Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Thủ tướng công du xuyên 3 châu lục đẩy mạnh hợp tác kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ công du xuyên qua châu Á, châu Âu và châu Phi nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, đẩy mạnh hợp tác kinh tế.

Ngày 29/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta sẽ rời Hà Nội sang tham dự Lễ ký chính thức Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu tại Cộng hòa Kazakhsta và sau đó tiến hành chuyến thăm chính thức Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria đến ngày 6/6 tới. Đây là chuyến công du xuyên qua châu Á, châu Âu và châu Phi nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác kinh tế thực chất cùng có lợi với các nước trong Liên minh Kinh tế Á – Âu nói chung và với Kazakhsta, Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria nói riêng.

Việt Nam sẽ ký FTA lịch sử với Liên minh Kinh tế Á – Âu

Điểm nổi bật trong chuyến công du nước ngoài lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ thu hút sự quan tâm của giới kinh tế trong nước mà cả cộng đồng quốc tế cũng đang dõi theo Lễ ký chính thức Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu diễn ra tại Kazakhsta. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng Thủ tướng các nước: Nga, Belarus, Kazakhsta, Kyrgyzstan và Armenia chính thức ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu.

Đây là Hiệp định mang tính lịch sử vì Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký kết với một liên minh có tổng GDP lên tới 4.500 tỷ USD và một thị trường rộng lớn lên tới 170 triệu dân. Hiệp định này xem xét các vấn đề như điều kiện tự do thuế quan trong việc trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia bằng cách giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu đối với hầu hết các mặt hàng có trong danh mục hàng hóa tham gia hiệp định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Đối với Việt Nam, hiệp định này sẽ mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, giầy dép, điện tử và đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết thêm:

“Hiệp định sắp tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ cùng ký với 5 Thủ tướng các nước Liên minh kinh tế Á-Âu thì toàn bộ mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào liên minh này thuế sẽ về 0% ngay từ năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, kể cả cá tra, basa, tôm… Một số mặt hàng nông sản khác như café đóng gói dưới 3kg, rồi chè của chúng ta cũng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Đó là những biện pháp thiết thực trong nỗ lực tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu…”

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu là hiệp định thế hệ mới, không chỉ tạo điều kiện để các bên tham gia tăng cường trao đổi, hợp tác kinh tế-thương mại mà còn cho phép các quốc gia thành viên giải quyết vấn đề liên kết trong quá trình hội nhập khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tham gia Liên minh Kinh tế Á – Âu, không chỉ củng cố nền kinh tế của các nước thành viên, thúc đẩy các nước xích lại gần nhau, mà còn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các nước thành viên trên thị trường toàn cầu…

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương với các nước truyền thống

Trong chuyến công du nước ngoài lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiến hành các cuộc hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo các quốc gia ở 3 châu lục là Kazakhsta, Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria.

Cùng với tham dự Lễ ký chính thức Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu tại Kazakhsta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước này cùng trao đổi và thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, dầu khí, văn hóa, giáo dục, du lịch, ngân hàng, hợp tác tư pháp giữa Việt Nam với Kazakhsta...

Đối với Algeria, quốc gia nằm ở Bắc Phi trên bờ Nam Địa Trung Hải là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Châu Phi. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Algeria không chỉ thể hiện sự coi trọng hợp tác với châu Phi mà còn tập trung đẩy mạnh hợp kinh tế giữa hai nước, nhất là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nước ta cũng như tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực then chốt như dầu khí, lao động, y tế… tương xứng với mối quan hệ mật thiết, truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Algeria.

Là thành viên của Liên minh châu Âu cả Bồ Đào Nha và Bulgaria đều có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Bulgaria kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha.

Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào đầu năm 1950 và dành cho Việt nam sự giúp đỡ quý báu cả về vật chất và tinh thần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước. Chuyến thăm chính thức Bulgaria đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó này trên nền tảng thiết thực hơn thông qua đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng cũng như mở rộng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tư pháp, phòng chống tội phạm và hợp tác giữa các địa phương hai nước…

Đối với Bồ Đào Nha là một quốc gia giàu tiềm năng biển và cũng giống như Việt Nam đất nước này cũng đang tập trung triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển. Chính vì vậy mà Thủ tướng Bồ Đào Nha đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng chủ trì khai mạc Diễn đàn kinh tế biển trong khuôn khổ Tuần lễ biển mà Bồ Đào Nha tổ chức đúng vào thời điểm chuyến thăm.

Việt Nam và Bồ Đào Nha còn rất nhiều tiềm năng để hợp tác cùng phát triển, nhất là trong chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản và đồ gia dụng, Bồ Đào Nha cũng chia sẻ nhiều tư liệu quý về biển đảo của Việt nam cách đây 500 năm…

Để hiện thực hóa quyết tâm chính trị trong thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Kazakhsta, Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria, trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ diễn ra các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với giới doanh nghiệp các quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam đi theo đoàn.

Đây sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp mỗi nước tìm hiểu cơ hội, mở rộng hợp tác đầu tư phát triển kinh doanh trong sự khuyến khích hỗ trợ của Chính phủ, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác phát triển ngày các bền vững giữa Việt Nam với các quốc gia ở 3 châu lục này./.

Theo Thành Chung/VOV

 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích