Đặt bẫy chuột theo đường mòn
Chiều buông, chiếc ghe nhỏ có mái che rẽ nước, vòng qua mấy bụi lục bình, sau đó tấp vào một doi đất cặp bờ sông thuộc xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Đứng trước mũi ghe chất đầy hơn 400 chiếc bẫy chuột, anh Phạm Văn Phúc (39 tuổi, quê Đồng Tháp) đảo mắt xung quanh, nói chắc mẻm: “Chỗ này coi bộ ngon à!”, rồi quyết định cắm sào.
Lát sau, khi anh ngồi sửa mấy chiếc bẫy hư, phía sau ghe, vợ anh đang lui cui nấu bữa cơm chiều. Cơm nước xong, anh bỏ bẫy chuột cùng những cây bẹo dài chừng 1m, đầu có gắn miếng nylon vào hai chiếc bao tải lớn, rồi đi dọc hai bên bờ sông đặt bẫy. “Bẫy nhỏ, lại đặt trong bụi cây, cỏ nên phải có bẹo đánh dấu, không sẽ bị sót” - anh lý giải.
Anh Phạm Văn Phúc tươi cười bên “chiến lợi phẩm” thu được
Hơn 10 năm kinh nghiệm đặt chuột theo đường mòn, chỉ cần nhìn sơ qua là anh biết chỗ nào bẫy chạy. Cái hay của loại bẫy này là người thợ không cần dùng bất cứ loại mồi nhử nào, chỉ nhìn theo dấu chuột đi hoặc dấu cỏ, cây bị cắn phá mà đặt đón đầu. Bình thường, mỗi chiếc bẫy đặt cách nhau khoảng 10m, đặt đến đâu, anh cẩn thận cặm bẹo đến đó. Do thường xuyên lội vào lùm cây, có nhiều gai nhọn, người thợ săn phải mang một đôi vớ đặc biệt được may bằng vải dày để bảo vệ chân.
22 giờ, chúng tôi trở lại doi đất nơi ghe anh cắm sào, lúc này có thêm 3, 4 chiếc ghe khác neo xung quanh. Anh vai mang lồng sắt lớn, đầu đội đèn pin sẵn sàng cho chuyến thăm bẫy. Vừa qua mùa lũ, thức ăn còn nhiều nên chuột sinh sôi nhanh. Cả 100 chiếc bẫy
đầu tiên gần như cái nào cũng có chuột dính, con nào cũng béo ú. Anh đổ chuột vào chiếc lồng sắt. Chiếc bẫy tiếp tục được để lại chỗ cũ vì có thể dính thêm 3, 4 lần nữa. Chỉ kịp nghỉ ngơi vài tiếng, đến 4 giờ khuya hôm sau, chúng tôi tiếp tục theo chân anh thăm bẫy lần 2, lần này cũng dính khá nhiều chuột như lần đầu. Chỗ nào không dính chuột, bẫy sẽ được dọn đi tìm chỗ khác tốt hơn.
6 giờ sáng, tiết trời cuối năm lành lạnh nhưng vì phải mang những chiếc lồng dính chuột nặng trĩu vai, mồ hôi nhễ nhại trên lưng và mặt người thợ săn. Chuột sau khi đưa về ghe, được phân loại theo kích cỡ, chuột đồng với chuột cống nhum, sau đó chở đến khu chợ “chồm hổm” - điểm tập kết đặc sản đồng quê, nơi các thương lái thu gom hàng để đưa về chợ đầu mối. Giữa trưa, sau khi bán chuột, anh cùng 3 chiếc ghe bạn tấp vào một bờ tràm ven sông. Họ nhóm bếp, nướng vội ít khô chuột ướp sả, ớt phơi ngay trên mui ghe, cùng nhau nhấp ly rượu, bàn tính mấy ngày tới sẽ đi đâu. Đây là nghề cho thu nhập khá, mỗi ngày khoảng 400.000-700.000 đồng, vợ chồng anh nói đôi lúc họ cũng thấy chạnh lòng.
“Đời SBC như dân du mục, cả năm gần như chỉ quanh quẩn dưới ghe, tuần chỗ này, tuần chỗ khác, không cố định” - anh trầm ngâm. Cũng bởi kiếp sống thương hồ, 10 năm nay, vợ chồng anh gửi hai con nhỏ cho ông bà ở Đồng Tháp chăm sóc. Anh chia sẻ, vợ chồng ráng theo nghề thêm chừng 10 năm nữa, khi có đủ vốn sẽ giải nghệ về quê, mở tiệm buôn bán nhỏ cho tiện nuôi con nên người.
