Ảnh minh họa
Một đàn ong mật chỉ có một ong chúa, vì là đầu đàn nên ong chúa được nuôi hoàn toàn bằng sữa ong chúa, có nhiệm vụ đẻ trứng để duy trì nòi giống, có tuổi thọ cao khoảng 3 đến 6 năm.
Ong thợ là những con ong cái không có khả năng sinh sản, chúng chỉ được nuôi bằng sữa trong 3 ngày đầu, sau đó ăn mật ong và phấn hoa, tuổi thọ khoảng 2 tháng, ong thợ có nhiệm vụ xây tổ, chăm sóc ấu trùng, ong non và ong chúa.
Trứng ong không được thụ tinh sẽ nở ra ong đực, hình thức to hơn các ong kia và được ong thợ nuôi, tuổi thọ của ong đực khoảng 3 tháng, có nhiệm vụ thụ tinh cho ong chúa.
Các sản phẩm của ong bao gồm sữa ong chúa, keo ong, phấn ong và sáp ong được biết đến với đặc tính chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Đây là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tự nhiên như flavonoid, acid phenolic hoặc terpenoid.
Sữa ong chúa (Royal Jelly): trong tuyến nước bọt của ong thợ tiết ra chất màu trắng đục là sữa ong chúa, đây là chất bổ chứa khoảng 70% nước, protein chiếm 12-15%, carbonhydrat 10 - 16% và chất béo 2%, ngoài ra còn muối và các acid amin.
Các vitamin B có trong thành phần sữa ong chúa bao gồm: Thiamine (B1), Riboflavin (B2), Niacin (B3), Acid folic (B9), Inositol (B8), Biotin (B7), Axit pantothenic (B5), Pyridoxine (B6).
Lợi ích mà sữa ong chúa mang lại cho cơ thể con người là chống oxy hóa, kháng viêm, hạ cholesterol, hạ huyết áp, giảm nguy cơ bệnh tim, làm lành vết thương, đẹp da do tăng lượng collagen nội sinh, kiểm soát đường huyết, sáng mắt và bổ não, tăng cường chức năng miễn dịch. Đặc tính kéo dài tuổi thanh xuân của sữa ong chúa đã được biết đến từ lâu.
Liều lượng sử dụng sữa ong chúa đường uống cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh là 1000 mg sữa ong chúa uống hàng ngày trong 8 tuần. Đối với viên nang là 1 hoặc 2 viên nang mỗi ngày có chứa sữa ong chúa và phấn hoa liệu trình sử dụng 12 tuần.
Mật ong (Honey): là phức hợp được thực hiện khi ong nuốt mật hoa (một chất lỏng chứa sucrose cao được sản xuất trong tuyến mật của cây). Mật ong rừng lấy từ tổ ong rừng tự nhiên, không có sự nuôi dưỡng hay tác động từ con người khác với mật ong nguyên chất lấy từ ong nuôi được thuần dưỡng từ con người.
Thành phần mật ong 80% là đường, ngoài ra còn có nước, phấn hoa, khoáng chất, vitamin, protein. Do giàu chất chống oxy hóa nên mật ong tốt cho tim mạch, làm lành vết thương trong trường hợp đau bao tử khi dùng chung với tinh bột nghệ, trị bỏng bằng cách xoa trực tiếp mật ong lên vết thương, giảm ho khi hấp với lá hẹ hay chưng tắc.
Mật ong đen lên men làm giảm sản xuất bã nhờn cải thiện độ đồng đều da mặt nên làm đẹp da. Trong đông y sử dụng mật ong làm tá dược cho viên hoàn.
Ảnh minh họa
Keo ong (Propolis): được tạo ra từ nước bọt ong mật có chứa enzyme với nhựa, keo thơm và dịch của nhiều loài cây. Hoạt tính y dược trong keo ong chiết ra là acid fenolic, flavonoid. Do có tính kháng khuẩn nên keo ong được ứng dụng trong dược phẩm để sản xuất viên uống sát trùng đường hô hấp, kháng viêm, điều hòa miễn dịch.
Tác dụng chống viêm do ức chế prostaglandin và oxid nitric thể hiện sinh khả dụng khi dùng đường uống. Nghiên cứu khoa học còn cho thấy keo ong ức chế sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Ứng dụng trong mỹ phẩm làm kem bôi trị mụn, trị bỏng nhẹ, nước súc miệng.
Sáp ong (Beeswax): là chất sáp tự nhiên lấy được khi thu hoạch tổ ong sau khi bỏ lớp màng bên ngoài. Sáp ong không màu, trong suốt, khi trộn với mật ong và phấn hoa sẽ chuyển màu vàng nâu chứa các acid béo, este, 20 loại flavonoid, acid amin, vitamin B1, B2, A, D, E, PP, các khoáng chất magie, đồng, kẽm, sắt, mangan, monosaccharide.
Sáp ong ứng dụng trong y học cổ truyền trị trĩ, mụn nhọt, bỏng, băng huyết. Y học hiện đại dùng sáp ong để hạ cholesterol, giảm đau, kháng viêm, tăng khả năng miễn dịch. Sáp ong còn ứng dụng trong mỹ phẩm làm kem dưỡng da, kem chống nắng, son môi.
Phấn hoa ong (Bee pollen): ong thu phấn hoa từ giỏ phấn, trộn với mật hoa hoặc dịch tiết nước bọt của côn trùng, quá trình lên men kỵ khí tiến hành với sự hình thành acid lactic có vai trò là chất bảo quản.
Chất được tạo ra là nguồn cung cấp protein để nuôi ong non, dinh dưỡng cho cả ong trưởng thành và ấu trùng. Thành phần của phấn hoa ong gồm các chất dinh dưỡng (protein, carbohydrate và lipid), acid amin (leucine, isoleucine, valine), acid béo và este của chúng, vitamin (carotenoid, B, E, H và acid folic), khoáng chất, các flavonoid, acid phenolic, các acid hữu cơ (oxalic, tartaric, malic, citric, succinic, acetic, lactic và gluconic), các nguyên tố đa lượng (natri, kali, canxi và magie), các nguyên tố vi lượng (sắt, kẽm, mangan và đồng).
Do phấn hoa ong có khả năng chống oxy hóa làm trẻ hóa, bảo vệ cơ thể chống lại độc tính của chất oxy hóa và giảm thiểu tác dụng phụ của hóa trị./.
DSCKII. Lý Thị Nhất Định - DS. Trần Diệu An - DS. Biện Trung Anh