Tiếng Việt | English

28/10/2015 - 10:27

Trà Quý Bình - Thủy tổ đặc công nước chống Pháp

Danh sĩ yêu nước thời cận đại, nhà thơ Trà Quý Bình có tên thật là Duy Minh, tiểu danh là Văn Cẩn, tự là Quý Bình, hiệu là Tịnh Trai, biệt hiệu là Cô Sơn Pha Tẩu, sinh năm 1828 ở thôn Bình Quới, tổng Thạnh Hội Thượng, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Theo gia phả họ Trà, ông nội Trà Quý Bình là Văn Viên - người đã lập ra chợ Kỳ Son, sau trở nên khá giả, giàu có.


Vàm Châu Phê – nơi nghĩa quân Trà Quý Bình tập kích lấy đầu tri phủ ngụy đêm 20 rạng 21 tháng 6 năm Tân Dậu (1861). Ảnh chụp năm 1873, đăng tạp chí Le Tour du Monde (Vòng quanh thế giới), xuất bản tại Paris (Pháp)

Trà Quý Bình lúc nhỏ đã có tiếng là thông minh, năm 20 tuổi (1848) đỗ tú tài ở trường thi Gia Định. Do liên tiếp tang mẹ (1852) rồi tang cha (1855), ông phải lo việc hiếu đễ trong nhà nên không đi thi lên nữa, nhưng vẫn được biết tiếng vì từng theo học với Phan Cư Chánh (tức Phan Trung, đỗ cử nhân năm 1841), Thân Văn Nhiếp (cử nhân năm 1841), Đỗ Duy Đệ (người Nam Định, đỗ tiến sĩ năm 1849) và kết bạn với hai anh em Cù Khắc Cần, Cù Khắc Kiệm ở Tân Thạnh (đều đỗ cử nhân).

Năm 1859, thực dân Pháp tấn công vào Gia Định, Trà Quý Bình cùng nghĩa quân huyện Tân Thạnh (phủ Tân An) kéo lên chống giặc ở Sài Gòn. Tháng 2-1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông về quê xuất gia tài tuyển mộ trai tráng được hơn 800 quân, đưa theo Phan Trung chống Pháp ở Tân An, được Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang phong chức làm Thủ Quản cơ. Đêm 20 rạng ngày 21 tháng 6 năm Tân Dậu (1861), Trà Quý Bình đem quân tập kích đồn giặc ở vàm rạch Châu Phê. Nửa đêm, ông cho toán nghĩa quân cạo trọc đầu, thủ dao, mình quấn xà rông, lội sông rồi trét sình đen xông lên đột nhập vào phủ lỵ, giết chết Tri phủ Việt gian đầu tiên của Pháp là Trần Quang Tâm cùng nhiều lính Tây, thu toàn bộ khí giới, đốt cháy đồn. Xong việc, Trà Quý Bình cho cắt thủ cấp của Tâm đem về kinh thành Huế để báo công, trước khi tàu của người Pháp kịp tới ứng cứu. Lối tấn công thủy “xuất quỷ nhập thần” vào phủ lỵ và đồn Châu Phê của Trà Quý Bình về sau được người viết sử xem như sự kiện khởi thủy của đặc công nước ở vùng Lục tỉnh Nam kỳ.

Sau Hòa ước 1862, Phan Trung đi Biên Hòa dựng căn cứ Giao Loan - nơi giáp ranh giữa Bình Thuận và Biên Hòa, Trà Quý Bình ở lại mộ được 13 cơ (mỗi cơ khoảng 400 quân) hợp lực với nghĩa quân của Trương Định ở Gò Công chống Pháp. Đầu năm 1863, ông được Trương Định phong làm Đề đốc quân vụ tỉnh Gia Định. Sau khi Trương Định hy sinh (20-8-1864), ông tạm lánh về Vĩnh Long. Người Pháp đòi các quan lại Vĩnh Long bắt nộp những người chống Pháp, Trà Quý Bình bèn cùng Phan Trung ra Huế.
Năm 1867, buồn vì thái độ bạc nhược của Phan Thanh Giản, Trà Quý Bình đưa vợ con ra Bình Thuận, nhiều lần từ chối lệnh của Triều đình gọi ra làm quan; mãi đến cuối năm 1869 ông mới chịu ra nhận chức Tri phủ.

Từ 1869-1876, Trà Quý Bình lần lượt làm Tri phủ Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Án sát các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi rồi làm Bố chánh tỉnh Quảng Bình. Ở mọi cương vị, ông đều tỏ rõ là viên quan có năng lực điều hành, yêu nước, cương trực và thương dân; ông là người đầu tiên đề nghị Triều đình chính thức ghi công Trương Định và được chấp thuận.

Từ năm 1883 đến cuối đời, Trà Quý Bình gặp nhiều “sóng gió”, có lúc sống ẩn dật ở Khánh Hòa, làm Dinh điền sứ Bình Thuận, có lúc bị tên Việt gian Trần Bá Lộc cáo giác với triều đình việc ông ngầm xúi dân chống Pháp, ông bị triều đình cách chức, quản thúc tại Huế; sau được phục hàm Hàn lâm viện Biên tu.

Trà Quý Bình mất tại Huế ngày 20-2-1894 (15 tháng Giêng, năm Giáp Ngọ). Ông có sáng tác thơ văn nhưng đến nay hầu như đều thất lạc. Trà Quý Bình có con là cử nhân Trà Quý Tiếp, con rể của Nguyễn Thông./.

Long Thái

Chia sẻ bài viết