Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân công bố hành vi phạm tội của Phạm Duy Thanh
Hàng chục người bị lừa từ việc mua nhà, đất bằng vi bằng
Những năm 2017, 2018, giá bất động sản tại các vùng giáp TP.HCM trên địa bàn tỉnh liên tục “nóng”, tăng từng ngày. Nhiều người môi giới bất động sản cũng phất lên từ đó. Tại huyện Cần Giuộc, khu vực xã Tân Kim (cũ), “cò” Thanh nổi lên là một trong số những người môi giới bất động sản “mát tay”. Thanh giới thiệu với nhiều người có thể mua đất, “an cư, lạc nghiệp”. Thế nhưng, những tháng ngày được xem là thành công của Thanh không kéo dài. Những biến cố trong làm ăn, kinh doanh cùng thú vui bài bạc khiến Thanh lâm vào cảnh nợ nần.
Để có tiền trả nợ, Thanh bắt đầu lên kế hoạch lừa những người có nhu cầu mua đất, mua nhà để chiếm đoạt tiền thông qua mua bán bằng hình thức lập vi bằng. Qua các mối quan hệ quen biết, Thanh biết ông H.Đ.K. (TP.HCM) có thửa đất 4577 với diện tích hơn 200m2 trên địa bàn thị trấn Cần Giuộc cần xây dựng các căn nhà liền kề. Thanh thỏa thuận thi công 6 căn nhà trên đất với số tiền 1,3 tỉ đồng. Khi thi công xong, Thanh còn được thưởng thêm 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi bàn giao 6 căn nhà cho ông H.Đ.K., Thanh giữ lại bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất. Áp lực trả nợ khiến Thanh làm liều khi dùng giấy photo này để rao bán nhà và đất trên thửa đất số 4577 mà không được sự đồng ý của chủ sử dụng. Ba nạn nhân sập bẫy của Thanh với số tiền 2,6 tỉ đồng.
Tiếp đó, sẵn mối quan hệ làm ăn, Thanh nhận xây dựng căn nhà 1 trệt 2 lầu cho bà C.T.T. (TP.Hà Nội) trên thửa đất số 1067 tại thị trấn Cần Giuộc. Do biết bà T. thường ở TP.Hà Nội nên trong quá trình xây nhà, Thanh tự ý ký hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng nhà và đất của thửa đất này cho ông H.P.T. (TP.HCM) với giá 2,2 tỉ đồng và được ông T. nhiều lần chuyển tiền mặt. Để bà T. không nghi ngờ, Thanh hỏi mua lại chính mảnh đất và căn nhà này và được bà T. làm giấy ủy quyền cho Thanh được quyền mua, bán, cho, tặng đối với thửa đất. Trong khi đang lừa ông T., Thanh tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của thửa đất này cho bà L.T.T.T. để lấy 1,5 tỉ đồng. Chỉ đến khi vụ việc vỡ lỡ, ông T. mới biết đã chuyển cho Thanh tổng cộng 1,4 tỉ đồng.
Dù có mối quan hệ quen biết với ông T.K.N. và được ông xem như con cháu trong nhà nhưng Thanh vẫn dùng các thủ đoạn gian dối để lừa ông N. đưa thửa đất số 424 cho Thanh làm các giấy tờ để phân lô, bán nền. Dù mới được ông N. đồng ý nhưng ngay sau đó, Thanh tự ý phân lô nền để bán cho 9 người, chiếm đoạt hơn 2,2 tỉ đồng. Đồng thời, để có thể chuyển nhượng cho người khác, Thanh còn lừa ông N. ủy quyền cho Thanh được toàn quyền quyết định đối với thửa đất. Ngày 28/7/2020,
Thanh ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà L.T.T.T. với số tiền 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, dù đã chuyển nhượng nhưng Thanh vẫn dùng thửa đất này ký hợp đồng đặt cọc và lập vi bằng về việc nhận tiền bán các lô đất nền trên thửa đất 424 để chiếm đoạt gần 4 tỉ đồng tiền cọc của 19 người đối với 40 lô đất.
Với thủ đoạn tương tự, Thanh còn thực hiện nhiều hợp đồng đặt cọc mua bán đất dưới hình thức vi bằng để chiếm đoạt tiền của các bị hại. “Đi đêm có ngày gặp ma”, tháng 7/2022, do người mua không nhận được nhà, đất, một số trường hợp bị lừa mua 1 lô đất lại không liên lạc được với Thanh nên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an. Ngày 15/7/2022, vụ án được khởi tố. Bốn tháng sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Duy Thanh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tham giá rẻ, người mua đất “tiền mất, tật mang”
Những nạn nhân của Phạm Duy Thanh tham dự phiên tòa
Cuối tháng 3/2024, phiên tòa xét xử Thanh được mở sau nhiều lần tạm hoãn. Hơn 20 bị hại, người liên quan có mặt tại phiên tòa từ sớm. Họ với bị cáo từng là chỗ quen biết. Có người hy vọng sau phiên tòa sẽ giữ được nhà, đất từng mua của Thanh, cũng có nhiều người hy vọng Thanh hoàn lại số tiền đã chiếm đoạt.
Thế nhưng, suốt 1 ngày diễn ra phiên tòa, tất cả bị hại trong vụ án đều vỡ lẽ khi biết toàn bộ số tiền đưa cho Thanh trước đây đều bị dùng để trả nợ hoặc “nướng” vào cờ bạc. Bà T. - một trong những nạn nhân của Thanh, chua xót: “Không ngờ tôi dễ bị lừa như vậy. Từ chỗ có đất, do tin tưởng Thanh mà đến nay trở thành người mất đất”. Còn ông N. ngậm ngùi: “Gần 0,4ha đất đưa cho Thanh phân lô nền giờ không biết qua tay bao đời chủ. Tôi chỉ có một lần được Thanh đưa lại hơn 100 triệu đồng. Chưa biết tài sản này sẽ được pháp luật định đoạt ra sao?”.
Khi Hội đồng xét xử hỏi lý do sẵn sàng tin tưởng để xuống tiền mua nhà, đất của Thanh dù chỉ giao dịch bằng hình thức lập vi bằng, các bị hại đều nói rằng “do cứ nghĩ mình mua được món hời. Đến khi vụ việc vỡ lỡ mới biết “tiền mất, tật mang””.
Sau 1 ngày xét xử, phiên tòa vẫn chưa kết thúc khi tòa án quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung bởi còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, số bị hại, người liên quan nhiều. Dù vụ án còn kéo dài nhưng những người bị hại thầm nghĩ rằng, số tiền bỏ ra để mua nhà, đất qua việc lập vi bằng chắc chắn không còn hy vọng có thể lấy lại.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nổi lên nhiều trường hợp mua, bán nhà, đất qua hình thức vi bằng. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhiều lần khuyến cáo người dân không mua, bán qua hình thức này bởi vi bằng do thừa phát lại lập ra chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, không chứng nhận hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà, đất. Tất cả giao dịch chuyển nhượng nhà, đất hiện nay đều bắt buộc thực hiện qua công chứng, chứng thực. Hiện luật cũng quy định, các trường hợp không được lập vi bằng gồm: Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật hay ghi nhận sự kiện, hành vi không do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.
Mua, bán nhà, đất qua hình thức vi bằng vì thế vẫn là bài học không hề cũ./.
Kiên Định