tham gia chương trình. Huyện tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp đánh giá hiệu quả các mô hình để làm cơ sở, tiền đề nhân rộng”.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi sản phẩm nông sản làm ra phải có sức cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường, có như vậy nông dân mới có thể trụ vững trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Để sản phẩm có chất lượng với đầu ra ổn định, nông dân cần phải thay đổi thói quen sản xuất, bỏ những tập quán sản xuất cũ, lạc hậu, áp dụng các hình thức sản xuất mới hiện đại, tiên tiến hơn.

Trong đó, sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là hướng đi tất yếu trong nền nông nghiệp hiện đại, giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập. Qua đó, góp phần đưa kinh tế huyện nhà ngày càng phát triển bền vững./.

Ngọc Mận - Ngọc Như

Chia sẻ bài viết