Tiếng Việt | English

14/11/2017 - 00:10

Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với người dân về giải tỏa, đền bù và tái định cư:

Tìm tiếng nói chung giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân

Những năm gần đây, Long An là một trong những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp với hàng loạt dự án đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp (K,CCN). Phát triển công nghiệp đồng nghĩa với hàng ngàn hécta đất của người dân được thu hồi phục vụ các dự án. Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay, tại rất nhiều dự án đầu tư vẫn còn tình trạng người dân khiếu nại về giá bồi thường, chính sách tái định cư (TĐC) sau khi thu hồi đất. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đối thoại với người dân để tháo gỡ khó khăn, tìm tiếng nói chung giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân

Đối thoại tháo gỡ khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 28 KCN và 34 CCN, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần giải quyết việc làm cho lao động.

Trong quá trình phát triển công nghiệp, hàng ngàn hécta đất được thu hồi phục vụ các dự án. Nhà nước ban hành nhiều chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC, bảo đảm việc làm, thu nhập và đời sống của người dân có đất bị thu hồi. Song, quá trình thực hiện thu hồi đất, công tác kê biên, áp dụng các chính sách bồi thường thiệt hại, TĐC ở một số dự án vẫn chưa được sự đồng thuận cao từ người dân, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng và TĐC, gây bức xúc cho người dân vùng dự án và cả chủ đầu tư; đồng thời, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của tỉnh.

Theo UBND huyện Đức Hòa, trên địa bàn huyện hiện có 10 KCN với diện tích hơn 8.000ha và 10 CCN, diện tích hơn 710ha. Tại nhiều dự án, vẫn còn nhiều người dân khiếu nại các vấn đề liên quan đến tiến độ thực hiện dự án, đơn giá bồi thường và các chính sách TĐC. Tính từ năm 2016 đến nay, Thanh tra huyện Đức Hòa tiếp nhận 106 đơn khiếu nại ở một số dự án, hầu hết liên quan đến việc kê biên, bồi thường đất.

Tại Đức Hòa Đông và Đức Hòa Hạ, nhiều năm qua, người dân liên tục khiếu nại, phản ánh với chính quyền địa phương về công tác bồi thường và TĐC. Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Đông - Nguyễn Thanh Sương cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 4 KCN và 1 CCN với diện tích thu hồi cho các dự án gần 900ha, ảnh hưởng trực tiếp đến 1.507 hộ dân. Tại tất cả dự án đều có trường hợp người dân khiếu nại về giá bồi thường, chính sách TĐC”.

Còn tại xã Đức Hòa Hạ, theo Chủ tịch UBND xã - Hồ Thanh Liêm, hiện nay, các dự án đang triển khai, người dân vẫn bức xúc vì chủ đầu tư kéo dài, người dân luôn chịu thiệt thòi về đơn giá bồi thường dẫn đến khiếu nại trong nhiều năm. Dù chính quyền xã, huyện giải quyết nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Trước bức xúc trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh tổ chức đối thoại để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân trong vùng dự án. Phản ánh với Bí thư Tỉnh ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tươi, ở ấp 3, xã Đức Hòa Đông, bức xúc cho biết: “Gia đình tôi bị thu hồi 10.000m2 đất, áp giá đền bù từ năm 2013 nhưng phải đến gần đây, tôi mới nhận được tiền, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của gia đình. Giá đất liên tục tăng, với số tiền đền bù hiện tại, tôi chỉ mua được khoảng 1.000m2 đất ở vị trí tương tự”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn cùng nhiều hộ dân khác bị ảnh hưởng bởi dự án của Công ty (Cty) TNHH Hải Sơn cho rằng, việc Cty liên tục kéo dài dự án, chuyển mục đích dự án nhiều lần trong vòng 13 năm vẫn chưa triển khai khiến người dân trong dự án rất bức xúc.

“Đất thì vướng quy hoạch, chúng tôi không thể tách thửa, chuyển mục đích sử dụng trong khi các con lập gia đình, không thể cất nhà ra riêng. Nhiều thế hệ gia đình chúng tôi phải sống chung dưới căn nhà lụp xụp, không được xây cất mới, mọi sinh hoạt rất khó khăn. Chúng tôi chỉ muốn nhận được câu trả lời dứt khoát có tiếp tục dự án hay không? Nếu kéo dài, tôi đề nghị Nhà nước thu hồi dự án để người dân bớt khổ” - ông Đoàn bức xúc.

Tương tự, tại dự án KCN Nam Thuận, tại xã Đức Hòa Đông và xã Mỹ Hạnh Nam, từ năm 2014, UBND huyện Đức Hòa phê duyệt phương án đền bù nhưng đến nay, công tác đền bù vẫn chưa thực hiện xong, người dân cũng chưa được hưởng các chính sách TĐC như cam kết,... nên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Người dân nêu ý kiến tại cuộc đối thoại

Tìm tiếng nói chung

Trưởng ấp 4, xã Đức Hòa Đông - Nguyễn Văn Phó cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ các dự án, nhưng việc thực hiện dự án phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Hiện, trong ấp còn khoảng 160 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và 20 hộ nhận 70% tiền bồi thường tại các dự án đầu tư. Người dân cũng có lý khi giá bồi thường hiện nay khoảng 1,5 tỉ đồng/ha, trong khi đó, giá thị trường khoảng 15-17 tỉ đồng/ha. Với giá ấy, có vận động cỡ nào, người dân cũng không đồng tình. Muốn người dân đồng tình thì chính quyền, doanh nghiệp phải đưa ra mức giá hợp lý kèm theo các chính sách TĐC, hỗ trợ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên”.

