Không biết tự bao giờ, bữa cơm tất niên chiều cuối năm trở nên liêng thiêng và có ý nghĩa đối với mỗi gia đình. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi sau một năm tất bật với cuộc sống, ngày cuối cùng của năm cũ, ai cũng muốn trút hết mọi muộn phiền, trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình để chia sẻ cùng nhau bao dự định trong năm mới, cùng vui vầy bên những người thân yêu rồi cùng nhau nấu những món ăn truyền thống, kính cẩn mời tổ tiên về đón tết cùng con cháu. Với ý nghĩa đó, dù ai có bận “trăm công ngàn việc” vẫn cố gắng sắp xếp về với gia đình trong bữa cơm chiều cuối năm.
Chuyến xe buýt cuối của chiều 30 tết đông nghịt người. Ai cũng muốn chen lên chuyến xe cuối ngày của năm cũ để về kịp sum vầy bên mâm cơm tất niên, cùng đón thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa cùng những người thân. Tôi, cô sinh viên nghèo, cố bám trụ lại thành phố những ngày giáp tết phụ bán hàng, kiếm thêm chút tiền về lì xì cho mấy đứa em. Cạnh tôi là hai vợ chồng gần 50 tuổi, lên thành phố bán hoa tết. Họ cố nán lại bán thêm một ít hoa và “hành trang” mang về quê, ngoài những vật dụng cá nhân còn có bịch bánh, mứt và bó hoa cúc để cúng giao thừa. Phía sau là anh bán vé số, anh nói đêm giao thừa ở lại thành phố bán được nhiều lắm nhưng thôi, phải về nhà ăn bữa cơm chiều cuối năm với gia đình. Giờ này, cha mẹ, vợ con anh đang chờ… Chuyến xe xuất bến lúc 7 giờ tối, đã đông người rồi nhưng đến mỗi trạm, bác tài vẫn dừng lại đón thêm. Xe chật nhưng ai cũng vui vẻ, ráng chịu một chút để người khác được lên xe, chứ giờ này khó đón xe lắm, làm sao kịp về đón giao thừa. Chuyến xe chở đầy ắp những yêu thương. Những người chưa từng quen biết bỗng dưng xích lại gần nhau hơn trên chuyến xe cuối năm, hỏi thăm nhau “ăn tết lớn không” rồi chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.
Chuyến xe chiều cuối năm, chuyến xe chở những người còn tất bật với công việc trở về với gia đình cùng ăn bữa cơm tất niên bởi bữa cơm đó có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người và là phong tục tốt đẹp của dân tộc./.
Quỳnh Chi