Tiếng Việt | English

28/11/2023 - 10:34

Trăm năm nghề truyền thống (Kỳ 1)

Trong sự hối hả của nhịp sống hiện đại, vẫn có những người âm thầm giữ nghề truyền thống. Với họ, đó không chỉ là mưu sinh mà còn là những gì thân thuộc nên đôi ba lần định bỏ nhưng rồi vẫn giữ lấy nghề.

Kỳ 1: "Trắng da vì bởi mẹ cưng

Đen da vì bởi lội bưng nhổ bàng"

Khoảng 40-50 năm trước, đi đến đâu cũng thấy các dì, các cô đương đệm và hầu như nhà nào cũng có vài chục neo bàng trong nhà để dành đương. Mấy đứa nhỏ 6-7 tuổi cũng tập tành đương manh. Từ bàng có thể đương thành đệm, tụng, manh, nóp, võng,... Đệm bàng không chỉ để trải giường mà còn dùng phơi lúa, đậy lúa, che nắng,...

Xóm bàng khu phố 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa trước kia giờ chỉ còn mỗi bà Lâm Thị Định theo nghề

Xóm bàng khu phố 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa trước kia giờ chỉ còn mỗi bà Lâm Thị Định theo nghề

Nhắc đến cái thời “lội bưng nhổ bàng”, bà Lâm Thị Định (khu phố 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) hào hứng kể: “Khoảng năm 1980, cả xóm này hầu như nhà nào cũng đi nhổ bàng. Cứ tới mùa bàng (chừng tháng 8, tháng 9 Âm lịch), mọi người trong xóm rủ nhau chèo ghe đi nhổ bàng, có đợt đi vài ngày, cũng có đợt đi cả tuần. Phải lên tận miệt Đá Biên (xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa bây giờ), Mộc Hóa mới có nhiều bàng. Chèo xuồng cả ngày, có khi 2-3 ngày mới tới, lỉnh kỉnh mang nồi, gạo để nấu cơm, vài ba tay lưới để giăng cá. Nhổ bàng gần nhà người quen thì có nơi tá túc, còn khi ở giữa đồng thì căng tấm bạt nghỉ tạm vài hôm. 6-7 nhà đi chung rồi giăng cá, nấu cơm ăn chung”.

Ký ức cứ thế ùa về trong người phụ nữ đã tròm trèm tuổi 70. Bà Định kể tiếp, thường đàn ông có sức khỏe mới nhổ bàng, còn đàn bà chỉ phụ hợ, nhổ được bao nhiêu hay bấy nhiêu, rồi buộc bàng thành từng neo, xếp lên xuồng. Nhổ bàng phải biết cách, nắm mớ bàng vừa tay rồi giật mạnh, dứt khoát theo chiều nghiêng để bàng bật gốc. Giật mạnh mà nắm không chặt thì cọng bàng bị giập, cứa đứt tay. Nhổ chục lần thì bó lại thành neo, chất xuống xuồng. Bàng tươi đem về phải gióng (so bằng, phân loại theo độ dài), ép, phơi rồi mới đương thành đệm, võng,...

Tùy theo cách làm mà mỗi nơi có cách gióng bàng khác nhau, sau đó đem giã cho cọng bàng dẹp lại rồi phơi cho ráo. Tới mùa bàng, dưới bến, xuồng ghe tấp nập, nào là xuồng đi nhổ bàng về, nào là xuồng từ nơi khác tới mua bàng. Con đường cặp mé sông ở khu phố 3 Nhà Thương này được trưng dụng để phơi bàng. Mùi cỏ bàng thoang thoảng khắp xóm.

Ngày đó, huyện Thủ Thừa, Bến Lức được xem là vựa bàng của tỉnh. Xóm bàng ở cặp mé sông, nhộn nhịp lắm! Và nghề đương đệm bàng cũng là nghề chính thời đó. Xong việc đồng áng, nhà nhà, người người cùng đương đệm. Trẻ con 6-7 tuổi đã học đương đệm và sản phẩm đầu tiên thường là chiếc manh em (dùng để lót võng đưa em bé ngủ). Những năm 80, 90, nghề đương đệm rất phổ biến, hầu như vùng nào cũng đương đệm. Từ bàng có thể đương thành đệm, nóp, bị bàng, tụng bàng (giỏ xách), cặp bàng,... Thương lái đến tận nơi đặt hàng, đệm đương không đủ bán.

Hào hứng khi kể lại chuyện xưa rồi cúi xuống đương cho xong vung bàng (một vung dài có chiều ngang 80cm, dài 2m), bà Định nói: “Xóm bàng ngày đó giờ chỉ còn nhà tui giữ nghề. Có khách đặt thì tui mới đương, chứ không đương nhiều như ngày trước. Mà giờ người ta xài chiếu, nệm chứ ít ai mua đệm, cả năm có khi tui chỉ đương được vài ba tấm. Chập tết thì khá hơn, người ta đặt đương tụng bàng, bị bàng để trang trí tết quê. Nhà có 3 chị em, 8-9 tuổi đầu, đứa nào cũng được má dạy đương rồi đi đương mướn, giờ thì chỉ còn mình tui giữ nghề, mấy người kia nghỉ hết rồi”.

