Thủ tướng đi thử nghiệm tàu metro Bến Thành – Suối Tiên, thúc đẩy dự án nút giao thông lớn nhất TPHCM
Chiều 15/4, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi thực địa, nghe báo cáo về dự án xây dựng nút giao thông An Phú, khảo sát dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên)
Thủ tướng nghe báo cáo về tiến độ thi công nút giao An Phú - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là lần thứ hai Thủ tướng khảo sát 2 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm này của TPHCM, sau lần khảo sát thứ nhất vào cuối tháng 7/2022.
Cùng đi có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn.
Mô hình nút giao An Phú (quận Thủ Đức, TPHCM) - Ảnh: VGP
Sớm hoàn thành nút giao lớn nhất, đẹp nhất TPHCM
Dự án xây dựng nút giao thông An Phú (quận Thủ Đức) có tổng mức đầu tư hơn 3.408 tỷ đồng từ vốn đầu tư công của ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2022- 2025.
Dự án nằm tại điểm đầu của tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ (tức đại lộ Đông Tây), được kỳ vọng giảm ùn tắc cho tuyến đường vào cảng Cát Lái (đường Đồng Văn Cống) và giao thông khu vực cửa ngõ phía đông, kết nối thuận lợi với sân bay quốc tế Long Thành khi sân bay hoàn thành và đưa vào khai thác, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực Thủ Đức nói riêng, TPHCM nói chung. Mỗi ngày hiện có tới 30.000 phương tiện, 20.000 container qua khu vực này.
Thủ tướng yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương thiết kế công trình biểu tượng tại nút giao An Phú - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự án xây dựng nút giao thông với 3 tầng, gồm các nhiều công trình hầm, cầu vượt…, phần đường từ 10 - 12 làn xe, 3 hầm chui 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh có 2 làn xe. Sau khi hoàn thành, nút giao thông An Phú được kỳ vọng trở thành nút giao thông lớn nhất, đẹp nhất Thành phố.
Trước đó, trong chuyến khảo sát tháng 7/2022, Thủ tướng đã đề nghị triển khai dự án theo hướng không chỉ giải quyết vấn đề giao thông, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật mà còn chú ý cả về mặt mỹ thuật, tạo cảnh quan đẹp, điểm nhấn ấn tượng, xứng tầm về kiến trúc, một biểu tượng của TPHCM và TP. Thủ Đức, có giá trị lâu dài trong tương lai hàng trăm năm, khai thác, phát triển du lịch và các dịch vụ, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác tốt không gian, trong đó có không gian ngầm tại khu vực đắc địa, có giá trị rất lớn này.
Theo báo cáo, đến nay, các cơ quan đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng giao.
Tai hiện trường dự án, lắng nghe các kiến nghị, Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư công là 1 trong 3 động lực tăng trưởng, ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bối cảnh hiện nay và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị chung.
Trong đó, các công trình giao thông trọng điểm chiếm 60% vốn đầu tư công năm 2023 của Thành phố, do đó, việc thực hiện mục tiêu giải ngân được ít nhất 95% là rất quan trọng. Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông của Thành phố cần hết sức khẩn trương triển khai các công việc theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM và Thường trực UBND Thành phố, tập trung nguồn lực, nhân lực với kế hoạch, lộ trình cụ thể, thường xuyên kiểm điểm tiến độ, báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố để kịp thời xử lý các vướng mắc.
Thủ tướng động viện cán bộ, công nhân thi công tại nút giao An Phú - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Riêng với dự án nút giao An Phú, Thủ tướng nêu rõ có vai trò rất quan trọng; biểu dương nỗ lực của các cơ quan trong triển khai dự án, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ Thủ tướng đã chỉ đạo. Thủ tướng lưu ý cần khẩn trương thiết kế công trình biểu tượng tại nút giao.
Thủ tướng giao Bộ GTVT thống nhất phạm vi đầu tư, quy mô và tiến độ hoàn thành dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ nút giao thông An Phú tới đường Vành đai 2) để TPHCM có cơ sở xây dựng tiến độ triển khai nghiên cứu dự án đảm bảo đồng bộ và phát huy hiệu quả đầu tư các dự án trên tuyến.
Thủ tướng cũng giao các cơ quan tính toán, cân đối bố trí ngân sách Trung ương để đầu tư kết nối hoàn thiện đoạn đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (phạm vi nút An Phú), báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tinh thần là dự án càng được đẩy nhanh tiến độ, việc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương sẽ càng nhanh chóng.
Thủ tướng đã khảo sát, tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ ga Rạch Chiếc đến ga Bến xe Suối Tiên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phấn đấu đưa Metro Bến Thành - Suối Tiên vào hoạt động dịp 2/9 năm nay
Tiếp đó, Thủ tướng đã khảo sát, tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ ga Rạch Chiếc đến ga Bến xe Suối Tiên thuộc dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Buổi chạy thử nghiệm tàu đang nằm trong giai đoạn thử nghiệm số 5 và giai đoạn thử nghiệm số 6 trong quy trình thử nghiệm gồm 8 giai đoạn, được triển khai từ nhiều tháng nay.
