Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thường Chính phủ tháng 8, sáng 31/8, các thành viên Chính phủ thảo luận về Dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tinh thần của Quy chế là tăng cường công khai minh bạch hoạt động của Chính phủ trước nhân dân, trước Đảng, để dân biết, có ý kiến và giám sát.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp (Ảnh: chinhphu.vn)
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ là cần thiết để đảm bảo bộ máy của Chính phủ phản ứng nhanh, kịp thời trước các vấn đề của đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Thủ tướng nêu rõ: “Tinh thần là phải tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của Chính phủ trước Đảng, nhân dân, trừ vấn đề quốc phòng, an ninh, để mọi việc dân biết Chính phủ đang làm gì, đang ở trạng thái như thế nào. Những kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được công khai hóa cho tất cả mọi người dân rằng Chính phủ hành động như vậy, để nhân dân biết, giám sát và góp ý kiến”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu lên một số tồn tại các bộ cần rút kinh nghiệm, trong đó có công tác phối hợp, xử lý công việc giữa các bộ, ngành còn yếu, mà nguyên nhân là các bộ chưa chấp hành quy chế làm việc.
Tồn tại khác là việc thực hiện chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa nghiêm; việc xây dựng chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thiếu tính khả thi.
Thủ tướng cũng nêu lên thực tế là việc hội họp còn nhiều, cần điều chỉnh theo hướng thực sự cần thiết mới họp và phải coi giảm họp là một yêu cầu. Đi liền với giảm họp thì phải gắn với thực tiễn cuộc sống thay vì “chỉ bàn giấy”, sẽ khó đưa ra các chính sách sát với thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ không đẩy việc lên Thủ tướng và Phó Thủ tướng. Thẩm quyền của Bộ trưởng thì Bộ trưởng phải quyết và chịu trách nhiệm.
"Tôi muốn các đồng chí phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không phải mọi việc cứ báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng. Từng bộ, từng Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm giải quyết đúng thời gian mà Chính phủ và cuộc sống yêu cầu. Đặc biệt Văn phòng Chính phủ, các bộ trưởng rà lại nội dung họp, thành phần họp, những quyết sách sau khi họp. Sau cuộc họp phải công khai minh bạch cho dân biết, trừ những trường hợp không thể công khai. Phải giải quyết hiện tượng xã hội đó đáp ứng nguyện vọng của người dân đang đòi hỏi, mong đợi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nêu thực tế là kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm; công tác theo dõi, đôn đốc việc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao chưa tốt. Việc cải tiến lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu những việc quyết rồi thì các bộ và các địa phương phải tập trung xử lý, tránh tình trạng chỉ ưu tiên giải quyết những việc có lợi cho riêng ngành, địa phương mình.
Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, Quy chế làm việc của Chính phủ phải khắc phục được các hạn chế tồn tại. Thủ tướng yêu cầu các bộ xây dựng quy trình xử lý công việc khoa học, hợp lý đối với từng loại công việc, từng nhiệm vụ. Đồng thời xác định rõ thẩm quyền và đề cao trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra; xác định rõ vai trò của chuyên viên, lãnh đạo vụ, tránh tình trạng chậm trễ trong giải quyết công việc.
“Sự chậm trễ của các Bộ hay Văn phòng Chính phủ chính là ở cấp chuyên viên, cấp vụ. Để mãi không đề xuất xử lý, chỉ muốn gặp người đề xuất mới giải quyết, thói quen đó không tốt. Cần thiết phải xử lý qua mạng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ cũng như trong chỉ đạo điều hành công việc hàng ngày của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng. Việc xây dựng Chính phủ điện tử phải đặt ra rõ ràng hơn, có lộ trình công khai từ Trung ương đến cấp quận, huyện, xã.
Thủ tướng cũng yêu cầu thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng thể chế, bởi thể chế, chính sách pháp luật là thể hiện Chính phủ kiến tạo. Cùng với đó, Bộ trưởng các Bộ phải là tư lệnh lĩnh vực xuyên suốt từ Trung ương tới cấp xã, phường. Ở đâu có sự kiện thuộc lĩnh vực của Bộ thì các Bộ trưởng phải kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết thay vì chỉ lo công việc trên Bộ.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Quy chế làm việc của Chính phủ; giao Bộ Tư pháp thẩm định, báo cáo Thủ tướng xem xét ký ban hành.
Đối với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết luận của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là lần đầu tiên có Tổ công tác như vậy. Quá trình Tổ làm việc với hai Bộ vừa qua cho thấy sự khách quan, thẳng thắn.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ rút kinh nghiệm, rà soát, đôn đốc thực hiện mạnh mẽ hơn các đầu việc Thủ tướng, Phó Thủ tướng giao. Tiếp tục hoạt động này, sắp tới, Thủ tướng sẽ yêu cầu kiểm tra một số bộ, UBND các tỉnh, thành phố về thực hiện kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và báo cáo kết quả trong phiên họp Chính phủ tới./.
Vũ Dũng/VOV.VN