Tiếng Việt | English

09/06/2021 - 09:54

Thiếu nguồn vốn sửa chữa, duy tu hạ tầng giao thông

Để phát huy hiệu quả lâu dài và đồng bộ giữa các tuyến đường giao thông thì cần duy tu, sửa chữa kịp thời những hư hỏng. Tuy nhiên, việc này còn gặp khó khăn bởi nhu cầu sửa chữa lớn, trong khi nguồn vốn còn ít.

Sửa chữa các tuyến đường giao thông để sử dụng lâu dài

Sửa chữa các tuyến đường giao thông để sử dụng lâu dài

Hạ tầng giao thông phải “đi trước một bước”

Từ các nguồn vốn, nhiều dự án hạ tầng giao thông được triển khai đầu tư, góp phần quan trọng phát triển KT-XH của tỉnh Long An. Nhưng để đáp ứng sự phát triển của địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí giáp TP.HCM, cửa ngõ miền Tây Nam bộ thì cần đầu tư nhiều hơn nữa. Hạ tầng giao thông phải “đi trước một bước”, đồng bộ và hiện đại để làm động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển ở các lĩnh vực.

Thời gian tới, ngoài việc tập trung đầu tư để hoàn thành các dự án giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã thông qua danh mục các dự án, công trình giao thông đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025. Trong đó, có các dự án lớn mang tính kết nối liên vùng và phục vụ phát triển KT-XH: 3 cầu trên Đường tỉnh (ĐT) 827E (cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Tây; sông Vàm Cỏ Đông), ĐT836B, ĐT837B, cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (thuộc dự án Đường Vành đai), nâng cấp, mở rộng ĐT824 (đoạn thị trấn Đức Hoà đến kênh Ranh), mở rộng ĐT825 (đoạn thị trấn Hậu Nghĩa đến Lộc Giang),…

Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục xác định hạ tầng giao thông là động lực cho sự phát tiển KT-XH tỉnh. Từ đó, đã đề ra 3 công trình giao thông trọng điểm là hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An; ĐT830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830); ĐT827E (đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông); 3 chương trình đột phá, trong đó có Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Tình trang ngập nước vẫn xảy ra sau mưa,kể cả các tuyến đường trong đô thị TP.Tân An

Tình trang ngập nước vẫn xảy ra sau mưa,kể cả các tuyến đường trong đô thị TP.Tân An

Nguồn vốn sửa chữa còn hạn hẹp

Tỉnh nằm ở vị trí cửa ngõ miền Tây Nam bộ, giáp TP.HCM, có nhiều khu, cụm công nghiệp hoạt động nên những năm gần đây phương tiện lưu thông tăng đột biến, nhất là xe trọng tải lớn. Theo đó, áp lực với hạ tầng giao thông rất lớn và làm cho công trình bị bào mòn, xuống cấp nhanh. Mặt khác, với đặc điểm nền đất yếu, hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, thậm chí có nhiều nơi chưa có nên mặt đường thường bị ngập, ứ đọng nước dẫn đến dễ hư hỏng.

Ông Nguyễn Văn Tiến, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, cho rằng: “Có những tuyến đường qua quá trình đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nhiều, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa, lưu thông, tiềm ẩn gia tăng tai nạn giao thông”.

Theo ông Lê Văn Hoàng, ngụ xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, không chỉ các tuyến đường do tỉnh quản lý, những năm gần đây, Quốc lộ 62, N2 cũng trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nhưng việc sửa chữa còn rời rạc. Mặt khác, so với nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, những tuyến đường này đã quá lỗi thời vì nhỏ, hẹp.

Cùng với đầu tư mới, mở rộng thì cần thực hiện đồng bộ công tác duy tu, sửa chữa, cải tạo những tuyến đường hiện hữu để phát huy tốt công năng và sử dụng lâu dài, tạo sự kết nối xuyên suốt, thuận lợi. Tuy nhiên, qua đánh giá của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) để cùng lúc duy trì được trạng thái khai thác bình thường của nhiều công trình đường giao thông hiện hữu, đòi hỏi nguồn kinh phí tương đối lớn để duy tu, cải tạo, sửa chữa. Còn hiện tại, nguồn vốn sự nghiệp giao thông bố trí cho công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh còn hạn hẹp, khoảng 80 tỉ đồng/năm; sau khi trừ tiết kiệm 10%, còn 72 tỉ đồng/năm.

Cũng do chưa có nguồn kinh phí nên nhiều tuyến đường nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nhưng vẫn phải chờ sửa chữa, duy tu. “Hiện  nay, có những tuyến đường đã được đưa vào khai thác, sử dụng 10 đến 13 năm nhưng do chưa có kinh phí nên chưa được thực hiện cải tạo, sửa chữa lớn” - Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Thành Ngoãn thông tin.

Theo ông Nguyễn Thành Ngoãn, thời gian tới, Sở GTVT và các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường phối hợp kiểm tra trên các tuyến đường giao thông. Qua đó, đánh giá kỹ mức độ hư hỏng, xuống cấp, sự bức thiết để thực hiện duy tu, sửa chữa nhằm phát huy hiệu quả cao của nguồn vốn được bố trí. Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang giao thông, bất cập về hạ tầng giao thông, biển báo, điểm đen tai nạn giao thông. Qua đó, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; nâng cao chất lượng công tác bảo trì, sữa chữa.

Mặt khác, để đầu tư mới và sửa chữa hạ tầng giao thông thì ngoài nguồn lực từ ngân sách nhà nước, ngành Giao thông tiếp tục tham mưu huy động sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức KT-XH, người dân, trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần quan tâm, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ các tuyến đường giao thông để sử dụng lâu dài. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý nghiêm xe quá tải, lấn chiếm đường, xả rác gây tắc nghẽn dòng chảy của cống thoát nước./.

Hiện nay, UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải quản lý 63 tuyến đường, tổng chiều dài gần 1.000km; trong đó, đường bêtông nhựa hơn 112km, đường láng nhựa gần 650km, đường cấp phối gần 200km. Ngoài ra, Sở còn quản lý 335 cây cầu; trong đó, có 294 cầu bêtông dự ứng lực và vẫn còn 13 cầu thép mặt thép, 27 cầu thép mặt gỗ và 1 cầu treo.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết