Tiếng Việt | English

28/11/2016 - 10:13

Tình hẹn mùa trái chín

Đó là tựa đề của vở cải lương hài nhẹ nhàng nhưng sâu sắc mà đạo diễn, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đã tích cực tập luyện phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa trong những ngày cuối năm. “Tình hẹn mùa trái chín” là bài học về lòng tham lam, “thấy người ăn khoai, vác mai đi đào” dẫn đến thất bại trong sản xuất nông nghiệp...


Một cảnh trong vở cải lương “Tình hẹn mùa trái chín”

Đời sống thực tế đi vào cải lương

“Tình hẹn mùa trái chín” - vở cải lương của tác giả Tô Thiên Kiều, do nghệ sĩ Kim Phương đạo diễn, lấy bối cảnh một vùng quê của Long An vốn nức tiếng với nghề trồng thanh long ruột trắng, ruột đỏ,... Cũng vì sự chọn lựa giữa các loại giống thanh long ruột trắng, ruột đỏ, đỏ hồng,... nên câu chuyện tình yêu của đôi trai gái Long - Thanh rơi vào bi kịch. Họ đành hẹn nhau đến mùa trái chín!

Long - cán bộ nông lâm của xã và Thanh - con gái của ông Bảy yêu nhau nhưng chuyện tình gặp trắc trở vì cha Thanh không đồng ý gả Thanh cho Long. Ngày trước, ông Bảy cũng quý mến chàng cán bộ nông lâm trẻ tuổi, có học thức... Nhưng chuẩn bị bước vào mùa thanh long mới, cái nhìn của ông Bảy đối với Long đổi khác. Ông cho rằng, Long là kẻ không thật lòng vì khi ông chọn loại giống thanh long mới có ruột đỏ hồng để trồng thì chàng cán bộ nông lâm lại can ngăn. Long tận tình giải thích, so với những loại thanh long ruột đỏ, ruột trắng trồng nhiều năm nay, thanh long ruột đỏ hồng là loại giống mới, chưa được khảo sát chất lượng, vì vậy không nên trồng. Mặc Long thật lòng khuyên ngăn đừng “chạy” theo giống mới nhưng ông Bảy không nghe và nghĩ rằng, Long ích kỷ. Từ đó, ông can ngăn chuyện tình đang đẹp như những mùa thanh long chín đỏ của con gái mình với chàng kỹ sư nông lâm. Ông Bảy quyết tâm trồng loại thanh long mới - thanh long ruột đỏ hồng.

Lợi dụng tâm lý tham lam, muốn độc quyền trồng giống thanh long mới để thu về lợi nhuận cao của ông Bảy, Thái - cán bộ thú y của xã dù không có kiến thức về giống cây trồng nhưng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của ông Bảy chỉ vì muốn cưới được Thanh. Những lời to, nhỏ của Thái về một “tương lai tươi sáng” của trái thanh long ruột đỏ hồng khiến ông Bảy hài lòng. Và, ông Bảy nghĩ, Thái sẽ là chàng rể tốt khi biết nghe lời và ủng hộ quyết định trồng giống mới của mình. Thế rồi, ông Bảy quyết định gả Thanh cho Thái. Thái vui vẻ trong chiến thắng, chờ đến ngày cưới trong khi Thanh đêm ngày buồn bã, đợi đến mùa thu hoạch thanh long, để ba hiểu và chấp nhận Long như ngày nào.


Một cảnh trong vở cải lương “Tình hẹn mùa trái chín”

"Vở cải lương “Tình hẹn mùa trái chín” với nhiều chi tiết hài hước được dàn dựng mới, nâng chất từ vở “Trò Khỉ”. Tất cả ê-kíp tập luyện vở cải lương này trong 10 ngày để diễn hơn 40 suất phục vụ khán giả các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường, ... Trong vở diễn, ngoài những gương mặt diễn viên quen thuộc của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An như Mai Thắm, Hoàng Oanh, Kim Ngà, Vương Sang, NSƯT Nguyên Tâm,... còn có sự xuất hiện của các diễn viên trẻ. Qua đây, ngoài ý nghĩa phục vụ, đáp ứng đời sống tinh thần của người dân, vở cải lương còn tạo “đất diễn” cho các diễn viên trẻ với lối diễn mới, hấp dẫn và đặc sắc"

Trưởng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An - Biện Hữu Hùng Dũng thông tin.

Bài học cho những người nông dân

Mùa thu hoạch thanh long cũng đến! Khi nhà nhà tất bật vào vụ thì ông Bảy thấp thỏm vì vườn thanh long đỏ hồng nhà mình không ai hỏi mua. Nhưng, ông Bảy không biết rằng, vì nghe lời đồn về giống thanh long ruột đỏ hồng, ông Chín - hàng xóm với ông Bảy nhiều lần hỏi thăm về loại giống mới này và quyết định trồng theo ông Bảy. Vì không có giống để trồng, ông Chín lén tráo giống ruột đỏ của mình cho nhà ông Bảy và lấy giống ruột đỏ hồng mà Thái bán cho ông Bảy mang về nhà trồng. Cuối vụ, vườn thanh long nhà ông Chín cho trái teo héo, không ai đến mua nên ông “rầu thối ruột thối gan”. Ông Bảy cũng mang khối sầu không kém ông Chín vì cứ nghĩ, ruộng thanh long nhà mình là ruột đỏ hồng. Nào ngờ, khi nghe Long và Thanh báo tin: “Ba ơi (ông Bảy), thanh long nhà mình là ruột đỏ nên con (Thanh) đã bán hết và giá cao gấp đôi vụ trước. Còn thanh long ruột đỏ hồng thương lái không thu mua vì là giống mới, chưa kiểm định chất lượng nên thị trường không chấp nhận”. Nghe tin, ông Bảy như “hồi sinh”, còn ông Chín chết lặng!

Từ kết quả của vụ thanh long này, ông Bảy hiểu hơn lời khuyên giải chân thành của Long ngày trước. Ông chấp nhận gả Thanh cho Long. Ngược lại, ông giận Thái là kẻ lường gạt. Nhưng, trong câu chuyện này, người đáng thương vẫn là ông Chín. Vì lòng tham lam, vì tin mù quáng vào những lời của Thái nên ông Chín bất chấp tình làng nghĩa xóm, tráo đổi giống và thu về một mùa thanh long buồn. Bao nhiêu vốn liếng, công sức coi như mất trắng! Lời ông Chín nhắn nhủ trong đoạn cuối của vởi cải lương “Nông dân không nên chạy theo lợi nhuận, chọn giống này bỏ giống kia mà thất bại, hãy nghe theo khuyến cáo của nhà khoa học” cũng là bài học rút ra trong “Tình hẹn mùa trái chín”.

Chớ “thấy người ăn khoai, vác mai đi đào” - lời nhắn nhủ sâu sắc với những nông dân quanh năm bám ruộng, bám vườn. “Tình hẹn mùa trái chín” vì thế là vở cải lương hài, nhẹ nhàng nhưng mang thông điệp vô cùng sâu sắc, gắn với thực tế sản xuất nông nghiệp của nông dân./

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết