Tiếng Việt | English

24/11/2022 - 09:46

Thiên thạch 4,6 tỷ năm tuổi có thể hé lộ nguồn gốc nước trên Trái Đất

Một thiên thạch rơi xuống con đường nhỏ dẫn vào một ngôi nhà của một gia đình ở thị trấn Winchcombe. Điều đặc biệt, nó chứa nước có thành phần gần giống với thành phần hóa học của nước trên Trái Đất.


Thiên thạch đặc biệt được tìm thấy ở Winchcombe. (Nguồn: Livescience)

Một thiên thạch cổ đại rơi xuống cạnh một ngôi nhà ở Anh có thể sẽ giúp giải đáp bí ẩn về nguồn gốc của nước trên Trái Đất.

Một thiên thạch khoảng 4,6 tỷ năm tuổi, đã rơi xuống con đường nhỏ dẫn vào một ngôi nhà của một gia đình ở thị trấn Winchcombe, Anh quốc, vào tháng 2/2021.

Sự đặc biệt của thiên thạch này nằm ở chỗ nó chứa nước có thành phần gần giống với thành phần hóa học của nước trên Trái Đất.

Thiên thạch này chính là câu trả lời khả dĩ cho thắc mắc tồn tại lâu nay, rằng nước đã xuất hiện trên hành tinh của chúng ta như thế nào?

Theo các nhà khoa học, khi các hành tinh lõi đá nằm ở khu vực gần tâm Thái dương hệ mới xuất hiện từ các đám mây khí và bụi nóng khổng lồ, chúng có nhiệt độ quá cao và ở quá gần Mặt Trời để hình thành các đại dương.

Trên thực tế, khi đi qua một điểm nhất định được gọi là lằn ranh băng giá, không tảng băng nào có thể thoát khỏi sự bốc hơi.

Lằn ranh băng giá là một khoảng cách cụ thể trong các hệ hành tinh đang hình thành, tính từ tâm của tiền sao tới một vị trí nằm cách đó đủ xa để nhiệt độ hạ xuống mức rất lạnh mà các chất như nước, ammonia, methane, CO2 và CO sẽ biến thành tinh thể băng.

Về cơ bản, Trái Đất của chúng ta trong giai đoạn sơ khai một vùng đất cằn cỗi, nóng bỏng, không thể có nước và dĩ nhiên không hỗ trợ sự sống.

Tuy nhiên điều này đã thay đổi sau khi Trái Đất nguội đi và khi một loạt các tiểu hành tinh băng giá trong Thái dương hệ mang theo nước đóng băng đâm xuống hành tinh của chúng ta. Băng trong các tiểu hành tinh này tan ra sau các cú va chạm và nước lỏng hình thành từ đó.

Để chứng minh cho giả thuyết này, các nhà khoa học đã thực hiện một phân tích kỹ hơn về thiên thạch đã rơi xuống Winchcombe, với kết quả được công bố vào ngày 16/11 vừa qua trên tạp chí Science Advances.

"Một trong những câu hỏi lớn nhất của cộng đồng khoa học là làm thế nào chúng ta đi đến được đây?" đồng tác giả nghiên cứu Luke Daly, giảng viên môn khoa học địa chất hành tinh tại Đại học Glasgow, Anh, cho biết.

Phân tích về thiên thạch Winchcombe đã mang đến cái nhìn sâu sắc về cách thức Trái Đất có nước lỏng - nguồn gốc của rất nhiều sự sống.

Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu mẫu vật này trong nhiều năm tới, qua đó mở ra nhiều bí mật hơn về nguồn gốc của Thái dương hệ.

Thiên thạch ở Winchcombe, với thành phần giàu một loại carbon hiếm mang tên chondrite, đã được tìm thấy chỉ vài giờ sau khi nó lao xuống Trái Đất.

Do được thu thập nhanh nên về cơ bản thiên thạch này không bị ô nhiễm bởi các thành phần đất đá có trên Trái Đất, khiến nó trở thành "một trong những thiên thạch nguyên sơ nhất để phân tích."

Theo Ashley King, tác giả chính của nghiên cứu và là một nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, thiên thạch mang đến "một góc nhìn đầy mê hoặc về thành phần ban đầu của Thái dương hệ."

Để phân tích các khoáng chất và nguyên tố nằm bên trong thiên thạch, các nhà nghiên cứu đã đánh bóng, nung nóng rồi bắn phá nó bằng tia X và tia laze.

Kết quả cho thấy nó đến từ một tiểu hành tinh đang bay trên quỹ đạo quanh Sao Mộc và 11% khối lượng của nó là nước.

Hydro nằm trong nước của thiên thạch này có hai dạng, gồm hydro bình thường và đồng vị hydro mang tên deuterium, hay còn được gọi là "nước nặng."

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng tỷ lệ hydro so với deuterium khớp với tỷ lệ tìm thấy trong nước trên Trái Đất.

Đây là một dấu vết mạnh mẽ cho thấy nước của thiên thạch và nước trên hành tinh của chúng ta có chung một điểm xuất phát.

Các axit amin, thành phần cấu tạo nên protein và sự sống, cũng được tìm thấy bên trong thiên thạch kể trên.

Để mở rộng nghiên cứu, các nhà khoa học có thể phân tích thành phần của các thiên thạch khác vẫn đang bay quanh Thái dương hệ, chẳng hạn tiểu hành tinh Ryugu, cũng được cho là chứa thành phần cấu tạo nên sự sống.

Một cuộc khảo sát toàn diện về các loại thiên thạch nằm trong Thái dương hệ có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về những dạng thiên thạch nào đã giúp gieo mầm sự sống cho Trái Đất sơ khai và chúng đến từ đâu./.

(Vietnam+)

Chia sẻ bài viết