Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/9. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Ngày 23/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng giao tại Thanh tra Chính phủ.
Theo báo cáo, từ ngày 1/1/2016 đến 15/9/2016, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ tổng số 100 nhiệm vụ. Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành 45 nhiệm vụ và hiện đang thực hiện 55 nhiệm vụ, trong đó có 32 nhiệm vụ trong hạn và 23 nhiệm vụ quá hạn. 21/23 nhiệm vụ quá hạn liên quan đến giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo; 2 nhiệm vụ quá hạn liên quan đến công tác xử lý sau thanh tra.
Thanh tra Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và cập nhật thông tin thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Nhiều nhiệm vụ được triển khai kịp thời và cập nhật theo đúng yêu cầu vào phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi của Văn phòng Chính phủ, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng; đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Tuy nhiên vẫn còn một số nhiệm vụ, công việc thực hiện còn chậm so với yêu cầu.
Lý giải về nguyên nhân, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho rằng là do trách nhiệm của một số cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ còn chưa cao, chưa đôn đáo trong triển khai nhiệm vụ.
Một số nhiệm vụ cần có sự phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị nên Thanh tra Chính phủ không chủ động được thời gian, tiến độ thực hiện, nhất là xin ý kiến về dự thảo kết luận thanh tra, kiểm tra, báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc cập nhật thông tin nhiệm vụ, công việc do Chính phủ, Thủ tướng giao trên phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi của Văn phòng Chính phủ đôi khi còn chưa sát với thời gian ban hành văn bản. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khẩn trương kết nối phần mềm quản lý văn bản của Thanh tra Chính phủ với Văn phòng Chính phủ đảm bảo thông suốt.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cần có biện pháp chấn chỉnh, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, nhất là việc trả lời các văn bản xin ý kiến của Thanh tra Chính phủ về dự thảo báo cáo kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xây dựng thể chế.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng.
Với quyết tâm cao, bám sát với các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã đạt được kết quả tích cực trong công tác, đồng thời quan tâm xây dựng các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, tập trung xây dựng thể chế, xây dựng văn bản pháp luật như Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng trong công tác điều hành, phân công, phối hợp của Thanh tra Chính phủ vẫn còn những hạn chế; còn xảy ra tình trạng tồn đọng nhiều vụ việc về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; kết quả xử lý sau thanh tra chưa được triển khai triệt để; công tác phòng chống tham nhũng chưa có nhiều chuyển biến.
Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả của công tác, nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường phối hợp trong tham mưu xử lý các báo cáo, kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; xây dựng các báo cáo của Chính phủ và công tác xây dựng thể chế./.
Xuân Tùng/TTXVN