Cam kết với người dân, ông Trần Văn Mến - đại diện Cty Cổ phần Đại Lộc Long An, chủ đầu tư KCN và Khu dân cư Nam Thuận, khẳng định: “Dự án của Cty được chuyển qua nhiều chủ đầu tư, đến chủ đầu tư cuối cùng là Cty Cổ phần Đại Lộc Long An. Cả 2 dự án KCN và Khu dân cư Nam Thuận được phê duyệt đơn giá bồi thường năm 2014. Trong vòng khoảng 15 tháng, Cty chuẩn bị nguồn vốn đầy đủ để đền bù khoảng 85% diện tích KCN và khoảng 70% diện tích khu dân cư. Đến nay, doanh nghiệp ứng vốn đầu tư cho 2 dự án gần 600 tỉ đồng và rất muốn dự án đi vào hoạt động sớm nhất. Với những phản ánh của người dân, chúng tôi sẽ làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện để biết nguyện vọng thiết thực của người dân. Những kiến nghị hợp lý, chắc chắn doanh nghiệp sẽ có biện pháp hỗ trợ thích hợp, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Cty cam kết với lãnh đạo tỉnh, huyện từ nay đến cuối năm, Cty nỗ lực thu xếp nguồn vốn thực hiện việc chi trả dứt điểm tiền đền bù và giải phóng mặt bằng”.

Còn ông Trịnh Văn Hải - Giám đốc Cty TNHH Hải Sơn, khẳng định, đối với dự án đầu tư khu dân cư thương mại của Cty, năm 2006, giá đất chỉ khoảng 600 triệu đồng/ha. Dự án của Cty phải điều chỉnh 7 lần, đến năm 2017, giá đền bù lên 6 tỉ đồng/ha; mỗi lần điều chỉnh, có một số hộ dân đồng ý nhận tiền nhưng cũng có một số hộ chưa đồng tình.

“Tại cuộc họp này, Cty ghi nhận những ý kiến phản ánh của người dân. Sau cuộc họp này, Cty sẽ có văn bản gửi UBND huyện, tỉnh để xem xét mức giá mới phù hợp, nhưng cũng không thể quá cao. Tôi cũng mong rằng, người dân cùng chia sẻ với doanh nghiệp. Riêng về TĐC, người dân có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng xem xét, giải quyết. Cty cam kết chậm nhất đến quí II-2018 hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu TĐC để bố trí chỗ ở cho người dân” - ông Trịnh Văn Hải cam kết với người dân tại cuộc đối thoại.

Một số khu dân cư, tái định cư còn ngổn ngang, thực hiện không đúng tiến độ gây bức xúc đối với người dân

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh, để xảy ra những bức xúc kéo dài của người dân liên quan đến công tác giải tỏa, đền bù và TĐC có một phần do chính quyền địa phương chưa kịp thời nắm bắt những thắc mắc, bức xúc của người dân để có hướng giải quyết; công tác tuyên truyền, vận động, công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư, đền bù, TĐC chưa thường xuyên, sâu, rộng đến người dân. Việc áp giá đền bù chưa công khai rộng rãi, minh bạch nên người dân chưa thông suốt và đồng tình; những vấn đề người dân thắc mắc nhiều năm qua chưa được các cấp chính quyền giải quyết thấu đáo, đến nơi, đến chốn. Đây không chỉ là vấn đề riêng tại huyện Đức Hòa mà còn là vấn đề chung ở các địa phương đang triển khai các dự án phát triển công nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn cho người dân trong vùng dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được đề nghị, UBND huyện phải rà soát cụ thể trường hợp của từng dự án, xây dựng phương án bồi thường mới. Trong quá trình rà soát, xây dựng phương án mới, cần phối hợp các ngành, thậm chí lấy ý kiến của người dân; chậm nhất đến cuối tháng 12/2017, phải xây dựng, thẩm định xong phương án bồi thường mới, trình UBND tỉnh để công bố rộng rãi trước dân. Những cam kết của chủ doanh nghiệp trước người dân cần được thực hiện đầy đủ, không kéo dài gây thêm bức xúc”.

Trưởng ấp 4, xã Đức Hòa Đông - Nguyễn Văn Phơ cho biết: “Chúng tôi rất hài lòng! Sau cuộc đối thoại, những bức xúc dồn nén bấy lâu của người dân được các cấp chính quyền, chủ doanh nghiệp tháo gỡ. Mong rằng, những cam kết của chủ doanh nghiệp, những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh sẽ được thực hiện kịp thời, quyết liệt, đáp ứng mong đợi của nhân dân vùng dự án”./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết