Tiếng Việt | English

12/11/2020 - 19:44

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua cộng đồng doanh nhân người Việt ở Mỹ

Cộng đồng người Việt tại Mỹ sở hữu hơn 300.000 cơ sở kinh doanh, trong đó có nhiều doanh nghiệp chuyên phân phối hàng hóa cho cộng đồng, trở thành cầu nối để đưa hàng hóa Việt Nam sang Mỹ.

Thu hoạch thanh long trồng ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Thu hoạch thanh long trồng ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Tận dụng mạng lưới doanh nghiệp người Việt ở Mỹ là một trong những phương thức hiệu quả để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nông sản Việt Nam nói chung, các sản phẩm đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng vào thị trường Mỹ.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị trực tuyến kết nối doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Mỹ do Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế (Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) và Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ (VENUSA) tổ chức, ngày 12/11.

Ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho biết quan hệ thương mại Việt Nam-Mỹ đang phát triển rất năng động và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai bên. Hiện nay, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Mỹ đã đạt gần 80 tỷ USD/năm, Việt Nam và Mỹ đều trở thành đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, kể cả trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19, các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư, y tế giữa hai nước vẫn đạt kết quả tích cực.

Trong tháng 10/2020, doanh nghiệp hai nước đã ký nhiều hợp đồng hợp tác trị giá hàng tỷ USD.

Việc kết nối các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với cộng đồng doanh nghiệp kiều bào tại Mỹ sẽ góp phần phát huy thế mạnh của mỗi bên; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long với lợi thế là vùng sản xuất tập trung lúa gạo, thủy sản, trái cây xuất khẩu của cả nước.

Bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp truyền thống, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long còn đi đầu trong sản xuất hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, góp phần đưa khu vực này trở thành một trong những đầu mối xuất khẩu hàng hóa quy mô lớn của cả nước.

Trong khi đó, Mỹ là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng, có nhu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa Việt Nam.

Cộng đồng người Việt tại Mỹ có quy mô hơn 2 triệu người, sở hữu hơn 300.000 cơ sở kinh doanh ở khắp các tiểu bang; trong đó, có nhiều doanh nghiệp chuyên phân phối hàng hóa cho cộng đồng, trở thành cầu nối để đưa hàng hóa Việt Nam sang Mỹ, từng bước hình thành mạng lưới hợp tác giữa doanh nhân kiều bào với doanh nghiệp địa phương trong nước để phát triển chuỗi sản xuất-xuất khẩu.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức trong việc đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ, bên cạnh rào cản thương mại, kỹ thuật như môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ, Mỹ là thị trường yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, mong muốn hợp tác với các đối tác uy tín, có nguồn hàng ổn định, có hiểu biết về các quy định của nước sở tại.

Ông Nguyễn Hoành Năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thông tin, cộng đồng doanh nhân kiều bào có mạng lưới rộng khắp, kinh doanh thương mại ở nhiều lĩnh vực từ nhà hàng, khách sạn đến khoa học công nghệ. Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đang tích cực thúc đẩy vai trò cầu nối cho các hoạt động thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài và phát triển hệ thống phân phối hàng Việt ra nước ngoài; trong đó có Mỹ.

Cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ hiện nay chiếm gần một nửa số người Việt Nam ở nước ngoài, được đánh giá là cộng đồng lớn, năng động và có tiềm lực kinh tế mạnh.

Trong thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp người Việt tại Mỹ ngày càng quan tâm đến Đồng bằng sông Cửu Long, một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến…

Việc kết nối doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp kiều bào tại Mỹ là dịp để các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, phát huy nguồn lực kiều bào trong việc kết nối, xúc tiến thương mại đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cho biết sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn bó hẹp cho tiêu thụ nội địa, bán nguyên liệu thô mà đang hướng đến liên kết sản xuất sản phẩm giá trị cao, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa phục vụ xuất khẩu vào các thị trường khó tính; trong đó, có Mỹ.

Ông Nghĩa nhấn mạnh Đồng Tháp đang tập trung phát triển nông nghiệp an toàn, đảm bảo chất lượng và nguồn hàng ổn định quanh năm. Các sản phẩm như cá tra phi lê, collagen từ da cá, các loại sản phẩm làm từ gạo, trái cây đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia khá nhau.

Tuy nhiên số doanh nghiệp địa phương hợp tác với các đối tác tại Mỹ, kể cả doanh nghiệp kiều bào còn rất ít. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp mỗi năm đạt 1,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Mỹ mới đạt hơn 200 triệu USD. Việc kết nối với các doanh nghiệp kiều bào tại Mỹ chính là cơ hội tốt để liên kết phát triển các kênh phân phối sản phẩm địa phương sang thị trường nhiều tiềm năng như Mỹ.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Các doanh nhân kiều bào tại Mỹ chia sẻ tiềm năng đưa hàng hóa Việt Nam nói chung, các sản phẩm đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long như trái cây, nông sản, thủy sản nói riêng còn rất lớn, không chỉ phục vụ cộng đồng người Việt mà còn cung cấp cho người dân sở tại.

Tuy nhiên, việc giao thương hàng hóa thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu thực tế do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh vấn đề vận chuyển thì chất lượng hàng hóa, đặc biệt là dư lượng các hóa chất trong nông sản, trái cây là rào cản rất lớn.

Bà Amy Nguyễn, một doanh nhân người Việt chuyên nhập khẩu, phân phối trái cây Việt Nam tại Mỹ, nhấn mạnh trái cây nhiệt đới của Việt Nam rất được ưa chuộng, điển hình là thanh long, xoài… nhưng số lượng hàng hóa Việt Nam đạt yêu cầu chất lượng của thị trường Mỹ còn rất ít. Chất lượng nông sản trái cây không phải chỉ là trọng lượng hay bề mặt sản phẩm mà nằm ở các thông số về dinh dưỡng và đặc biệt là dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

Chính vì vậy, để có thể đẩy mạnh việc xuất khẩu, phân phối vào thị trường Mỹ một cách bền vững, các khu vực sản xuất tại Việt Nam phải thiết lập được hoạt động kiểm soát chất lượng từ khâu trồng đến thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản, phân phối.

Trong khi đó, nhiều doanh nhân khác cho rằng, cần xây dựng trung tâm kiểm soát chất lượng tất cả sản phẩm Việt Nam xuất khẩu, phân phối tại Mỹ để đảm bảo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của nước sở tại, hạn chế các trường hợp rủi ro, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại giữa hai bên.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến nghị, thị trường Mỹ còn rất nhiều dư địa để hàng hóa, nông sản Việt Nam khai thác. Đặc biệt, việc có hệ thống mạng lưới doanh nhân kiều bào ở hầu hết các bang của Mỹ là một lợi thế giúp hàng hóa Việt Nam lan tỏa rộng khắp.

Tuy nhiên, muốn tiếp cận hiệu quả thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu và cập nhật nhu cầu thị trường cùng như nắm rõ các quy định, yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, liên kết sản xuất một cách bài bản, cắt giảm chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đồng thời, chú ý lưu trữ và quản trị thông tin hàng hóa đầy đủ để phòng ngừa các rủi ro, đảm bảo tính bền vững trong tiếp cận và khai thác thị trường Mỹ./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết