Tiếng Việt | English

19/11/2020 - 09:11

Thầy, cô trong tôi là...

Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, từng ngày giọt mồ hôi rơi nhòe trang sách, để em đến bến bờ ước mơ… - những giai điệu của ca khúc Người thầy như nhắc nhớ mỗi đứa học trò về công ơn thầy, cô, những người đã dìu dắt chúng ta trên bước đường đi tìm tri thức. Và dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi, tóc xanh bây giờ đã phai, thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy, dõi theo bước em trong cuộc đời...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người thầy đầu tiên

Chị Ánh Minh (giảng viên Trường Đại học Văn Hiến, TP.HCM) ấn tượng nhất với cô giáo mẫu giáo. Ngày đó, 3 tuổi, lần đầu tiên chị được đến lớp, làm quen với bạn, với cô. Cô giáo trong mắt chị lúc đó thật hiền và dịu dàng. Cô dạy chị và các bạn hát, múa.

Những năm 80, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trường mẫu giáo chỉ là lớp học tạm, lợp lá, cất trên mảnh đất trống và học sinh chỉ đến trường vào buổi sáng, đến trưa, cha mẹ lại rước về. Lớp mẫu giáo chừng chục đứa trẻ 3, 4, 5 tuổi. Sáng nào mấy đứa trẻ cũng gọi nhau í ới đi học. Nhưng rồi do bận việc đồng áng, cha mẹ của những đứa trẻ không có thời gian đưa, đón con. Thế là lớp học vắng dần, vắng dần... Thương mấy đứa trẻ ham học, cô lại đạp xe đến từng nhà vận động. Có bạn nhà xa, mỗi sáng, cô đến đón rồi trưa lại đưa về tận nhà. Dần dần, cha mẹ không cần đưa trẻ đến lớp bởi mỗi sáng, cô sẽ đến từng nhà, đón từng bạn rồi cùng nhau đẩy xe, đi bộ đến lớp.

Những đứa trò nhỏ lần lượt vào cấp 1, cô chuẩn bị quần áo, tập sách cho từng đứa. Rồi thỉnh thoảng, cô đến nhà từng bạn hỏi thăm tình hình học tập. 40 năm trôi qua, vậy mà đến giờ, cô vẫn còn nhớ tên từng đứa học trò của lớp mẫu giáo năm ấy. Mỗi lần có dịp đến thăm, cô lại ân cần hỏi han từng đứa một, rồi mừng thầm khi hay đứa này thành đạt, đứa kia có cuộc sống ổn định.

Chị Minh kể về người thầy đầu tiên với tất cả niềm tự hào và tình yêu thương. Chị nói: “Chính cô là người truyền cảm hứng để những đứa trò nhỏ vùng quê ngày đó phấn đấu vươn lên”. Với chị, có trăm ngàn lời cảm ơn cũng không đền đáp được công ơn dạy bảo của cô.

Thầy giáo vùng sâu

Rời thành thị, xa gia đình để đến nơi còn nhiều khó khăn “gieo chữ”, thầy đã “mở” ra cho chúng tôi những chân trời mới và tiếp thêm niềm tin để mỗi đứa học trò phấn đấu chinh phục ước mơ - Mỹ Châu kể về người thầy của mình như thế.

Gần 20 năm trước, vùng quê Mộc Hóa còn nhiều khó khăn, có những xã vùng sâu phải đi xuồng cả buổi mới vào đến điểm trường. Đã có nhiều thầy, cô đến rồi đi bởi không chịu được những khó khăn và nỗi nhớ nhà.

Ngày thầy về nhận nhiệm sở, bà con trong vùng lại bảo nhau, sớm muộn gì thầy cũng đi. Con trai thành thị làm sao bám trụ được với mảnh đất “muỗi kêu như sáo thổi” này. Và thầy đi thật, sau mấy tháng gắn bó với trường, có lẽ không quen với cuộc sống “thiếu thốn trăm bề”, thầy bỏ về quê.

Nhớ thầy, đám học trò cứ liên tục viết thư và chính những cánh thư đó đã mang thầy trở lại. Nhắc đến thầy, đám học trò nhớ đến người thầy có gương mặt thật hiền. Thầy hay kể cho chúng nghe về cuộc sống thành thị, về những ước mơ và khuyên đám trò nhỏ cố gắng học để thực hiện ước mơ. Mỗi lần về quê, thầy lại mang lên nhiều truyện tranh, nào là Cổ tích Việt Nam, Cô Tiên Xanh, Conan, Doremon, Nữ hoàng Ai Cập,... những quyển truyện mà những đứa học trò vùng quê chưa thấy bao giờ.

Thế là học trò lại tíu tít vây quanh thầy. Thương nhất là đầu năm học mới hay sau mỗi mùa lũ, thầy lại xin tập, sách, quần áo cũ,... mang lên cho học trò. Với học trò vùng sâu lúc đó, thầy như “mở” ra cánh cửa với biết bao điều thú vị và chính những gì thầy mang đến đã thôi thúc những đứa học trò vùng quê cố gắng học tập.

Mỗi người thầy, người cô viết nên một câu chuyện cảm động về tình thầy - trò. Những người “đưa đò” ấy thầm lặng đưa lớp lớp học sinh đến những chân trời khác nhau. Và điều thầy, cô mong chờ nhất là sự thành công của mỗi đứa học trò./.

Cẩm Thúy

Chia sẻ bài viết