Những gia đình theo nghề bàng trước kia giờ đã bỏ nghề, tìm kế khác sinh nhai, còn bà Định giữ nghề một phần vì lớn tuổi, không biết phải chuyển sang nghề gì khác, phần vì muốn giữ lại nghề mà trước kia đã mang đến cuộc sống đủ đầy cho gia đình bà. Không còn đi nhổ bàng, phơi bàng, giờ bà mua bàng ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang về đương.

Cứ mỗi lần mua khoảng 150 neo, mỗi neo 40.000 đồng. Bà thường đương manh em bán cho mấy tiệm tạp hóa ở chợ với giá 25.000 đồng/tấm hoặc có khi ai đặt đệm lớn theo yêu cầu, bà cũng nhận. Một tấm đệm, bà đương trong 4 ngày và cần 2 neo bàng. Nhưng nhiều nhất là bán bàng để gói bánh tét. Trước kia, người ta buộc bánh tét bằng dây lạt, sau này chuyển qua dùng dây nylon hoặc bàng nên bà Định vẫn sống được với nghề bàng.

Chiếc máy ép bàng được chị Đinh Thị Tâm (ấp 4, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) mua từ 6 năm trước

Chiếc máy ép bàng được chị Đinh Thị Tâm (ấp 4, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) mua từ 6 năm trước

Ở ấp 4, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa cũng còn vài gia đình giữ nghề đương đệm, tụng bàng. Mấy người trong xóm cũng không biết nghề đương đệm ở đây có từ khi nào, chỉ biết bà cố truyền lại cho bà ngoại, bà ngoại dạy lại má rồi má chỉ cho mình cách đương. Nhà chị Đinh Thị Tâm được xem là “điểm hẹn” bởi mỗi khi rảnh rỗi, mấy dì, mấy chị gom lại cùng đương đệm. 6 năm trước, chị Tâm đầu tư chiếc máy ép bàng vừa để sử dụng, vừa nhận ép thuê. Cứ 1 neo bàng, chị lấy tiền công 2.000 đồng.

Để cho ra bàng thành phẩm dùng để đương, sau khi mua về phải phân loại, ép, mang ra phơi, sau đó ép lại lần nữa. Chị Tâm và người dân xóm này cũng mua bàng từ huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Đây có lẽ là một trong số ít xóm bàng còn nhộn nhịp. Cứ vào mùa bàng, khoảng tháng 9 Âm lịch, xóm lại tất bật hơn, người phơi bàng, ép bàng, đương đệm.

Lúc vào mùa, chiếc máy ép bàng của nhà chị Tâm làm việc liên tục từ sáng đến tối, trung bình tiền công được khoảng 50.000 đồng/giờ. Và mùa bàng ở đây kéo dài khoảng 4 tháng, nhộn nhịp nhất là giáp tết. Những sản phẩm từ bàng của xóm bàng ấp 4 như đệm, tụng, manh,... được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Một chiếc tụng bàng được bán với giá 18.000 đồng, đệm loại tốt giá 300.000 đồng/tấm, loại thường 180.000 đồng/tấm.

Chị Huỳnh Thị Thanh là chủ vựa bàng ở ấp 4, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa. Chị thu mua các sản phẩm từ bàng của các hộ dân trong xóm hoặc thuê người đương đệm với tiền công 70.000 đồng/tấm rồi giao cho đại lý ở xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa.

Vựa bàng nhỏ nhà chị Huỳnh Thị Thanh (ấp 4, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) góp phần giải quyết việc làm cho gần chục lao động trong xóm

Vựa bàng nhỏ nhà chị Huỳnh Thị Thanh (ấp 4, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) góp phần giải quyết việc làm cho gần chục lao động trong xóm

“Nghề đương bây giờ không còn thịnh như mấy chục năm về trước và cũng còn rất ít người sống được với nghề. Vào mùa thì đi làm ruộng, lúc rảnh thì nhận đương, kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó.

Những người biết đương cũng là người lớn tuổi, chứ tụi nhỏ giờ đi làm công ty, xí nghiệp hết rồi, đâu có đứa nào biết đương” - chị Thanh chia sẻ về nghề. Cái vựa bàng nhỏ nhà chị cũng tạo việc làm cho cả chục người trong xóm, thu nhập không cao nhưng có thêm tiền chợ, tiền điện, nước từ nghề đương đệm.

Đồng Tháp Mười, nơi được xem là “thủ phủ” bàng trước kia giờ không còn nhiều bàng nữa. Diện tích cỏ bàng bị thu hẹp, nhường chỗ cho những cánh đồng lúa bạt ngàn, vườn cây ăn trái trĩu quả và nghề nhổ bàng chắc cũng chỉ còn trong ký ức của những lão nông.

Trong những câu chuyện kể về nghề bàng, người nghe phần nào mường tượng được về nghề truyền thống đã gắn bó với cha ông trong cuộc mưu sinh từ thuở miệt Đồng Tháp Mười còn là cánh đồng hoang./.

(còn tiếp)

Anh Túc

Kỳ 2: "Ghe anh đi cá trảng lườn"

Chia sẻ bài viết