Theo thiết kế, đoạn trên cao có tốc độ tối đa là 110 km/h, nhưng quá trình chạy thử, để đảm bảo an toàn, đoàn tàu chỉ chạy tối đa tốc độ dưới 50 km/h.
Metro Bến Thành - Suối Tiên đang trong giai đoạn thử nghiệm số 5 và giai đoạn thử nghiệm số 6 trong quy trình thử nghiệm gồm 8 giai đoạn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Với chiều dài 19,7 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km; đoạn đi trên cao dài 17,1 km), đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM, được kỳ vọng góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và giúp đô thị lớn nhất cả nước trở nên năng động, hiện đại hơn.
Dự án có tổng mức đầu tư 43.757 tỷ đồng. Trong đó vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 38.265,55 tỷ đồng, chiếm 87% tổng vốn đầu tư. Vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố là 5.491,6 tỷ đồng, chiếm 13% tổng vốn đầu tư.
Thủ tướng trực tiếp vào trong buồng lái của đoàn tàu metro - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự án chính thức khởi công xây dựng vào năm 2012. Thời điểm hoàn thành thi công dự kiến cuối quý IV/2023. Thời gian kết thúc dự án từ 2024 - 2028, gồm thời gian thông báo khiếm khuyết (bảo hành công trình xây dựng) của các nhà thầu từ năm 2024 đến hết năm 2025; thời gian hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng từ năm 2024 đến hết năm 2028.
Thủ tướng trao đổi với nhà thầu thi công tại hiện trường dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đến nay, tiến độ thi công toàn dự án đã đạt khoảng 95%. Hiện, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đang nỗ lực, phối hợp các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ dự án để hoàn thành 100% công tác thi công bao gồm lắp đặt các thiết bị còn lại, hoàn thiện kiến trúc các nhà ga và cầu bộ hành của trên toàn tuyến, sớm đưa công trình vào sử dụng.
Các công việc khác nhằm đồng bộ với quá trình hoàn thành công tác thi công cũng đang được triển khai, như đào tạo nhân lực cho dự án, thẩm định và nghiệm thu các nội dung phòng cháy chữa cháy, môi trường, an toàn hệ thống, cấp chứng chỉ bàn giao công trình…, xây dựng Đề án thí điểm khai thác một số tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị…
Đến nay tiến độ thi công toàn dự án Bến Thành - Suối Tiên đã đạt khoảng 95% - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo báo cáo tại hiện trường, các vướng mắc với dự án được nêu tại cuộc làm việc lần trước của Thủ tướng đã cơ bản được tháo gỡ. Riêng vấn đề vốn cho doanh nghiệp vận hành dự án cũng đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, các cơ quan đang triển khai các thủ tục để thực hiện.
Thủ tướng giao các cơ quan, đơn vị cố gắng hoàn thành dự án Bến Thành - Suối Tiên vào dịp 2/9/2023, trước 1 quý so với dự kiến, đây là công trình biểu tượng để chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Thủ tướng giao các cơ quan, đơn vị cố gắng hoàn thành dự án Bến Thành - Suối Tiên vào dịp 2/9/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mới hệ thống metro của TPHCM phù hợp định hướng phát triển mới; sớm xúc tiến dự án metro Bến Thành - Kiên Lương theo tinh thần vay vốn ODA thế hệ mới của Nhật Bản, rút kinh nghiệm từ dự án Bến Thành - Suối Tiên để triển khai nhanh hơn.
Cũng tại hiện trường, Thủ tướng đã trao đổi với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio.
Thủ tướng cảm ơn Đại sứ Yamada Takio đã góp phần thúc đẩy để Nhật Bản sắp triển khai cụ thể việc cho vay ODA thế hệ mới với Việt Nam; đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó có đường sắt tốc độ cao; góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Thủ tướng động viên các đơn vị thi công dự án metro Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hà Văn/baochinhphu.vn
- Ông Đặng Văn Xướng tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Long An (22/11)
- Ngành Công Thương - Chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (22/11)
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên (21/11)
- Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Tân Trụ xếp hạng nhất Cụm thi đua số 2 (21/11)
- Tiếp công dân liên quan dự án khu dân cư ở phường 4 và việc Công ty Dệt Long An nợ tiền (21/11)
- Cánh cửa hợp tác rộng mở cho tỉnh Long An sau thành công của chuyến công tác tại châu Âu (21/11)
- Hội thảo khoa học trình diễn kết nối cung cầu công nghệ lần 6 năm 2024 (21/11)
- Sôi nổi Ngày hội Đồng hành cùng sinh viên Long An (21/11)