Tiếng Việt | English

21/06/2023 - 14:31

Tiếp tục đánh giá để hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất

Ngày 21/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Ngày 09/6/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đã có 186 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại 19 tổ; không khí thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những vấn đề trọng tâm trong dự án luật cũng như những vấn đề các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An phát biểu đóng góp cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tham gia phát biểu đóng góp cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện phương pháp định giá đất, vì hiện nay các phương pháp định giá theo hiện hành đang thực hiện, có nhiều vướng mắc, khó khăn, lúng túng.

Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất (Điều 158), Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể (Điều 161)

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết, qua chỉnh lý từ các ý kiến đóng góp, đến nay, dự thảo Luật chỉnh sửa, bổ sung thành “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Đại biểu đề nghị cần bổ sung làm rõ ràng, minh bạch nguyên tắc thị trường để bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Bởi vì thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất mà còn ở phương án hỗ trợ, tái định cư theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW là “để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Về phương pháp định giá đất, (khoản 4) quy định 4 phương pháp (phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, hệ số điều chỉnh giá đất), đại biểu đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện vì hiện nay trong 4 phương pháp nêu trên theo hiện hành đang thực hiện là có vướng mắc, khó khăn, lúng túng. Đồng thời, cần cân nhắc quy định tại khoản 5 Điều 158 về “cơ quan quyết định giá đất theo kết quả xác định giá đất có lợi nhất cho ngân sách nhà nước”, vì tại thời điểm quyết định giá đất khó tính toán được chính xác giá đất nào có lợi nhất cho ngân sách nhà nước.

Đối với quy định Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể (khoản 2, khoản 3 Điều 161), một vấn đề thực tiễn là công tác xác định giá đất trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, đó là việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất, theo quy định trường hợp giá gói thầu trên 100 triệu đồng thì áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đã mất nhiều thời gian để chọn đơn vị tư vấn giá; đồng thời, khi đấu thầu có thời điểm không có đơn vị tư vấn giá đăng ký tham gia. Do đó, để giải quyết khó khăn, vướng mắc này, đại biểu Mỹ Dung đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định: Trong một số trường hợp (như không có đơn vị tư vấn giá đăng ký tham gia thầu, loại dự án có tính chất đặc thù có ảnh hưởng đến phát triển KT-XH, quốc phòng- an ninh địa phương….) thì giao cho địa phương thành lập Hội đồng (Hội đồng này khác và độc lập với Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể) hoặc Đơn vị tư vấn xác định giá đất có chức năng tư vấn xác định giá đất và chịu trách nhiệm với kết quả thực hiện để địa phương chủ động, kịp thời điều hành quản lý việc triển khai các dự án ở địa phương.

Về vấn đề hòa giải tranh chấp đất đai (Điều 233)

Dự thảo quy định là khuyến khích hòa giải tranh chấp đất đai, theo đó UBND cấp xã tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai trong vòng 45 ngày. Đại biểu cho rằng, thời gian này là quá dài, thực tế rất nhiều trường hợp hai bên tranh chấp chờ được xã đưa ra hòa giải không thành, để đủ điều kiện khởi kiện ra tòa. Mặt khác, giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành của xã cũng không có giá trị bắt buộc thực hiện.

Do đó, đại biểu đề nghị giảm số ngày phải tiến hành hòa giải của UBND cấp xã xuống 30 ngày; hòa giải của UBND cấp xã là không bắt buộc, còn nếu quy định đây là thủ tục bắt buộc thì phải bổ sung quy định biên bản hòa giải thành được xác định giá trị pháp lý có hiệu lực thực hiện (như hòa giải thành trong hòa giải cơ sở và hòa giải tại Tòa án là chuyển cho tòa án xác nhận và có giá trị thi hành), để khẳng định giá trị, vai trò quản lý nhà nước cũng như không lãng phí nguồn lực mà UBND cấp xã đã thực hiện./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết