Tiếng Việt | English

14/11/2016 - 14:40

Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu làm rõ 8 vấn đề tại Bộ Công Thương

Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ vấn đề tổ chức cán bộ, các tập đoàn làm ăn thua lỗ, công tác thoái vốn, cổ phần hóa…

Làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương sáng 14/11 về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ 8 vấn đề.

Vấn đề thứ nhất Tổ công tác yêu cầu Bộ CôngThương làm rõ cơ cấu tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ: Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ động tái cơ cấu bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, hiệu quả của các đơn vị trực thuộc, nhưng thời gian qua công tác cán bộ tại Bộ Công Thương đã nổi lên nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc tại Bộ Công Thương. (Ảnh: VGP)
Vấn đề thứ hai, Bộ Công Thương cần giải trình về một số tập đoàn lớn làm ăn thua lỗ, không có hiệu quả. Trong đó, vai trò quản lý nhà nước, kiểm soát, thực hiện các quy trình quản lý vốn chủ sở hữu cùng các thủ tục thẩm tra thẩm định của Bộ Công Thương đang được dư luận quan tâm.

Vấn đề thứ ba là việc xây dựng chính sách, xây dựng thương hiệu thị trường bán lẻ trong nước, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm dần vị trí bán lẻ của Việt Nam.

Vấn đề thứ tư là công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước các các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương. Tổ công tác cho rằng đây là chủ trương lớn đang cần phải làm tốt để đạt mục tiêu sớm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng hoàn thành trong năm 2016 và có thể rút ngắn hơn.

Vấn đề thứ năm là quá trình thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp cho công nghiệp phát triển. Trong 10 tháng năm 2016 đã có 91.000 doanh nghiệp thành lập mới, phấn đấu 2020 có 1 triệu doanh nghiệp do đó công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về thị trường, tiếp cận đang cần được Bộ Công Thương tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh.

Vấn đề thứ sáu, Bộ Công Thương cần làm rõ về công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, nhái, gian lận thương mại, hàng tiểu ngạch. Vấn đề thương lái Trung Quốc cũng như những biến tướng của bán hàng đa cấp.

Vấn đề thứ bảy tổ công tác quan tâm là môi trường công nghiệp tại các dự án công nghiệp, nhiệt điện, các hồ thuỷ điện trong chiến lược phát triển năng lượng. Tổ công tác yêu cầu Bộ Công Thương trong quy trình cần phải hết sức nghiêm túc trong thẩm định cấp phép, xả thải, rút kinh nghiệm trong việc thẩm định cấp phép, xả thải Formosa.

Vấn đề cuối cùng Bộ Công Thương cần phải xây dựng chiến lược phát triển năng lượng, phát triển điện năng, không để miền Nam thiếu điện. Quan tâm tránh thiệt hại, xử lý sớm những băn khoăn của cộng đồng dân cư ở địa phương, ngay vấn đề ô nhiễm nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân, Tôn Hoa Sen ở Cà Ná..

Giải trình sơ bộ về 8 vấn đề Tổ công tác của Thủ tướng nêu ra tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh thừa nhận Bộ đã nỗ lực triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương từ cuối năm 2015.

Theo đó, đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai tất cả 486 nhiệm vụ được giao, trong đó đã hoàn thành 286 nhiệm vụ, 187 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện trong thời hạn được cho phép.

Tuy nhiên, do có một số khó khăn nhất định nên đến nay vẫn còn 13 nhiệm vụ được giao đến hạn Bộ Công Thương vẫn chưa hoàn thành. 13 nhiệm vụ chậm trễ tiến độ đã được Bộ xác định làm rõ nguyên nhân, thực trạng. Bộ Công Thương khẳng định quan điểm thực hiện nghiêm túc quyết liệt, xây dựng kỷ cương kỷ luật mới tinh thần Chính phủ kiến tạo.

“Mặc dù Bộ Công Thương có tinh thần tiếp cận mới nhưng còn có một số bộ phận chưa năng động, chủ động trong kết nối thực hiện. Do vậy, một số vấn đề mang tính khách quan nhưng lại lệ thuộc sự khách quan đã khiến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao chưa đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nhất trí tập thể Bộ Công Thương nghiêm túc rút kinh nghiệm, cam kết vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định và tiếp tục giải quyết các tồn tại, thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã giao phó”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết