Tiếng Việt | English

03/11/2017 - 20:11

Thủ tướng: Vì sao giải ngân chậm mà tăng trưởng cao?

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017, Thủ tướng nói “có người hỏi vì sao giải ngân đầu tư công chậm mà tăng trưởng GDP lại cao”. “Chúng ta trả lời đầu tư công chậm nhưng đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh, góp phần đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Nhiều công trình, dự án rất lớn, quan trọng là thông qua nguồn vốn xã hội”, Thủ tướng cho biết.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cho rằng tình hình kinh tế -xã hội tháng 10 có nhiều mặt nổi bật, được xem là tháng có kết quả tốt nhất từ đầu năm đến nay, Thủ tướng nhìn nhận các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt theo tinh thần cải cách, đổi mới sáng tạo, thực hiện một số chủ trương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năm nay chúng ta đặt ra việc giảm các loại phí, thuế, lãi suất ngân hàng… cho doanh nghiệp thì sáng nay (3/11), các Bộ trưởng trình bày đều toát lên tinh thần tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn như bão, lũ lụt gây thiệt hại rất lớn, tới khoảng 40.000 tỷ đồng; giải ngân tuy có tiến bộ nhưng còn nhiều vấn đề…
Cho biết trọng tâm chỉ đạo, điều hành những tháng cuối năm đã được nêu rõ trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng nhấn mạnh 4 việc, bao gồm: Tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt, nhất là phòng chống cơn bão số 12; chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa kế hoạch kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại trong 2 tháng còn lại của năm 2017, “không thể chủ quan khi khối lượng công việc còn rất lớn”; tổ chức tốt Tuần lễ Cấp cao APEC, bảo đảm an toàn, không để xảy ra sơ suất dù nhỏ nhất và chuẩn bị tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Philippines; chuẩn bị giải trình và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể. Trước hết, về tiền tệ - tín dụng, Ngân hàng Nhà nước theo dõi điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và kiểm soát tốt lạm phát, không để tỷ giá ngoại hối tăng mạnh vào dịp cuối năm. Tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm lãi suất cho vay.

Về tài chính, ngân sách nhà nước, cho biết các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến về tăng cường chống thất thu, chống chuyển giá và nợ đọng thuế, đồng thời quản lý nợ công hiệu quả hơn,… Thủ tướng giao Bộ trưởng Tài chính tiếp thu, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ này, chủ động giải trình trước Quốc hội những vấn đề liên quan. Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương chưa tăng các loại thuế, phí, lệ phí là để không tăng chi phí sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân.

Yêu cầu các địa phương nỗ lực thu vượt mức để đóng góp vào nguồn thu của cả nước, Thủ tướng nhắc nhở chấn chỉnh tình trạng đã thu đủ rồi thì dừng lại, không quyết liệt nữa.

Về đầu tư, ngay tại các phiên họp gần đây, Chính phủ đã thảo luận nhiều lần vấn đề này, một điểm yếu trong điều hành, một điểm nghẽn trong phát triển. Do đó, cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm các ngành, các cấp để chấn chỉnh, thúc đẩy nhanh hơn trong thời gian tới. Nguồn vốn đã ít mà giải ngân không kịp thời thì ảnh hưởng rất lớn đến phát triển. Yêu cầu đặt ra là giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017. Kiên quyết cắt giảm các công trình giải ngân chậm để bố trí cho các công trình quan trọng, cấp bách khác.


Thủ tướng nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Có người hỏi vì sao mà giải ngân đầu tư công chậm như vậy mà tăng trưởng GDP cao”, Thủ tướng nói. “Chúng ta trả lời đầu tư công chậm nhưng đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh, góp phần đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Nhiều công trình, dự án rất lớn, quan trọng là thông qua nguồn vốn xã hội”, Thủ tướng cho biết.

Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Thủ tướng cho rằng còn nhiều công trình đăng ký vốn FDI lớn nhưng triển khai chậm nên cần thúc đẩy, tạo điều kiện nhất là về thủ tục hành chính, đất đai, lao động… với tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong xử lý vấn đề đầu tư.

Về xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, tinh thần là tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA), đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu, nhất là thủ tục thông quan hàng hóa, quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử… Lực lượng chức năng cần có chuyên án đấu tranh quyết liệt với nạn buôn lậu, nhất là buôn lậu thuốc lá, đường cát, xăng dầu.

Về môi trường đầu tư, phát triển thương mại, bày tỏ vui mừng khi các tổ chức như Diễn đàn Kinh tế thế giới(WEF), Ngân hàng Thế giới đánh giá khả quan, Thủ tướng cho rằng thành tích tốt nhưng chưa căn bản khi nhiều chỉ tiêu còn thấp. Các cấp, các ngành cần tập trung cho công tác này. Cần làm tốt 2 việc là giảm rào cản hành chính và điều kiện kinh doanh; giảm chi phí vốn, chi phí không cần thiết, nhất là phấn đấu giảm chi phi vận tải, logistics. Đổi mới, chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh tình trạng cắt giảm các điều kinh doanh nhưng lại “mọc giấy phép con”.

Về nông nghiệp và phòng chống thiên tai cần chủ động, kịp thời ứng phó bão số 12 đang chuẩn bị đổ bộ vào nước ta. Nghiên cứu phương án xử lý vấn đề 13 triệu tấn rác thải ở nông thôn. Kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tăng cường kiểm soát chất lượng giống, vật tư nông nghiệp, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, “chứ không thể chấp nhận được việc xảy ra các chuyện vô đạo đức” như chế biến chè tẩm hóa chất, trộn phẩm màu tại Phú Thọ và Tuyên Quang mà bản tin sáng của VTV đưa, Thủ tướng lấy ví dụ và đề nghị xử lý nghiêm vi phạm.

Về công nghiệp, xây dựng, du lịch, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Các bộ, ngành chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn thực hiện kế hoạch sản xuất ngay từ bây giờ, không để tình trạng “cuối năm dồn dập, đầu năm đủng đỉnh”.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công, vùng thiên tai. Bộ Y tế quản lý chặt chẽ các phòng khám tư, phòng khám có nhân viên y tế người nước ngoài, hệ thống kiểm nghiệm dược phẩm. Chú trọng công tác bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh.

Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, cần chủ động ứng phó, kịp thời xử lý các tình huống, ngăn chặn kịp thời các âm mưu, hoạt động chống phá; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng, nhất là Tuần lễ Cấp cao APEC. Sẵn sàng ứng phó kịp thời, xử lý hiệu quả các sự cố, thiên tai và cứu nạn, cứu hộ.

Về thông tin và truyền thông, chủ động cung cấp thông tin, tạo sự đồng thuận, bảo đảm quyền được cung cấp thông tin của người dân. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuyên truyền sai sự thật, gây phương hại cho đất nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Về chuẩn bị giải trình và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong nhiệm vụ, chức năng được giao chủ động chuẩn bị giải trình và trả lời chất vấn tốt tại hội trường theo chương trình của Quốc hội./.

Theo chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết