Tiếng Việt | English

25/01/2016 - 14:27

Tình yêu Bonsai

Đam mê cây kiểng, thích tạo dáng mai nên gần 20 năm nay, nghệ thuật bonsai là niềm vui đối với ông Nguyễn Thành Long ở ấp Chánh, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Dù nghề tạo dáng bonsai chưa mang lại kinh tế khá giả cho gia đình nhưng ông vẫn theo đuổi chỉ vì… đam mê.

Mỗi ngày được cắt, tỉa, chăm sóc mai là một niềm vui với ông Long

Chỉ vì đam mê

Năm 1998, ông Nguyễn Thành Long mua mai ở tận Thủ Đức, TP.HCM về trồng và mang đi tham gia triển lãm Hội xuân do huyện Đức Hòa tổ chức. Năm đó, khách hàng xem mai của ông đều lắc đầu, Ban Tổ chức cũng chưa ưng ý. “Thấy mai của mình xấu, nên sau Hội xuân, tôi mang về, học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc, cách tạo dáng để năm sau tiếp tục tham gia” - ông Long kể lại.

Ông học từ bạn bè kỹ thuật cắt, tỉa, bón phân, tưới nước để mai trổ bông to vào đúng dịp tết. Ngoài ra, ông mua sách về học cách tạo dáng bonsai để cây mai đẹp hơn, làm hài lòng người chiêm ngưỡng. Thành công không phụ long người chịu khó, cây mai vàng mang dáng 3 vĩa, tượng trưng cho "Phúc-Lộc-Thọ hoặc Thiên-Địa-Nhân của ông đoạt giải nhất trong Hội thi kiểng bonsai vào dịp tết năm 1999.

Từ đó về sau, hầu như hằng năm ông đều “rinh” giải thưởng tại hội thi kiểng bonsai do huyện tổ chức. Hiện tại, ông đang sở hữu hơn 10 giấy khen của UBND huyện Đức Hòa vì đạt giải trong các hội thi này.

Bây giờ, ngoài cây mai, ông mua thêm nhiều loại cây khác như: Me, cây sanh, nguyệt quế, mai chiếu thủy, lộc vừng,... mang về tạo dáng bonsai. Trong vườn nhà ông hiện có gần 100 chậu lớn, nhỏ đủ các loại cây ấy. Mỗi loại cây  mang một dáng vẻ khác nhau. Nguyệt quế với dáng thác đổ, dáng trực, dáng huyền; gốc mai chiếu thủy với hình dáng quái thú. Hay một loài bonsai tên vạn niên tùng có dáng thật ý nghĩa - Tam cang: Quân-Thần, Phụ-Tử, Phu-Phụ; ngũ thường: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Với gần 100 gốc bonsai, nếu bán đi, ông sẽ thu về số tiền khá lớn. Nhưng đó là niềm đam mê, niềm vui khi mỗi ngày được cắt, tỉa bonsai nên ông giữ lại.

“Chồng tôi chơi kiểng chủ yếu là thú vui. Có những lần ổng bán gốc bonsai được 10 triệu đồng nhưng mua lại các gốc khác cũng gần bằng số tiền bán ra. Còn cây sanh trước nhà, có người hỏi mua 20 triệu đồng mà ổng quyết không bán vì sợ không tìm lại được cây sanh khác có đế đẹp như vậy”, vợ ông Long – bà Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.

Nghề làm dâu trăm họ

Ngoài tạo dáng các loại kiểng bonsai trong vườn nhà, ông Long còn nhận giữ mai tết cho người dân trong và ngoài xã Tân Phú. Nghề “tay trái” giữ mai tết bén duyên với ông từ Hội hoa xuân năm 1999. Năm đó, thấy cây mai vàng của ông đạt giải nhất nên nhiều người mang mai sang nhà gửi ông chăm sóc giúp. Lúc đầu chỉ vài gốc nhưng rồi tiếng lành đồn xa, mỗi năm, khách hàng “ký gửi” cho ông hàng chục gốc mai.

“Thông thường, cứ sau tết độ mùng 7 là khách mang mai đến giao và 25 tháng Chạp lại đến nhận mai về chưng tết. Cả một năm chăm sóc, tôi xem những gốc mai ấy như những đứa con tinh thần, nên chăm chút từng li từng tí”, ông Long cho biết.

Tiền công giữ mai suốt một năm ròng khoảng 350.000 đến 1,5 triệu đồng/gốc nhưng công việc thì vô cùng vất vả. Mỗi ngày ông phải tưới nước, tới kỳ lại bón phân, cắt cành tạo dáng. Ông Long còn phải canh thời tiết để lặt lá nếu không, mai sẽ không trổ bông đúng vào dịp tết. Theo lời ông Long, lặt lá mai từ 12 đến 15 tháng Chạp âm lịch là được - tùy theo thời tiết.

Giữ mai tết là nghề “làm dâu trăm họ” nên khi nhận mai về chưng, cũng có khách hàng chê, khen. Những năm thời tiết không thuận lợi, mai nở sớm hoặc bông không to, khách hàng lại kỳ kèo đòi giảm giá tiền công. Mặc dù đôi lần gặp chuyện buồn như thế nhưng ông vẫn “bám nghề” chỉ vì sở thích tạo dáng bonsai cho cây mai.

Mấy năm gần đây, ông lắp wifi, sắm điện thoại để truy cập internet, xem dự báo thời tiết mỗi ngày để biết cách chăm sóc mai phù hợp. Vì vậy, những rủi ro trong nghề giữ mai tết cũng không còn xảy ra như lúc trước. Như năm nay, khi tiết trời đang nóng chuyển lạnh rồi lại trở nóng nên ông chủ động cách tưới. Nhờ vậy, 20 gốc mai ông nhận giữ đang phát triển tốt. 

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết