Tiếng Việt | English

27/07/2021 - 09:02

Thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn tỉnh Long An đang tập trung phòng, chống, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh nhưng vẫn quan tâm thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa, thể hiện lòng tri ân đối với những người đã hy sinh vì nền hòa bình, độc lập dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được thắp hương lên các phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Hoài An

Cải tạo, nâng cấp nghĩa trang

Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) tỉnh được xây dựng từ năm 1970 tại khu phố Thanh Xuân, phường 5, TP.Tân An, với tổng diện tích trên 6ha, là nơi an nghỉ của hơn 3.900 liệt sĩ. Do được xây dựng đã lâu nên một số hạng mục xuống cấp, hàng năm, tỉnh dành một phần kinh phí để trùng tu, sửa chữa. Riêng năm 2021, tỉnh xuất ngân sách hơn 4 tỉ đồng đầu tư trồng cây xanh từ cổng vào xung quanh tượng đài; vét bùn các ao xung quanh nghĩa trang; cải tạo đường nội bộ bị ngập nước;…

Phó Trưởng ban Quản lý NTLS tỉnh - Trần Tuấn Thiện cho biết: “Các hạng mục đang được trùng tu, sửa chữa dự kiến hoàn thành và bàn giao nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Ngoài ra, để chuẩn bị cho Ngày Thương binh - Liệt sĩ trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không được tập trung đông người, từ đầu tháng 6, Ban Quản lý nghĩa trang bắt đầu tổ chức vệ sinh các phần mộ, tỉa lại các cây xanh,…”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm (hàng đầu, bìa phải) tặng quà gia đình chính sách xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện nay, toàn tỉnh có 10 NTLS với 25.659 ngôi mộ. Năm nay, UBND tỉnh phân bổ kinh phí tu bổ, cải tạo các NTLS trên 13,5 tỉ đồng, trong đó nâng cấp, cải tạo NTLS huyện Vĩnh Hưng 10 tỉ đồng; cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm huyện Thủ Thừa 1 tỉ đồng,…

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công, ngành LĐ-TB&XH luôn mong muốn đưa các NTLS thành nơi thăm viếng tâm linh cho người dân trong và ngoài tỉnh. Việc tu sửa tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên tổ chức các hoạt động về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Qua đó, vừa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, vừa góp phần tuyên truyền sâu, rộng đến các tầng lớp nhân dân chăm lo tốt hơn các phần mộ liệt sĩ”.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai tặng quà cho thương binh nặng tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trong những ngày này, ai cũng cảm nhận được không khí trang nghiêm, ấm cúng. Các phần mộ luôn được chăm lo hương khói. Đó còn là tất cả lòng thành kính, tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đã ngã xuống cho nền hòa bình, độc lập dân tộc.

Quan tâm chăm lo đối tượng chính sách

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, khi thấy quê hương mình chìm trong “mưa bom, bão đạn”, ông Phạm Văn Xuân (thương binh hạng 4/4, ngụ ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) thoát ly và tham gia cách mạng tại tỉnh Kiến Tường (nay là thị xã Kiến Tường) khi vừa tròn 16 tuổi. Tại đây, ông tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ, với quyết tâm “đền nợ nước, trả thù nhà”. Và trong một lần tham gia trinh sát nắm tình hình, ông bị địch bắn.

Đến năm 1978, ông trở về địa phương và lập gia đình. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông khai hoang, cải tạo đất và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ chịu khó làm lụng, vợ chồng ông xây dựng được ngôi nhà khang trang và sở hữu gần 5ha đất trồng lúa. Năm 2017, ông là người tiên phong ở địa phương chuyển từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng chanh và mít. Bình quân mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có lãi trên 20 triệu đồng.

Ông Xuân chia sẻ: “Gia đình tôi có cha và 2 anh là liệt sĩ nên hiểu được sự cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh. Trở về sau chiến tranh với vết thương năm nào, tôi cố gắng khắc phục khó khăn, lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống. Hiện nay, tôi không chỉ hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho người có công mà vào các dịp lễ, tết, có nhiều đoàn đến thăm, tặng quà. Đó là sự quan tâm, động viên lớn lao mà Đảng, Nhà nước dành cho những người có công”.

Ông Phạm Văn Xuân là thương binh tiêu biểu ở địa phương

Những năm qua, cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho gia đình chính sách, người có công, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ khó khăn, quan tâm chăm lo đối tượng chính sách. Qua đó, nhận được sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân.

Vào dịp lễ, tết, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, tỉnh đều tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà và động viên các gia đình chính sách tiêu biểu, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tỉnh xuất ngân sách hỗ trợ trên 42.100 đối tượng, với tổng kinh phí trên 7,8 tỉ đồng.

Huyện đoàn Cần Giuộc đổ nến chuẩn bị thắp ở tượng đài vào ngày 26/7

Quyền Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương chia sẻ: “Thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa là một trong những phương pháp giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Huyện đoàn và các cơ sở Đoàn linh động tổ chức các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa phù hợp trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, Huyện đoàn tổ chức hành trình San sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch gắn với công tác Đền ơn đáp nghĩa, thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, Huyện đoàn tổ chức thắp nến ở tượng đài Tổ quốc ghi công và thắp nhang các phần mộ liệt sĩ vào tối 26/7; trao 110 phần quà cho gia đình chính sách, người có công tại các xã: Long Phụng, Phước Lý, Phước Lâm, Long An, Phước Vĩnh Đông, Tân Tập,…”.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều hoạt động nhưng bằng nhiều cách, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công một cách phù hợp./.

Những năm qua, cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho gia đình chính sách, người có công, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ khó khăn, quan tâm chăm lo đối tượng chính sách. Qua đó, nhận được sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân”.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết