Tiếng Việt | English

02/11/2024 - 17:38

Tôn vinh nét đẹp, sự hấp dẫn của nghệ thuật cải lương

Nhà hát Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ những ngày qua sáng đèn liên tục với hàng chục vở cải lương từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về diễn thi. Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 với sự tham gia của gần 1.200 nghệ sĩ (NS), diễn viên (DV) không chỉ là ngày hội lớn của giới làm nghề sân khấu mà còn là dịp để khán giả mộ điệu được thỏa lòng thưởng thức bộ môn nghệ thuật dân tộc đã gắn bó với người dân Nam bộ suốt trăm năm qua.

Cảnh trong vở “Chất ngọc - Cầm thi giang” của đơn vị Nhà hát Tây Đô (TP.Cần Thơ)

Cảnh trong vở “Chất ngọc - Cầm thi giang” của đơn vị Nhà hát Tây Đô (TP.Cần Thơ)

Sân chơi chuyên nghiệp lớn nhất của nghệ sĩ cải lương

So với kỳ liên hoan năm 2021 với sự tham gia của 22 đơn vị nghệ thuật, gần 1.000 NS, DV và 27 tác phẩm, Liên hoan năm nay quy tụ lực lượng hùng hậu hơn khi có sự tham gia của gần 1.200 NS, DV đến từ 29 đơn vị, đoàn nghệ thuật cùng với 33 vở diễn. Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024  được xem là sân chơi chuyên nghiệp dành cho các NS cải lương nói riêng và lĩnh vực nghệ thuật nói chung.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch - Hồ An Phong nhấn mạnh: "Cải lương là loại hình nghệ thuật truyền thống rất đặc sắc đã hình thành và phát triển hơn trăm năm qua. Đó là những giá trị rất to lớn, độc đáo không chỉ của người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn là những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam và nhân loại. Liên hoan là hoạt động có ý nghĩa, là cơ hội để lực lượng NS trao đổi lẫn nhau, tôn vinh nét đẹp và sự hấp dẫn của sân khấu cải lương. Đây còn là dịp để công chúng, người dân và du khách gần xa được thưởng thức những vở cải lương hấp dẫn, làm đắm say lòng người”.

Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - Nguyễn Thực Hiện chia sẻ: Việc tổ chức Liên hoan nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật cải lương trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

“Liên hoan cũng là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ triển vọng, từ đó lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển phù hợp với nền nghệ thuật truyền thống nước nhà; đồng thời là cơ hội cho NS được thể hiện, cống hiến và mang tới những luồng gió mới cho nghệ thuật cải lương. Từ đó góp phần duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này”- ông Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh.

Những tín hiệu vui

Định kỳ 3 năm, Liên hoan Cải lương toàn quốc diễn ra. Sân chơi nghệ thuật lớn này luôn được giới NS mong chờ, khán giả háo hức, đặc biệt là công chúng mộ điệu ở các tỉnh, thành phố Nam Bộ, những địa phương được xem là cái nôi của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu cải lương đã hình thành, phát triển hơn thế kỷ qua.

Theo Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 - Trần Hướng Dương, một tín hiệu vui của liên hoan lần này là sự tham gia của các đơn vị ngoài công lập. Các đơn vị đầu tư kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, diễn viên đến dàn dựng.

Theo đó, Sân khấu Sen Việt  tham gia vở Chói rạng Sơn Hà (Tây Sơn nữ tướng); Công ty Thiên Long vở Hào kiệt Lam Sơn (Long phụng kỳ tài); Công ty Song Việt vở Người ven đô; Công ty Giải trí We với vở Người mang chín án tử; Công ty Kim Ngân vở Cây lẻ bạn; Công ty Bảo Sơn vở Truyền tích Cổ Loa xưa; Công ty Giải trí Vũ Luân Entertainment tham gia vở Anh hùng đất phương Nam; Công ty Nghệ thuật Vietstar vở Mưa nguồn và Công ty Hồng Lạc Xuân vở Lưu vong (Khí tiết một trung thần). Do một số lý do, vở Đợi Kiều của Công ty Giải trí Hero Film đành lỗi hẹn với Liên hoan. Tuy nhiên, so với các kỳ Liên hoan trước, Liên hoan lần này tăng mạnh về số lượng, chứng tỏ các đơn vị nghệ thuật, NS hào hứng chờ đợi một kỳ Liên hoan chuyên nghiệp quốc gia để cùng tranh tài, thi diễn,…

Khán giả và nghệ sĩ đến xem cải lương tại nhà hát Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ

Khán giả và nghệ sĩ đến xem cải lương tại nhà hát Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ

Đáng chú ý, nhiều đơn vị nghệ thuật công lập tham gia từ 2-3 vở. Trong đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang có 2 vở: Khúc tráng ca thành Gia Định và San hô đỏ; Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai 2 vở: Đồng chí và Ánh nhật nguyệt. Nhà hát Cải lương Hà Nội mang vào Nam 3 tác phẩm để giao lưu - thi diễn: Sóng dậy giữa vương triều, Xuân Hương nữ sĩ, Muôn dặm vì chồng.

Được xem là cái nôi của loại hình nghệ thuật cải lương, các đơn vị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn luôn thu hút sự quan tâm của khán giả mộ điệu. Nhiều đơn vị đầu tư vở mới, lực lượng diễn viên trẻ, hứa hẹn mang lại nhiều sắc màu… Nhà hát Tây Đô (TP.Cần Thơ) với vở Chất ngọc - Cầm Thi giang; Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An thi diễn vở Người con của rừng tràm; Đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau diễn vở Hào quang và bóng tối; Nhà hát Cao Văn Lầu vở Sáng mãi vầng nhật nguyệt; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Đồng Tháp vở Sau lưng thềm nắng; Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu tham gia vở Trước bình minh;...

Liên hoan Cải lương toàn quốc đã đi được nửa chặng đường. Khán giả mộ điệu và giới làm nghề vẫn đang hào hứng chờ đợi, kỳ vọng vào một kỳ Liên hoan với nhiều cung điệu ngọt ngào. Bên cạnh yếu tố truyền thống dân tộc cần có những đột phá, sáng tạo trong cách dàn dựng, lối ca diễn,… Trong đó, đề tài sân khấu cải lương phải mang hơi thở thời đại và tính thời sự nóng hổi của cuộc sống, để loại hình nghệ thuật độc đáo này mãi đồng hành cùng dân tộc./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết