Với địa hình thấp trũng, giáp sông Vàm Cỏ, thường xuyên bị ngập mặn, trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nơi đây chậm phát triển và thiếu đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn khá thấp so với mức bình quân chung của huyện.
Để làm tốt công tác XDNTM, xã tiến hành rà soát toàn bộ tiêu chí, tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào cần đến sức dân phải làm tốt công tác dân vận để nhân dân cùng tham gia đồng thời cần thực hiện việc dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư từ ngân sách, kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã có bước phát triển vượt bậc, các tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế,… được nâng cấp, xây mới, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho vùng này.
Trồng thanh long đem lại thu nhập cao cho nông dân
Nâng cao thu nhập nhờ trồng thanh long
Xã Thuận Mỹ có 9 ấp, với tổng diện tích tự nhiên là 2.195,2ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 1.240,4ha, chiếm 56,5%. Thanh long là cây trồng hiệu quả ở Châu Thành, nhưng phải đến năm 2012 - khi hệ thống thủy lợi được đầu tư khá hoàn chỉnh và đồng bộ (đê bao, cống ngăn mặn, trữ ngọt) thì việc trồng thanh long mới thực sự phát triển mạnh tại Thuận Mỹ. Hiện nay, toàn bộ 17km đê bao khép kín cặp sông Vàm Cỏ và 18 cống điều tiết nước nằm trên hệ thống đê đã được xây dựng kiên cố hóa; 3 tuyến kênh trục chính nội đồng với tổng chiều dài 8,7km cũng được nạo vét, do đó việc ngăn mặn, trữ ngọt thực hiện khá hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.
Tính từ năm 2012 đến nay, toàn xã Thuận Mỹ có 176,8ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng thanh long, chiếm 14,2% tổng diện tích đất nông nghiệp của xã. Ông Nguyễn Văn Hờn, ngụ ấp Bình Thạnh 3 - một trong những hộ dân trồng thanh long đầu tiên của xã cho biết: Hệ thống đê bao của xã có từ năm 1987, nhưng chưa hoàn chỉnh, do đó một năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa do ảnh hưởng của nước mặn. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống đê và cống đồng bộ, kiên cố để ngăn mặn, trữ ngọt, nông dân chuyển đổi từ sản xuất lúa sang thanh long, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nuôi tôm - Lợi thế của xã vùng hạ
Hiện tại, diện tích nuôi tôm của xã khoảng 700ha (chiếm 56,4% diện tích đất nông nghiệp của xã). Theo ông Nguyễn Văn Lo, ngụ ấp Bình Khương - hiện đang nuôi khoảng 7.000m2 tôm sú, lãi bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm cho biết: Ông bắt đầu chuyển sang nuôi tôm từ năm 1996. Trước đây, gia đình ông cũng như các hộ dân khác chỉ nuôi tôm theo kinh nghiệm, nên việc sản xuất gặp nhiều rủi ro, thu nhập bấp bênh. Nhiều hộ phải bỏ đất, bỏ đầm tìm nghề khác sinh sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thu nhập của người nuôi tôm khá hơn rất nhiều, vì được chuyển giao khoa học-kỹ thuật, thông tin lịch thời vụ, tình hình diễn biến môi trường nước, đặc biệt việc quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống,…
Nông dân Nguyễn Văn Lo bên đầm tôm sú tại ấp Bình Khương
Nuôi tôm nói riêng, cũng như nuôi thủy sản nói chung là lợi thế rất lớn của các xã vùng hạ. Do đó, song song với việc hỗ trợ cho vay vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tăng cường kiểm soát dịch bệnh,... tỉnh đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi thủy sản, giúp người dân khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Cùng với đó, hệ thống giao thông của xã cũng được tập trung đầu tư nâng cấp, kết nối liên thông với các xã khác, huyện khác như đường An Khương Thới dài 7,2km – là tuyến đường huyết mạch nối liền các ấp trong xã và cũng là tuyến đường giao thông liên huyện, được kết nối với phà Bà Nhờ qua huyện Cần Đước, phà Chợ Dinh qua huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) và phà Chùa, phà Bình Thới qua huyện Tân Trụ. Đây là điều kiện tốt, mở ra nhiều triển vọng mới cho nghề nuôi tôm nói riêng cũng như phát triển kinh tế nói chung của xã Thuận Mỹ. Và, khi đời sống được cải thiện, người dân tích cực đóng góp cùng địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí XDNTM, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc./.
Hùng Dũng - Sĩ Xương