Sáng 9/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Lãnh đạo chủ chốt Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2015, trọng tâm phối hợp công tác trong năm 2016. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam.
Toàn cảnh buổi làm việcTheo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, năm qua Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015; phối hợp xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan đến người lao động và xử lý các vấn đề phát sinh; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...
Thông qua phong trào thi đua đã có gần 265.400 sáng kiến được công nhận, giá trị làm lợi trên 5.500 tỷ đồng.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trọng tâm phối hợp công tác trong năm 2016, là xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, lao động. Đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức lao động.
Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn tham gia quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tập trung phối hợp giải quyết việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm và các chế độ chính sách đối với lao động ở các doanh nghiệp tái cơ cấu; phối hợp trong việc trao đổi thông tin, tiếp nhận và giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động.
Tuy nhiên, người lao động vẫn tâm tư về mức lương tối thiểu vùng chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn và chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hầu.
Điều kiện nhà ở, nhà trẻ - mẫu giáo tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn thiếu.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị sửa đổi bổ sung các văn bản luật, trong đó có xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu, xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu của người lao động.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo buổi làm việc.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin để Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện ra toà đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nợ đọng bảo hiểm xã hội đến nay là 12.000 tỷ đồng, trong đó số nợ phải khởi kiện là khoảng 6.000 tỷ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị có quy định ưu tiên cho lao động tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước được mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá, cơ chế hợp tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thời gian qua đạt những hiệu quả tích cực, qua đó có nhiều sáng kiến, xử lý các vấn đề góp phần thúc đẩy giai cấp công nhân phát triển. T
hủ tướng cũng cho rằng cần có biện pháp nâng cao trình độ nghề nghiệp cho công nhân, nâng cao năng suất lao động, từ đó giải quyết vấn đề tiền lương.
Cần quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, nhận thức rõ những thách thức tiềm ẩn đối với công nhân trong kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập.
Cùng với đó, là tiếp tục triển khai các nội dung phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó chú ý phối hợp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế bảo vệ người lao động, động viên công nhân hăng hái thi đua trong lao động sản xuất, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ.
Các chính sách xây dựng phải đi từ thực tiễn cuộc sống để phục vụ công nhân, người dân, thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo, phục vụ.
Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới. Đối với xây dựng thể chế, Thủ tướng nêu rõ một số văn bản vừa qua ban hành chưa phù hợp với thực tiễn, công tác xây dựng một số văn bản, nhất là chế độ chính sách có liên quan đến lao động công đoàn còn chậm.
Một số thiết chế văn hóa, nhà ở, siêu thị, trường học, nhà trẻ ở nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đáp ứng được nhu cầu, khiến công nhân không được hưởng đầy đủ điều kiện vật chất tinh thần.
Vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề trong đời sống công nhân, trong đó có các vấn đề sức khỏe, tinh thần, hội nhập; tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện còn lớn chưa xử lý được. Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, hoạt động công đoàn cần phải thiết thực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải dân chủ, công khai minh bạch cơ quan hành chính, sinh hoạt đổi mới công đoàn. Công đoàn phải đổi mới, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân một cách thiết thực, chứ công đoàn trên giấy hay hành chính hóa công đoàn các cấp không có tiếng nói bảo vệ quyền lợi của công nhân. Những tồn tại này lần trước tôi có nêu rồi nhưng lần này tôi nghĩ có khi phải làm hết. Chúng ta là những người lãnh đạo thì phải nhìn nhận những bất cập, điều hành vĩ mô, kể cả quản lý xã hội, quản lý kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là hoạt động công đoàn để có sự chuyển biến mới chứ không phải chúng ta họp, nói rất nhiều nhưng phần thực hiện lại chưa chuyển biến”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
Thủ tướng cũng chỉ đạo, trong thời gian tới, cần tiếp tục phối hợp xây dựng chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức lao động. Đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức lao động.
Bên cạnh đó là phối hợp trong công tác tuyên truyền giáo dục, tổ chức các phong trào thi đua, phối hợp trong việc trao đổi thông tin, tiếp nhận và giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động.
Về một số kiến nghị cụ thể của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam liên quan đến lương tối thiểu, lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu và một số vấn đề khác, Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Riêng về đề xuất để người lao động được mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn tại công ty cổ phần nơi mình làm việc, Thủ tướng yêu cầu Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nghiên cứu đề xuất cơ chế, sao cho không trái với các quy định pháp luận hiện hành.
Về xây dựng các thiết chế phục vụ các nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất như: nhà ở, siêu thị, nhà trẻ, trung tâm hỗ trợ pháp lý… Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề trọng tâm cần thiết, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Riêng mục này có mấy vấn đề phải phân ra để phân bổ nguồn lực xử lý.
Trước hết là nhà ở cho công nhân, siêu thị đảm bảo giá cả chất lượng thực phẩm và các thiết chế văn hóa khác cho công nhân. Phải có sân bóng để thanh niên đá bóng buổi chiều, sân bóng chuyền, nhà trẻ cho con em họ….
Thủ tướng đồng ý về chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp ở 15 địa phương trọng điểm trong thông báo 142 ngày 20/6/2016.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương nghiên cứu hỗ trợ về mặt bằng, thuế, huy động các nguồn lực để xây dựng các thiết chế.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng cần sớm đề xuất Chính phủ cơ chế để huy động các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng, trước mắt là tại 50 khu công nghiệp – khu kinh tế trọng điểm./.
Vũ Dũng/VOV