Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi bên lề Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ, tháng 1/2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-20/4/2018.
Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Myanmar có nhiều tiến triển tích cực, gia tăng tin cậy và hợp tác chặt chẽ hơn. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Myanmar vào tháng 8/2017, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác toàn diện.”
Việt Nam và Myanmar chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28/5/1975. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Myanmar đã có từ rất sớm. Vào năm 1947, khi còn phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam đã đặt cơ quan thông tin tại Yangon, sau đó được nâng cấp lên thành Cơ quan đại diện Chính phủ vào năm 1948. Năm 1954, Thủ tướng U Nu sang thăm Việt Nam. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Myanmar. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở Myanmar luôn tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Sau khi Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai nước đã nâng quan hệ Tổng Lãnh sự lên quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ (28/5/1975). Hai nước đã thành lập Hội Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Myanmar và Hội Nghị sỹ hữu nghị Myanmar-Việt Nam (tháng 6/2013). Việt Nam thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar (tháng 8/2014). Năm 2015, hai bên đã có nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2015); tổ chức Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Myanmar (từ ngày 28-29/5/2015 tại Myanmar).
Trong những năm qua, Việt Nam-Myanmar đã tích cực không ngừng củng cố, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Về chính trị, ngoại giao, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, nhiều cơ chế hợp tác được thành lập, đi vào nền nếp. Gần đây, tháng 10/2016, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar tháng 8/2017...
Việt Nam-Myanmar thường xuyên phối hợp, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, tiểu vùng như: Liên hợp quốc, ASEAN, hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS)...
Hợp tác tất cả các lĩnh vực, cùng có lợi
Quan hệ giữa Việt Nam-Myanmar có nền tảng hữu nghị truyền thống vững chắc, đã và đang được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy phát triển ngày càng đi vào chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trên tinh thần hữu nghị, cùng có lợi, đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước.
Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư đã được hai bên tiếp tục duy trì 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên gồm: Nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, tài chính-ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, sản xuất, lắp rắp ôtô, xây dựng và đầu tư-thương mại. Kim ngạch thương mại song phương đạt 434,7 triệu USD năm 2015 và 548,3 triệu USD năm 2016, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 828,3 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2016.
Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 70 dự án và tổng vốn đăng ký đạt gần 2 tỉ USD. Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar được thành lập và hoạt động tích cực. Một số dự án có hiệu quả, tiêu biểu như: Trung tâm Phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon, lập đường bay thẳng Hà Nội-Yangon của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), hợp tác thăm dò dầu khí, Dự án xây dựng nhà máy dây chuyền sản xuất và phân phối dược phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Ánh Sao Việt, Dự án khai thác đá granite của Công ty Cổ phần Sông Đà, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, thăm dò dầu khí, cung cấp mạng viễn thông của Tập đoàn Viễn thông Quân đội...
Đến nay, Việt Nam đã có gần 170 hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức: văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (8/2017), hai bên đã ký bản Ghi nhớ về Hợp tác thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Myanmar. Hai bên duy trì thường xuyên cơ chế họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, Tiểu ban hỗn hợp về Thương mại. Hằng năm, hai bên tổ chức các hội chợ thương mại tại mỗi nước để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Bên cạnh đó, quan hệ an ninh-quốc phòng ngày càng gắn bó, thời gian tới, hai bên thống nhất tiếp tục tăng cường quan hệ toàn diện, đưa hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực. Trên cơ sở thỏa thuận về hợp tác quốc phòng ký năm 2011, quân đội hai nước triển khai nhiều nội dung hợp tác như: trao đổi đoàn các cấp, giao lưu sỹ quan trẻ, đào tạo ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Myanmar; thúc đẩy quản lý biên giới, di cư bất hợp pháp, chống buôn lậu… Cùng với đó, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Myanmar trong các lĩnh vực khác như: năng lượng-dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, viễn thông, nông nghiệp, tài chính-ngân hàng tiếp tục được thúc đẩy.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi lần này nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, du lịch, chế biến thủy hải sản, hợp tác quốc phòng-an ninh, hợp tác tài chính, viễn thông…, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-Myanmar./.
Theo TTXVN