Bẫy chuột trên ngọn dừa
Thoáng nghe tiếng xe máy dừng từ đầu ngõ, chủ vườn dừa ở Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) mừng rỡ kêu: “Chú Bảy tới rồi hả, mấy bữa nay chuột phá quá, đang chờ chú đây”. Ông Bảy Xuân (Lý Quang Xuân, 66 tuổi) mỉm cười chào chủ vườn, tay xách mấy chiếc lồng sắt cùng cây sào dài đi thẳng ra sau vườn. Hơn 7 năm sống bằng nghề đặt chuột dừa, từ Tân Hòa Thành đến Mỹ Phú (Thủ Thừa, Long An), nhắc tên ông Bảy Xuân là nhiều người biết.
Theo ông, trước đây, nhà trồng vài chục gốc dừa để dành dưỡng già, nhưng mấy mùa liên tục bị chuột cắn phá, ông ra chợ mua bẫy về cắt cơm dừa bỏ vô đặt bắt. Đặt ròng rã một tháng trời, vườn dừa nhà ông “sạch bóng” chuột. Hàng xóm thấy ông đặt chuột “mát tay” nên cũng sang nhờ đặt giùm. Lâu dần, ông mua thêm bẫy, đi xa hơn đến 30-40km sang các vườn dừa ở địa phương lân cận, riết rồi thành cái nghề từ lúc nào không hay.
Món chuột khìa nước dừa
“Bí quyết” của ông là chọn cây dừa cao từ 5-7m trở lại, thân, bẹ có dấu chuột đi nhẵn, phía dưới có trái dừa non rụng, thủng lỗ do bị chuột gặm, rồi dùng sào đặt bẫy lên bẹ dừa. Chuột theo thói quen khi nghe mùi cơm dừa khoái khẩu sẽ vào ăn và sập bẫy. Các cây dừa có bẫy sẽ được ông dùng phấn trắng đánh dấu dưới gốc để dễ tìm vào hôm sau.
Mỗi ngày, hành trình của “lão thợ săn” chuột đều đặn như kim đồng hồ, 11 giờ trưa đi đặt bẫy với gần 150 chiếc, đặt xong cũng phải đến 3-4 giờ chiều. Đến 5 giờ sáng hôm sau, ông lại chạy xe máy thu bẫy, đem về nhà, chờ thương lái đến cân mua.
“Bình quân ít nhất cũng được khoảng 7-10kg/ngày. Chuột dừa sạch, béo tốt hơn chuột ruộng nên bán có giá, gần 100.000 đồng/kg. Vì vậy, dù là nghề thú vui tuổi già nhưng ngày nào, tôi cũng kiếm từ 700 ngàn - 1 triệu đồng” - lão thợ săn nói.
Sáng hôm sau, chúng tôi theo chân “lão thợ săn” đi thu bẫy. Dù tuổi cao nhưng do vận động chân tay đều đặn mỗi ngày, mỗi bận gặp con mương nhỏ, ông chỉ cần một cú nhảy là sang bờ bên kia. Bình quân, cứ 10 chiếc bẫy, ông dùng sào khều xuống là có 6-7 chiếc dính chuột. Chuột dừa mồi ăn có quanh năm nên con nào cũng mập ú, có con to quá khổ, đuôi thò ra khỏi lồng. Ông Bảy xếp những chiếc bẫy dính chuột ra riêng một giỏ, cây dừa nào đoán còn chuột, ông sẽ thay thế bằng những chiếc bẫy không còn nguyên mồi thu trước đó.
“Có bữa không để ý, tôi đặt trúng tổ ong vò vẽ, mặt bị “đánh” sưng vù, về vợ với tụi nhỏ cười cho một trận. Tưởng giải nghệ luôn, ai dè mấy bữa ngồi không buồn quá nên đi đặt tiếp” - ông Bảy hài hước kể lại sự cố nhớ đời trong nghề đặt chuột.
Giữa trưa, mấy con chó chạy ra mừng khi nghe tiếng xe ông Bảy về từ đầu ngõ. Bà Bảy phụ ông nhanh tay tháo hai giỏ đựng đầy lồng chuột để ở chái nhà. Trong khi đợi thương lái đến cân chuột, ông kêu bà lựa mấy con chuột mập nhất ra cầu ao lột da, làm sạch. Còn ông lấy cây móc giựt mấy trái dừa cặp bờ ao xuống, chặt lấy nước. Chuột sau khi làm sạch được ướp gia vị, rim sơ qua dầu. Bà Bảy cầm ca nước dừa đổ vô chảo chuột ngập đến xâm xấp, rồi vặn lửa liu riu.
Khoảng nửa tiếng sau, xem chừng chảo cạn nước, thịt chuột vừa tươm mỡ vàng ươm, mùi thịt hòa với mùi nước dừa thơm “nức mũi”, bà Bảy ra vườn hái mớ lá cách, đọt xoài non, rau nhái lót lên chiếc dĩa sứ hột xoài, rồi bày món chuột khìa nước dừa dân dã đãi khách, một trong những món ngon nức tiếng lâu đời của dân Đồng Tháp Mười./.
Song Nhi