Tiếng Việt | English

24/05/2022 - 08:57

TP.Tân An: Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp đô thị

Để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị thì việc xây dựng thành công các hình thức liên kết sản xuất là không thể thiếu. Trong đó, xây dựng và phát triển các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đóng vai trò hạt nhân. Vì vậy, năm 2022, TP.Tân An, tỉnh Long An tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể (KTTT) với mục tiêu chung là nâng cao số lượng, chất lượng và xem đây là một trong những thành phần kinh tế quan trọng cho phát triển KT - XH của địa phương.

Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Tâm có trên 5ha gấc

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 15 HTX đang hoạt động hiệu quả, với 351 thành viên, tổng số vốn hoạt động và giá trị tài sản gần 7 tỉ đồng; 55 THT với 645 tổ viên, hoạt động trong lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi heo, bò sữa, dịch vụ máy gặt đập liên hợp,... Thu nhập bình quân khoảng 4-5 triệu đồng/tháng/lao động.

HTX Chăn nuôi bò Hướng Thọ Phú, được thành lập vào tháng 6-2017, hiện có 14 thành viên. HTX hoạt động theo mô hình kiểu mới, đó là các thành viên vẫn phát triển chăn nuôi tại chính trang trại của gia đình, HTX đứng ra chịu trách nhiệm về cung ứng giống, vật tư, các dịch vụ khác và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên thông qua việc kết nối tiêu thụ sữa bò với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan. Qua đó, phát huy được sức mạnh của cá nhân, kinh tế hộ với tư cách là thành viên gắn kết với nhau cùng hợp tác phát triển dưới hình thức tổ chức HTX,...

Tại xã Bình Tâm, sau thời gian học hỏi kinh nghiệm về việc chuyển đổi cây trồng, HTX Nông nghiệp Bình Tâm quyết định phát triển mô hình trồng gấc vì có tính khả thi cao, vốn đầu tư ít nhưng có thể khai thác lâu dài. Gấc là loại cây trồng có tuổi thọ trung bình từ 10 - 15 năm, trồng từ 6 tháng thì có thể thu hoạch. Với ưu điểm cho trái quanh năm, thị trường chủ yếu là trong nước nên không bị áp lực về giá cũng như quy trình bảo quản như các loại nông sản xuất khẩu. Giá bán gấc tươi rẻ nhất là 10.000 đồng/kg, khi “hút hàng” thì tăng đến 38.000 đồng/kg. Trung bình trên 1.000m2 đất, chi phí đầu tư ban đầu (chưa tính hệ thống tưới tự động) chỉ khoảng 15 triệu đồng, năng suất khoảng 1,5 tấn trong năm đầu và tăng dần qua các năm.

“Hiện HTX Nông nghiệp Bình Tâm có 17 thành viên trồng gấc với diện tích trên 5ha. Ngoài chú trọng sản xuất theo quy hoạch, HTX còn hướng dẫn các thành viên trồng gấc theo mô hình VAC là trên trồng gấc, dưới nuôi cá, khu vực vành đai thì trồng xen thêm các loại cây phù hợp, cần ít ánh sáng, vừa cải thiện thu nhập, vừa dễ áp dụng biện pháp sinh học để canh tác an toàn, hiệu quả” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tâm - Nguyễn Thị Mộng Thu thông tin.

Để thúc đẩy phát triển KTTT, HTX, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như liên kết sản xuất, sản xuất an toàn, hữu cơ (phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, chứng nhận GAP, organic), ứng dụng công nghệ cao (nhà màng, nhà lưới,...) được thực hiện thông qua các HTX hoặc các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Riêng các THT được thực hiện thông qua các tổ vay vốn thuộc nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; hiện tổng kinh phí vay vốn để thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh với dư nợ trên 11,7 tỉ đồng.

Ngoài ra, định kỳ hàng năm và theo kế hoạch, thành viên các THT, HTX đều được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn kết hợp tham gia các hội thảo khoa học, hội thảo đầu bờ hay tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới, tiên tiến.

Công tác đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, kênh dẫn nước, nạo vét dòng chảy, van ngăn mặn,... được thành phố và địa phương thực hiện tốt. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hàng năm, thành phố còn bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp hạ tầng tạo giao thông đi lại thông suốt, thuận tiện. Hiện thành phố có 10 công trình nạo vét kênh; đầu tư nâng cấp 45 tuyến đường giao thông nông thôn; xây dựng 7 giếng nước với kinh phí gần 5,9 tỉ đồng.

Trưởng phòng Kinh tế TP.Tân An - Nguyễn Thái Bình cho biết: TP.Tân An đề ra mục tiêu chung cho năm 2022 là đẩy mạnh phát triển KTTT với nhiều hình thức đa dạng cả về số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động, mà nòng cốt là HTX. Qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại, THT, tạo cơ sở cho việc thành lập HTX trên địa bàn. Phấn đấu trong năm 2022, thành phố có 50% tổng số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Đặc biệt, thành phố tiếp tục bám sát vào kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025, vận dụng linh hoạt vào từng điều kiện thực tế của địa phương với cách làm hay, mô hình sáng tạo đạt hiệu quả phù hợp trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, thành phố tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT trên địa bàn để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KTTT năm 2022./.

Kim Ngân

Chia sẻ bài viết