Tiếng Việt | English

15/04/2021 - 10:07

Thầy tôi

Hay tin thầy mất, tôi đội cái nắng gay gắt vượt hơn 100km về thắp cho thầy nén nhang. Lần cuối gặp thầy lúc Tết Nguyên đán khi đám học trò cũ về thăm thầy. Lúc đó, sức khỏe thầy đã yếu lắm rồi. Vậy mà khi chúng tôi đến, thầy nhớ rõ tên từng đứa, hỏi thăm gia đình lúc này ra sao, công việc thế nào.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Ở độ tuổi 77 lại thêm bệnh tật nhưng trí nhớ thầy vẫn tốt lắm. Thầy nhắc chuyện ngày trước, nhắc cái lớp học tạm bợ được dựng trên gò đất cao và đám trẻ vùng quê lem luốc vẫn ngày ngày cắp sách đến trường. Chiếc cặp được làm từ mo cau đựng vài ba quyển tập. Những hôm giặc Mỹ ruồng, thầy dẫn đám học trò xuống hầm tránh đạn. Khó khăn, cực khổ vậy mà không đứa nào vắng học, tối về còn thắp cây đèn dầu học bài. Chúng tôi thương thầy lắm. Thầy như ông bụt hiện ra giữa lúc chúng tôi gặp khó khăn, lúc thì tặng đứa này cây viết, tặng đứa kia lọ mực hay quyển tập.

Nhà thầy ở Sài Gòn, đến vùng cù lao Long Hậu này dạy cho những đứa trẻ vùng quê biết mặt con chữ, dạy điều hay lẽ phải. Nhớ có lần thầy từ giã chúng tôi để về Sài Gòn, thầy bảo cha mẹ già yếu cần người phụng dưỡng nên phải về. Đám trẻ vùng quê khóc hết nước mắt, chúng không cho thầy đi, sợ thầy sẽ quên chúng, không còn ai dạy chúng đọc, viết. Những ngày sau đó là chuỗi ngày thật buồn với chúng tôi. Một thời gian sau, có cô giáo trẻ về đảm nhận dạy lớp nhưng chúng tôi vẫn không vơi nỗi nhớ thầy giáo cũ và thường kể cho cô nghe về những kỷ niệm với thầy. Hai năm sau, thầy bất ngờ quay lại trường cũ, tiếp tục gắn bó với đám học trò vùng quê.

Chúng tôi lớn lên trong sự dạy bảo và tình thương yêu của thầy. Ngày đất nước thống nhất, đám học trò cũ có đứa lên huyện tiếp tục việc học, có đứa xếp lại bút nghiên gắn bó với mảnh ruộng, miếng vườn. Và thầy vẫn ở đó, chọn mảnh đất cù lao làm quê hương thứ hai, truyền thụ kiến thức cho hết lớp học trò này đến lớp học trò khác.

Ngày tôi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, thầy mừng lắm. Hai thầy trò ngồi bên nhau thật lâu chia sẻ về bao dự định. Tôi nhớ mãi câu nói của thầy: “Nghề giáo thật vinh quang nhưng cũng lắm khó khăn, phải thật sự có tình yêu nghề con mới có thể đi với nó đến cuối cuộc đời”.

Ra trường, tôi về nhận nhiệm sở tại xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng. Lúc đó đường đi trắc trở, điều kiện còn thiếu thốn, với đồng lương “ba cọc ba đồng” của một giáo viên mới ra trường, nhiều lúc tôi muốn từ bỏ. Nhiều đồng nghiệp của tôi lúc đó không chịu được khó khăn đã bỏ nghề, về quê tìm kế sinh nhai. Mỗi lần có ý định từ bỏ, tôi lại nhớ những lời dạy của thầy, nhớ ánh mắt hiền từ và nhớ lần thầy quay lại sau 2 năm trở về Sài Gòn. Thầy bảo, khi đó thầy phải về để báo hiếu cha mẹ và khi song thân “trăm tuổi già”, thầy quay lại với vùng cù lao bởi còn yêu nghề và thương đám học trò vùng quê. Chính những câu chuyện, lời dạy của thầy đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để bám trụ với vùng đất còn gặp nhiều khó khăn.

Thầy chính là người truyền cảm hứng cho tôi đến với nghề giáo và cũng chính thầy động viên mỗi lúc tôi gặp khó khăn. Thắp cho thầy nén nhang, lầm lũi theo chuyến xe đưa thầy về nơi an nghỉ, tôi tin rằng ở một nơi xa lắm, thầy đang mỉm cười vì cả đời thầy đã sống trọn vẹn với tình yêu nghề, thương những đứa học trò nhỏ. Lời thầy dạy vẫn văng vẳng bên tai: “Phải thật sự có tình yêu nghề con mới có thể đi với nó đến cuối cuộc đời”. Con tin là con sẽ gắn bó với nghề đến hết quãng đời còn lại, thầy ơi!./.

Quốc Tuấn

Chia sẻ bài viết