Tiếng Việt | English

22/04/2021 - 15:50

Trên 87.600 lượt nông dân hưởng lợi từ dự án VnSAT

Ngày 22/4, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (dự án VnSAT) tỉnh Long An giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm chủ trì hội nghị.

Long An tổng kết dự án VnSAT giai đoạn 2016 - 2020

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh Long An, giai đoạn 2016 - 2020, dự án góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, đã có 87.644 lượt nông dân hưởng lợi trực tiếp từ dự án, tăng thêm lợi nhuận trên mỗi hecta sản xuất của hộ nông dân khoảng 28,8%.

Trong 5 năm qua, dự án đã tổ chức 523 lớp tập huấn cho 11.835 hộ nông dân (không trùng lắp), với 34 điểm trình diễn về quy trình sản xuất theo “3 giảm, 3 tăng”; 418 lớp cho 10.866 hộ nông dân (không trùng lắp), với 21 điểm trình diễn về quy trình sản xuất theo “1 phải, 5 giảm". Ngoài ra, dự án còn mở 55 lớp với 1.588 người tham gia tập huấn về các nội dụng: hướng dẫn trồng nấm rơm, sản xuất lúa giống xác nhận, sản xuất lúa theo VietGAP,…

Bên cạnh đó, dự án cũng đã hỗ trợ thành lập 17 hợp tác xã (HTX) và củng cố nâng cao năng lực hoạt động của 10 HTX đã có trước dự án. Tổng vùng dự án hiện nay có 27 HTX, với 3.818 thành viên, tương ứng với diện tích sản xuất lúa là 11.702ha.

Dự án đã hỗ trợ 11 tiểu dự án cho 11 HTX, bao gồm: 3 nhà kho, 11 trạm bơm, 16 trạm biến áp, 9 tuyến đường giao thông nội đồng, 2 cầu, 1 cống,…với tổng kinh phí trên 72,5 tỉ đồng. Theo kế hoạch năm 2021, dự kiến dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ thực hiện 12 tiểu dự án hạ tầng công với tổng kinh phí 64,8 tỉ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm ghi nhận và đánh giá cao những kế quả mà dự án đã đạt được trong 5 năm qua. Đồng thời, ông đề nghị Ban Quản lý dự án phối hợp các cấp, các ngành tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian qua.

Song song đó, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, duy trì mức độ áp dụng quy trình sản xuất "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa, tăng thu nhập cho nông dân./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết